"Vua" trái cây dẫn đầu kim ngạch trong nhóm rau quả xuất khẩu

Admin

Sầu riêng - "vua" trái cây tiếp tục dẫn đầu kim ngạch xuất khẩu trong nhóm rau quả với 1,5 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm nay.

2 tháng, thu về hơn 1 tỷ USD

Thông tin từ Hiệp hội Rau quả Việt Nam, trong tháng 5/2024, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng đạt 450 triệu USD, tăng 107% so với tháng trước đó và tăng 34% so với tháng cùng kỳ năm 2023. Tháng 6/2024, lượng sầu riêng xuất khẩu ước đạt 600 triệu USD. Như vậy, chỉ trong 2 tháng, nước ta đã thu về 1,05 tỷ USD từ xuất khẩu sầu riêng.

Một số nhà vườn ở miền Tây cho biết, năm nay, năng suất sầu riêng giảm so với năm ngoái, trung bình chỉ đạt khoảng 15 tấn/ha. Tuy nhiên, giá sầu khá cao, dao động từ 60.000-100.000 đồng/kg.

Cũng theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, tổng kim ngạch xuất khẩu loại quả này trong 6 tháng đầu năm đạt 1,5 tỷ USD.

Như vậy, "vua" trái cây tiếp tục dẫn đầu kim ngạch trong nhóm rau quả xuất khẩu. Hiện kim ngạch sầu riêng gấp 3,5 lần so với thanh long - loại quả từng giữ vị trí hàng đầu trong nhóm rau quả xuất khẩu của nước ta.

Chia sẻ với báo giới, ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết, thời điểm này đã bước vào chính vụ thu hoạch nên sầu riêng xuất khẩu tăng mạnh. Hiện Trung Quốc vẫn đang trên đà tăng cường mua sầu riêng Việt Nam.

Theo tính toán, với sản lượng sầu riêng của nước ta, năm nay xuất khẩu loại quả này sẽ đạt 3 tỷ USD. Nếu ký được nghị định thư xuất khẩu sầu đông lạnh, kim ngạch xuất khẩu có thể đạt khoảng 3,5 tỷ USD.

Tính đến nay, sầu riêng nước ta xuất khẩu sang 22 quốc gia và vùng lãnh thổ, còn sầu riêng đông lạnh xuất khẩu đến 23 quốc gia và vùng lãnh thổ. Điển hình như Trung Quốc, Thái Lan, Đài Loan, Hồng Kông, Nhật Bản, Hoa Kỳ...

Đảm bảo chất lượng để tăng kim ngạch xuất khẩu

Theo ông Đặng Phúc Nguyên, sầu riêng Việt Nam có nhiều lợi thế so với các đối thủ cạnh tranh hiện nay như sản lượng dồi dào, thu hoạch rải vụ quanh năm, thời gian vận chuyển nhanh và giá thành hợp lý. Đáng chú ý, hiện sầu riêng Việt Nam đang xuất khẩu rất mạnh sang Trung Quốc theo hình thức đông lạnh và đang ngày càng được kiểm soát chất lượng tốt hơn, giá trị sản phẩm được nâng cao.

Song, gần đây do xuất khẩu ồ ạt nên chất lượng chưa bảo đảm tuyệt đối, đã có hiện tượng một số lô hàng bị cảnh báo nhiễm chất cấm, gây ảnh hưởng đến uy tín hàng Việt. Về vấn đề này, ông Đặng Phúc Nguyên cho biết cụ thể, do nhu cầu nhập khẩu lớn từ Trung Quốc nên nhiều nông dân chạy theo số lượng và bỏ qua chất lượng. Thực tế, Trung Quốc phát cảnh báo hơn 30 lô sầu riêng nhiễm cadimi. 

Ngay sau đó, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) đã lập đoàn công tác kiểm tra, lấy các mẫu (gồm đất, nước, phân bón…) tại nhà máy, vùng trồng có trong danh sách cảnh báo, song đến nay vẫn chưa tìm được nguyên nhân. Được biết, hiện Cục tiếp tục lập tổ công tác kiểm tra lần thứ hai và trao đổi với các doanh nghiệp, cơ sở đóng gói, vùng trồng trong đó tập trung vào tỉnh Tiền Giang. Dự kiến trong tháng 7 sẽ có kết quả.

Đặc biệt, một số doanh nghiệp xuất khẩu cho hay, thời gian gần đây, Trung Quốc đẩy mạnh kiểm dịch, kiểm tra các chất cấm, đặc biệt là hàm lượng kim loại nặng trên quả sầu riêng. Sau 2 - 3 ngày mới có kết quả, khi đó quả sầu riêng đủ điều kiện mới được nhập khẩu vào nước bạn. Vì vậy, đã có những xe chậm giao hàng, thậm chí bị trả về vì không đảm bảo chất lượng.

Do đó, Cục Hải quan các địa phương đã khuyến cáo, để giảm thiểu rủi ro, các thương lái, doanh nghiệp xuất khẩu sầu riêng chủ động kiểm tra hàm lượng cadimi ngay tại vườn và cơ sở đóng gói, trước khi đưa hàng lên cửa khẩu, ảm bảo không có lô hàng nào nhiễm chất cấm được xuất khẩu. Hiện nay, có khoảng 17 điểm có thể kiểm tra hàm lượng cadimi trên quả. Các điểm kiểm tra này ở gần các vựa sầu riêng, hoặc những thành phố lớn. Qua đó có thể đảm bảo chất lượng sản phẩm khi xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.

Còn theo các chuyên gia, sầu riêng đang đóng vai trò quan trọng trong xuất khẩu nông sản, do đó, kiểm soát chặt chất lượng toàn chuỗi sẽ giúp gia tăng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này nói riêng và tổng thể kim ngạch xuất khẩu nói chung. Do đó, các doanh nghiệp xuất khẩu cần lưu ý và chú trọng kiểm soát chặt chẽ về chất lượng sầu riêng./.