Nghề "cha truyền con nối" ở Hải Phòng có nguy cơ mai một

Admin

Số lượng tàu, thuyền khai thác hải sản ở phường Hải Sơn - địa phương có nhiều tàu cá nhất của quận Đồ Sơn, Tp.Hải Phòng, ngày càng “teo tóp” do thiếu lớp chủ tàu kế cận và nguồn lao động.

Ngư dân Đồ Sơn sớm ra khơi kiếm "lộc biển" đầu Xuân

Đầu giờ chiều ngày 6/2 (mùng 9 tháng Giêng), tại khu vực bến Xăm trên địa bàn phường Hải Sơn, quận Đồ Sơn, Tp.Hải Phòng, khi tàu cá khai thác ven bờ vừa cập bến, hàng chục thương lái, người dân địa phương, khách du lịch chờ sẵn để chọn mua hải sản ưa thích.

Trao đổi với Người Đưa Tin, anh Thành - du khách đến từ quận Lê Chân, Tp.Hải Phòng, cho biết, nhân xuống tham dự Lễ hội đền Bà Đế, vợ chồng anh tranh thủ ghé qua bến Xăm để lựa mua hải sản tươi ngon. May mắn gặp lúc tàu cập bến, vợ chồng anh Thành mua được hơn 1kg tôm he loại trung với giá 500.000 đồng/kg.

"Mặc dù giá cả đắt hơn so với ngày thường, nhưng số tôm này tươi ngon đem về hấp hay nhúng lẩu đều phù hợp. Dịp đầu Xuân năm nào xuống dự hội đền Bà Đế, chúng tôi đều tranh thủ ghé qua đây và đều tìm mua được loại hải sản ưng ý", anh Thành chia sẻ.

Nghề "cha truyền con nối" ở Hải Phòng có nguy cơ mai một - Ảnh 1.

Thương lái, người dân địa phương và du khách chọn mua hải sản tại bến Xăm trên địa bàn phường Hải Sơn, quận Đồ Sơn, Tp.Hải Phòng, dịp đầu Xuân (Ảnh: Thái Phan).

Theo quan sát của phóng viên, có rất nhiều loại hải sản tươi ngon được vận chuyển từ tàu lên bờ, như: Tôm he, bề bề, cá lanh, ghẹ... Ngay sau đó, đều được thương lái, người dân địa phương, du khách chọn mua.

Thông tin với Người Đưa Tin, ông Lưu Văn Quân - Phó Chủ tịch UBND phường Hải Sơn, quận Đồ Sơn, Tp.Hải Phòng, cho biết, địa phương hiện có số tàu cá nhiều nhất của quận Đồ Sơn (chiếm gần 80%).

Từ ngày mùng 2 Tết, ngư dân các tàu khai thác ven bờ của phường Hải Sơn đã ra khơi kiếm "lộc biển" đầu Xuân và đi về trong ngày. Mặc dù lượng tôm cá đánh được ít hơn so với trước Tết, nhưng bù lại giá cả cao gấp 1,2 đến 1,5 lần.

Ngày 3/2 (mùng 6 Tết), phường Hải Sơn và phường Vạn Hưng (cùng quận Đồ Sơn, Tp.Hải Phòng) đồng loạt tổ chức lễ hội mở biển đầu Xuân. Sau thời điểm này, các tàu vươn khơi mới xuất bến.

Ông Quân cho biết thêm, năm 2024, ngư dân trên các tàu vươn khơi của địa phương có được mức thu nhập khá. Trong đó, con nước cao nhất (mỗi tháng có 2 con nước), thu nhập lên đến 14 triệu đồng/ngư dân. Con nước thấp nhất cũng 5 triệu đồng/ngư dân.

Đối với các tàu khai thác ven bờ, nhờ khai thác được nhiều loại hải sản có giá trị kinh tế cao, như: Cá lanh, tôm, ghẹ, cá khoai…, nên cũng có được mức thu nhập ổn định.

"Teo tóp" vì thiếu lớp chủ tàu kế cận

Theo thông tin từ UBND phường Hải Sơn - địa phương có số lượng tàu cá nhiều nhất của quận Đồ Sơn, Tp.Hải Phòng, những năm 2000, số tàu vươn khơi của phường Ngọc Hải (sau này sáp nhập với phường Vạn Sơn thành phường Hải Sơn như hiện nay) lên tới hơn 20 tàu. Còn số tàu, thuyền khai thác ven bờ cũng gần 100 chiếc.

Những năm gần đây, giống như nhiều địa phương có nghề đi biển khác của Tp.Hải Phòng, số tàu thuyền khai thác hải sản của phường Hải Sơn không ngừng sút giảm. Tới thời điểm hiện tại, toàn phường chỉ còn 5 tàu vươn khơi và 35 tàu thuyền khai thác ven bờ.

Theo ông Lưu Văn Quân - Phó Chủ tịch UBND phường Hải Sơn, quận Đồ Sơn, Tp.Hải Phòng, nguyên nhân chính của sự sút giảm kể trên là do thiếu lớp chủ tàu kế cận.

Nghề "cha truyền con nối" ở Hải Phòng có nguy cơ mai một - Ảnh 2.

Tàu cá cập bến Xăm ở phường Hải Sơn, quận Đồ Sơn, Tp.Hải Phòng, sau chuyến ra khơi dịp đầu Xuân (Ảnh: Thái Phan).

Nghề đi biển ở Đồ Sơn vốn "cha truyền, con nối". Những năm gần đây, du lịch địa phương phát triển mạnh và có ngày càng nhiều nhà máy, xí nghiệp. Vì thế, đa số lớp trẻ chọn đi làm công nhân hay làm du lịch thay vì theo nghề đi biển truyền thống vừa vất vả, lại tiềm ẩn nhiều nguy hiểm. Thiếu lớp kế cận, nhiều chủ tàu khi đã cao tuổi không đủ sức khỏe tiếp tục đi biển buộc phải bán tàu, ngư cụ.

Bên cạnh đó, tình trạng thiếu lao động tại chỗ cũng là một trong những nguyên nhân chính khiến số lượng tàu, thuyền ở phường Hải Sơn nói riêng, quận Đồ Sơn nói chung, ngày càng sút giảm. Vì thế, trong số 5 tàu vươn khơi của địa phương, đến nay mới có 2 tàu ra khơi, 3 tàu còn lại nằm tại bến chờ lao động ở địa phương khác trở lại làm việc sau Tết.

Đi biển sau bão, ngư dân Đồ Sơn bán hải sản đắt gấp đôi

Trước tình trạng này, để khuyến khích ngư dân giữ tàu, bám biển, ngoài thực hiện đầy đủ các chính sách ưu đãi của Trung ương, Tp.Hải Phòng và quận Đồ Sơn, UBND phường Hải Sơn mỗi năm phối hợp tổ chức 4 lớp tập huấn về quy định khai thác, an toàn thực phẩm, bảo quản hải sản, giúp các chủ tàu, thuyền tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi… Đồng thời, phối hợp cơ quan chức năng về tận bến tiếp nhận hồ sơ, thủ tục cấp, cấp đổi đăng ký, đăng kiểm đối với tàu cá, giấy phép khai thác thủy sản.

"Chúng tôi mong sao những hỗ trợ kể trên giúp ngư dân tiếp tục giữ tàu, bám biển, còn để phát triển số lượng tàu, thuyền thực sự rất khó khăn. Điều này phụ thuộc vào mong muốn, nguyện vọng và "nội lực" của các chủ tàu cũng như lớp kế cận", ông Lưu Văn Quân - Phó Chủ tịch UBND phường Hải Sơn, quận Đồ Sơn, Tp.Hải Phòng, thừa nhận.