Ngoài máy nhắn tin mạ vàng, ông Netanyahu còn tặng ông Trump một chiếc máy nhắn tin tiêu chuẩn.
Đáp lại, Tổng thống Mỹ nói rằng các cuộc tấn công của Israel rất "dữ dội". Ông tặng lãnh đạo Israel một bức ảnh với lời nhắn: "Gửi Bibi, một nhà lãnh đạo vĩ đại".
Hàng nghìn máy nhắn tin, chủ yếu được các thành viên Hezbollah sử dụng, đã phát nổ đồng thời trên khắp Li-băng và Syria vào tháng 9 năm ngoái. Không lâu sau, hàng trăm máy bộ đàm cũng phát nổ theo một làn sóng tương tự. Các cuộc tấn công được cho là đã khiến ít nhất 42 người tử vong, trong đó có 12 thường dân, và hàng nghìn người bị thương, bao gồm cả phụ nữ và trẻ em.
Chiến dịch này được cho là do cơ quan tình báo Mossad của Israel thực hiện, và được coi là một cuộc tấn công phủ đầu nhằm vào Hezbollah.
Sau đó, Israel đã tăng cường chiến dịch quân sự ở Li-băng, đỉnh điểm là vụ ám sát thủ lĩnh lâu năm của Hezbollah - Hassan Nasrallah - trong một cuộc không kích vào Beirut ngày 27/9.
Hồi tháng 11, Thủ tướng Netanyahu lần đầu công khai thừa nhận tình báo Israel đứng đằng sau vụ tấn công bằng máy nhắn tin. Người phát ngôn của ông sau đó xác nhận, rằng Thủ tướng Netanyahu đã đích thân phê duyệt chiến dịch.
Ông Netanyahu là lãnh đạo nước ngoài đầu tiên đến thăm Nhà Trắng kể từ khi ông Trump trở lại nắm quyền. Tờ Hayom của Israel trích dẫn một nguồn tin ngoại giao tại cuộc họp cho biết: "Mối quan hệ giữa ông Netanyahu và ông Trump chưa bao giờ bền chặt hay gần gũi hơn thế".
Tại một cuộc họp báo chung, Tổng thống Trump đã công bố kế hoạch để Mỹ tiếp quản và tái thiết Dải Gaza, đồng thời tái định cư hai triệu cư dân Palestine đến nơi khác. Thủ tướng Netanyahu phản ứng tích cực với đề xuất này, mô tả đây là một động thái có thể mang tính lịch sử.
Tuyên bố của ông Trump đã vấp phải sự chỉ trích từ nhiều quốc gia, bao gồm Đức, Trung Quốc, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ và Ả-rập Xê-út.