Nhật Bản: Nghi ngờ thêm 76 ca tử vong sau khi dùng thực phẩm chức năng Kobayashi

Admin

Công ty dược phẩm Kobayashi đang mở rộng điều tra khi có thêm 76 trường hợp tử vong có thể liên quan đến việc sử dụng thực phẩm bổ sung men gạo đỏ của hãng.

Ngày 28/6, Công ty dược phẩm Kobayashi (Nhật Bản) thông báo hãng này đang xem xét mối liên hệ đáng nghi giữa các thực phẩm bổ sung chứa men gạo đỏ, hay còn gọi là beni-koji và tác dụng của chúng đối với thận kể từ khi nhận được báo cáo về bệnh thận liên quan đến sản phẩm này.

Hãng Kobayashi khẳng định sẽ mở rộng điều tra về phạm vi ảnh hưởng đến các cơ quan nội tạng khác ngoài thận. Trong khi đó, Bộ trưởng Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản cho rằng công ty đã không thông tin báo cáo chính xác với các cơ quan chức năng về tình hình thực tế tác động đối với người sử dụng.

Theo báo The Japan Times, một phụ nữ 70 tuổi ở Đài Loan (Trung Quốc) cũng được cho là đã bị suy thận sau khi dùng thuốc bổ sung của Kobayashi trong nhiều năm.

Trước đó, hồi tháng 4, công ty Kobayashi ghi nhận có 157 người nhập viện và 5 trường hợp thiệt mạng liên quan đến thực phẩm bổ sung chứa loại gạo lên men. Sau vụ việc, Kobayashi đã thu hồi 154 sản phẩm chứa beni-koji, vốn còn được phân phối cho khoảng 50 công ty khác trên thế giới.

Trong số 5 trường hợp tử vong ban đầu đang được điều tra, công ty cho biết hiện họ biết một trường hợp không ăn gạo men đỏ. "Chúng tôi đã nhận được 1.656 yêu cầu từ những cá nhân muốn được chăm sóc y tế và 76 trường hợp tử vong đang được điều tra, ngoài 4 trường hợp ban đầu", đại diện Kobayashi nói.

Sau khi bị phát hiện ra một loại axit có khả năng độc hại do nấm mốc tạo ra tại một trong các nhà máy của mình, các quan chức chính phủ Nhật Bản đã kiểm tra cơ sở vật chất của hãng Kobayashi.

Kobayashi Pharmaceutical là một cái tên quen thuộc ở Nhật Bản, cung cấp nhiều loại sản phẩm liên quan đến sức khỏe và vụ bê bối đã trở thành tin tức hàng đầu ở nước này. Sau loạt thông tin bất lợi, doanh số bán một số sản phẩm dược phẩm Kobayashi đã giảm mạnh từ 30% - 40% so với cùng kỳ năm 2023.

Nghiên cứu y học mô tả gạo men đỏ như một chất thay thế cho statin giúp làm hạ lượng cholesterol hay giảm mỡ máu. Tuy nhiên, hiện có nhiều cảnh báo về nguy cơ tổn thương nội tạng tùy thuộc vào thành phần hóa học của nó.