"Nổ" công dụng thuốc phòng đột quỵ, bác sĩ cảnh báo
Gần đây, trên mạng xã hội xuất hiện nhiều bài đăng về thuốc phòng đột quỵ, được chia sẻ bởi không ít người có lượng tương tác lớn.
Theo đó, trên trang facebook cá nhân có nick name H.H.H đăng dòng trạng thái: "Có đi viện mới thấy quá nhiều người bị đột quỵ, đang khoẻ đùng cái cũng bị nên đừng chủ quan. Khuyên thật mọi người uống viên phòng đột quỵ của Hàn này ngay khi còn khoẻ, ngừa đột quỵ triệt để, ngủ ngon, minh mẫn. Thuốc nội địa Hàn quý lắm mà cũng không đắt đâu".
Đi kèm với đó là hình ảnh sản phẩm với bao bì in chữ nước ngoài, thu hút sự chú ý của người dùng mạng. Thậm chí còn bình luận xin giá sản phẩm.

Bài đăng thu hút sự chú ý của nhiều người với hàng chục ngàn lượt thích, và hàng chục lượt chia sẻ (Ảnh chụp màn hình).
Trao đổi với Người Đưa Tin, Ths.BS Đoàn Dư Mạnh - Thành viên Hội Bệnh Mạch máu Việt Nam, Phó Giám đốc Trung tâm tim mạch và đột quỵ, Bệnh viện đa khoa Phương Đông cho hay, đột quỵ có thể gặp ở bất kỳ đối tượng, độ tuổi nào.
Đột quỵ được chia làm 3 nhóm chính bao gồm: Đột quỵ nhồi máu não hay còn gọi là đột quỵ thiếu máu não. Đây là trường hợp thường gặp nhất. Đột quỵ chảy máu dưới nhện. Đột quỵ chảu máu não do mạch máu não vỡ ra và chảy máu trong não.
Theo BS.Mạnh, việc sử dụng thuốc chống đột quỵ đang được lan truyền hiện nay là không có căn cứ.
Nhiều gia đình thấy quảng cáo về các loại thuốc qua các kênh không chính thống đã tự ý mua và sử dụng, kể cả khi người nhà có dấu hiệu đột quỵ liền cho sử dụng.
Trong đó, có một số loại thuốc như An Cung với xuất xứ từ nhiều quốc gia khác nhau (Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản…).
"Tuy nhiên, trên thế giới cũng như Việt Nam chưa có công bố hay nghiên cứu nào về tác dụng phòng chống đột quỵ hay chữa đột quỵ của những loại thuốc này. Chỉ có thuốc điều trị những bệnh có thể biến chứng đột quỵ.

Ths.BS Đoàn Dư Mạnh.
Ví dụ: rối loạn mỡ máu dễ hình thành mảng sơ vữa gây biến chứng tắc mạch, tăng huyết áp gây biến chứng tắc mạch, tăng huyết áp gây xuất huyết não hoặc nồi máu cơ tim, tối loạn nhịp tim như rung nhĩ có thể hình thành huyết khối buồng tim từ đó trôi lên não gây đột quỵ", BS.Mạnh cho hay.
Theo BS.Mạnh cần có bác sĩ thăm khám xem cơ thể đang có bệnh gì và bệnh đó có biến chứng tim mạch đột quỵ không để điều trị dự phòng chứ không phải uống 1 loại thuốc không rõ nguồn gốc quảng cáo nước ngoài.
"Nếu có tác dụng chống đột quỵ thì Bộ Y tế nhập về cấp phép bán cho người dân có phải vừa ích nước lợi nhà không? Sao phải để các KOL lên mạng 'khai quật' ra công dụng thực sự. Hơn nữa, giống vụ một số loại thuốc như An Cung, thành phần trong thuốc không biết có gì. Nếu toàn thành phần vô hại, không có tác dụng thì còn may.
Tuy nhiên, mấy loại phổ biến nhất bao gồm thành phần chống đông và Corticosteroid - thuốc được chỉ định sử dụng điều trị nhiều bệnh lý khác nhau, bởi nhóm thuốc này có tác dụng chống viêm, chống dị ứng và ức chế miễn dịch.
Corticosteroid thường làm giảm nhanh các triệu chứng bệnh nên không ít người lạm dụng và rất nhiều trường hợp bệnh nhân đã gặp phải các dụng phụ nghiêm trọng do sử dụng thuốc không hợp lý.
Cụ thể, có thể biến chứng xuất huyết não, xuất huyết tiêu hoá dạ dày, xuất huyết võng mạc, suy tuyến thượng thận…
Dự phòng đột quỵ thì không thấy nhưng lại bị nhiều bệnh khác kèm biến chứng nên người dân cần hết sức cảnh giác.
Chuyên gia khuyến cáo, nếu có triệu chứng của bệnh thì người dân nên đến bệnh viện càng sớm càng tốt để nghe theo chỉ dẫn của bác sĩ. Nếu quan tâm lo ngại cần dự phòng bệnh thì nên đến bệnh viện khám tầm soát nguy cơ để xử lý.
"Người dân không mua thuốc trên mạng không có nguồn gốc và không được Bộ Y tế cũng như Cục Quản lý dược cấp phép. Tính mạng của mình là rất quý giá, nếu biết quý trọng thì càng phải có kiến thức, bảo trì bằng việc đi khám sức khoẻ định kỳ, không phải mua thuốc nổ công dụng "thần thánh" về tiền mất tật mang", BS. Mạnh cho hay.
Phòng chống đột quỵ thế nào?
Thông tin thêm với Người Đưa Tin, BS.Nguyễn Huy Hoàng - Trung tâm Oxy cao áp Việt - Nga (Bộ Quốc phòng) cho biết, đột quỵ là tình trạng cục máu đông gây tắc động mạch não (70-80% số ca) và khiến một vùng tổ chức não không có máu nuôi dưỡng, hoặc mạch máu não bị rách gây xuất huyết (20-30%), hình thành khối máu tụ chèn ép tổ chức não.
Các dấu hiệu nhận biết được tóm tắt dễ nhớ theo tiếng Anh là F.A.S.T, với Face là khuôn mặt bị lệch, Arm là cánh tay, bị yếu hoặc bại hoặc liệt 1 bên, Speech là giọng nói, bị méo tiếng, khó nói hoặc cấm khẩu, Time là thời gian, càng nhanh càng tốt.

Bệnh nhân đột quỵ điều trị tại Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai.
Nguyên nhân trực tiếp gây ra đột quỵ được bác sĩ chỉ ra: Xơ vữa mạch máu khiến lòng mạch bị hẹp, thành mạch xơ cứng kém đàn hồi; cục máu đông, có thể do rung nhĩ, do hội chứng tăng đông ở người bị viêm mạn tính, đái đường, do ít vận động... và do mạch máu não co thắt đột ngột, khi thay đổi nhiệt độ đột ngột hoặc giận dữ, căng thẳng...
Nguyên nhân sâu xa: Do lão hóa thành mạch, do các gốc tự do làm tổn thương, gây viêm thành mạch máu, kết hợp với tăng mỡ máu, hình thành nên các mảng xơ vữa, đồng thời dễ tạo thành các cục máu đông và huyết khối do rung nhĩ, do đặt stent hoặc van tim nhân tạo, do một số bệnh mạn tính, do ít vận động, do hút thuốc lá...
Các yếu tố nguy cơ: Tăng huyết áp, rung nhĩ, đái tháo đường, tăng mỡ máu, xơ vữa mạch máu, hút thuốc lá, thừa cân, ít vận động, căng thẳng stress...
Để phòng chống đột quỵ, BS.Hoàng khuyến cáo, kiểm soát tốt bệnh nền: duy trì huyết áp dưới 130/85 mm Hg, kiểm soát đường máu HbA1c dưới 7.0 nếu dưới 6.5 càng tốt, kiểm soát mỡ máu, siêu âm tim định kỳ để phát hiện huyết khối, uống thuốc ức kết tập tiểu cầu hoặc thuốc chống đông theo chỉ định của bác sĩ.
Đồng thời, cần thay đổi lối sống: vận động nhẹ nhàng, tuần 3-4 buổi thể dục nhẹ, tổng thời gian 180 phút/tuần; bỏ thuốc lá, hạn chế rượu bia; giảm thịt đỏ và tăng ăn cá, ăn nhiều rau xanh và chất xơ.
Hạn chế căng thẳng, nếu có thể nên đi ngủ trước 23h, ngủ ít nhất 6 tiếng mỗi ngày với người 60 tuổi, trên 60 tuổi thì phải ngủ được 5 tiếng mỗi ngày.