Các nhà nghiên cứu tại Nhật Bản vừa thiết lập kỷ lục thế giới mới về tốc độ internet, truyền dữ liệu với tốc độ hơn 125.000 gigabyte (GB)/giây trên quãng đường dài 1.120 dặm (tương đương 1.802 km).
Tốc độ này nhanh gấp khoảng 4 triệu lần tốc độ internet trung bình tại Mỹ. Theo một số ước tính sơ bộ, tốc độ này cho phép tải toàn bộ dữ liệu của Internet Archive chỉ trong chưa đầy 4 phút. Thành tích này cũng cao hơn gấp đôi kỷ lục trước đó là 50.250 GB/giây do một nhóm nghiên cứu khác thiết lập vào năm 2024.
Để đạt được tốc độ này, nhóm nghiên cứu đã phát triển một loại cáp quang mới, cho phép truyền tải dữ liệu ở tốc độ đột phá trên quãng đường tương đương từ New York đến Florida.
Theo thông cáo của Viện Quốc gia Công nghệ Thông tin và Truyền thông Nhật Bản, thông tin chi tiết về thành tích này được trình bày ngày 3/4 tại Hội nghị Truyền thông Cáp Quang lần thứ 48 tổ chức tại San Francisco.
Loại cáp quang mới có khả năng truyền tải dữ liệu tương đương 19 sợi cáp quang tiêu chuẩn. Điểm nổi bật nằm ở khả năng truyền dẫn đường dài, nhờ cấu trúc cho phép tất cả 19 lõi sợi quang tương tác với ánh sáng theo cách giống nhau, giảm thiểu hiện tượng dao động ánh sáng và từ đó giảm hao hụt dữ liệu.
Dù chứa đến 19 sợi quang, sợi cáp mới chỉ dày 0,127 mm, tương đương độ dày của các sợi cáp quang đơn hiện đang sử dụng rộng rãi. Điều này cho phép cáp mới truyền được nhiều dữ liệu hơn mà vẫn tương thích với hạ tầng hiện hữu.
Trước đó vào tháng 3/2023, nhóm nghiên cứu này từng đạt tốc độ truyền tương tự nhưng chỉ trên chưa bằng 1/3 khoảng cách của thành tích hiện tại. Thách thức lớn nhất khi mở rộng khoảng cách là giảm tổn thất dữ liệu và tìm giải pháp khuếch đại tín hiệu.
Việc giải quyết các vấn đề này đã giúp tăng cường độ tín hiệu, cho phép dữ liệu di chuyển xa hơn.
Trong buổi thử nghiệm, dữ liệu được truyền qua hệ thống 21 lần trước khi đến bộ thu tín hiệu, tương đương hành trình dài 1.120 dặm.
Theo báo cáo, kỷ lục mới này đánh dấu bước tiến công nghệ quan trọng trong việc phát triển hệ thống truyền dẫn quang có khả năng truyền tải xa, dung lượng lớn và có thể mở rộng, nhằm đáp ứng nhu cầu dữ liệu toàn cầu ngày càng tăng.
Khối lượng dữ liệu trên toàn thế giới dự kiến sẽ tăng mạnh trong tương lai gần, đòi hỏi phải có hạ tầng truyền thông mới. Nhóm nghiên cứu hiện đang hướng tới các ứng dụng thực tiễn trong lĩnh vực viễn thông.
Theo LiveScience