Sáp nhập huyện, xã: Bộ trưởng Nội vụ nói 'khó hoàn thành trước tháng 10'

Admin

Lộ trình, kết quả và giải pháp trong việc thực hiện sáp nhập đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã là vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm, chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà.

Thực hiện thật tốt việc sắp xếp tài sản, cán bộ dôi dư

Tiếp tục phiên chất vấn chiều 21/8, đại biểu Hồ Thị Kim Ngân (đoàn Bắc Kạn) chất vấn về giải pháp căn cơ để tháo gỡ những vướng mắc về cán bộ dôi dư sau sắp xếp?

Trả lời câu hỏi, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, đến thời điểm này, qua tổng hợp, đối với cán bộ, công chức cấp huyện còn dôi dư là 58/706 (8,22%). Số cán bộ, công chức cấp xã dôi dư còn 1.405/9.614 người (14,49%).

Bà Trà cho hay, theo các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội , Quốc hội thì hết năm 2025 phải giải quyết xong số dôi dư này. Hiện nay, nhiều địa phương đã tiến hành sắp xếp cán bộ dôi dư tốt như Quảng Ninh, Thanh Hóa, tuy nhiên, một số địa phương còn khó khăn.

Sáp nhập huyện, xã: Bộ trưởng Nội vụ nói 'khó hoàn thành trước tháng 10'- Ảnh 1.

Các đại biểu tại phiên chất vấn

Bộ trưởng Nội vụ thông tin, vừa qua để giải quyết các tồn đọng của giai đoạn 2019 - 2021, chuẩn bị cho giai đoạn 2023 – 2030, Chính phủ đã chỉ đạo rất quyết liệt vì đây là “tồn đọng rất lớn”.

Trong đó, Bộ Nội vụ đã tham mưu ban hành nghị quyết 29 về giải quyết chính sách tinh giản biên chế, dành riêng khoản quy định rất rõ về sắp xếp cán bộ, công chức dôi dư khi sáp nhập xã, huyện và với cấp xã có nghị định 33 là điều kiện thuận lợi để sắp xếp cán bộ.

Theo Bộ trưởng Nội vụ, hiện nay số cán bộ dôi dư còn lại không nhiều nên mong các địa phương quan tâm tập trung trên cơ sở các chính sách hiện có. Bộ trưởng cho biết, có 46/54 địa phương nằm trong diện sắp xếp huyện, xã giai đoạn này đã có nghị quyết hỗ trợ thêm cho các cán bộ dôi dư.

Bà Phạm Thị Thanh Trà mong muốn các địa phương rà soát, xem xét, công khai, dân chủ, công bằng, vận dụng các chính sách hiện có của trung ương, địa phương để giải quyết dứt điểm cán bộ dôi dư để đến hết năm 2025 sẽ xong.

Cũng tại phiên chất vấn, nhiều đại biểu quan tâm về việc giải quyết các tài sản dôi dư sau sáp nhập.

Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nói, giai đoạn 2019 -2021, khi tiến hành sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã, có dôi dư tổng số 864 trụ sở nhà đất, đến nay mới giải quyết được 349 trụ sở (tương đương trên 40%). Như vậy, tài sản dôi dư sau sắp xếp đơn vị hành chính cần giải quyết là rất lớn.

Có rất nhiều nguyên nhân, theo bà Trà, trong đó có việc xác định giá đất, giá tài sản còn nhiều khó khăn, vướng mắc, đặc biệt về việc định giá đất, địa phương lúng túng, khó khăn, chưa thực hiện được.

Nhưng đến thời điểm này, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 2 nghị định, Bộ Tài chính đã hoàn thiện sửa đổi nghị định 167 và nghị định 67, tháo gỡ vướng mắc căn cốt nhất cho địa phương trong việc giải quyết tài sản dôi dư.

Sáp nhập huyện, xã: Bộ trưởng Nội vụ nói 'khó hoàn thành trước tháng 10'- Ảnh 2.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, cơ sở pháp lý là một vấn đề, cái quan trọng đó là các địa phương. Vừa qua Quảng Ninh, Yên Bái và một số tỉnh, thành khác đã thực hiện tốt nhiệm vụ này.

“Mong các địa phương tập trung rà soát, hoàn thiện lại toàn bộ các cơ sở, điều kiện, nhất là cơ sở pháp lý để thực hiện thật tốt việc sắp xếp tài sản dôi dư, việc này rất cần thiết trong giai đoạn tới”, bà Trà cho hay.

Địa phương quyết tâm cao sẽ thực hiện được

Viện dẫn báo cáo của Chính phủ, đại biểu Hoàng Quốc Khánh (đoàn Lai Châu) cho biết, giai đoạn 2023 - 2025, cả nước thực hiện sắp xếp 49 đơn vị cấp huyện và 1.247 đơn vị hành chính cấp xã của 53 địa phương.

Việc sáp nhập phải hoàn thành trước tháng 10/2024. Tuy nhiên, đến nay mới có 3 địa phương trình Ủy ban Thường vụ quyết định và 3 địa phương đang trình thẩm tra nên thời gian không còn nhiều.

Để sớm ổn định tổ chức bộ máy, nhân sự, chuẩn bị cho Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ tới, đại biểu Hoàng Quốc Khánh đề nghị Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết việc thực hiện sáp nhập đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong thời gian qua có bị chậm tiến độ không? Trách nhiệm của Bộ trưởng về vấn đề này như thế nào và Bộ trưởng cho biết các giải pháp trong thời gian tới để đảm bảo tiến độ đề ra?

Đồng tình với phản ánh của đại biểu, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết, đến thời điểm này, Bộ Nội vụ đã tiếp nhận 43 hồ sơ của 54 tỉnh thuộc diện sắp xếp; đã hoàn thiện thẩm định 32 bộ hồ sơ, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội 3 bộ và đang báo cáo Chính phủ 3 bộ hồ sơ. Hiện có 10 địa phương chưa gửi hồ sơ về bộ để thẩm định. “Tiến độ này khó hoàn thành trước tháng 10”, bà Trà nói.

Bộ trưởng thẳng thắn thừa nhận, trong việc này có trách nhiệm của Bộ Nội vụ, các bộ liên quan và cả địa phương. Theo bà, ngay khi có Nghị quyết 35, các ban chỉ đạo được thành lập, Thủ tướng Chính phủ tổ chức hội nghị rất sớm nhưng khi triển khai khối lượng công việc rất lớn.

Hơn nữa, yêu cầu của nghị quyết cho giai đoạn này cũng chặt chẽ hơn, đảm bảo phù hợp quy hoạch tỉnh, đô thị, nông thôn và quy hoạch khác. Cạnh đó, nhiều địa phương kết hợp mở rộng không gian đô thị hay thành lập đơn vị hành chính đô thị.

Bà Phạm Thị Thanh Trà cho biết, các nơi vướng nhiều việc chưa xây dựng được kế hoạch để thực hiện nhiệm vụ quy hoạch; chưa thực hiện hoàn thành các loại quy hoạch. Các hồ sơ vướng mắc cơ bản về quy hoạch và phân loại đô thị. Tuy nhiên, bà Trà cũng dẫn ví dụ, Nam Định mở rộng không gian thành phố rất lớn với việc sắp xếp 77 đơn vị hành chính cấp xã để còn 52 đơn vị, nhưng đã làm rất tốt.

“Nếu địa phương nỗ lực, cố gắng, quyết tâm cao sẽ thực hiện được. Thời gian còn lại mong địa phương cố gắng, nỗ lực. Tới đây, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tháo gỡ thêm một số vướng mắc liên quan quy hoạch đô thị, phân loại đơn vị hành chính đô thị nhưng cái đó một phần thôi, các địa phương phải nỗ lực cùng Bộ Nội vụ hoàn thành nhiệm vụ”, bà Phạm Thị Thanh Trà nói.