Người lao động tại các cơ sở y tế ở Huế lại ‘than’ bị nợ lương

Admin

Tại kỳ họp thứ 9 HĐND tỉnh Thừa Thiên-Huế (nay là thành phố Huế) khóa VIII, nhiệm kỳ 2021-2026, diễn ra cuối năm 2024 vừa qua, vấn đề nợ lương trong các cơ sở y tế ở Huế từng được đưa ra chất vấn, giải trình, tuy nhiên đến đầu năm nay, tình trạng nợ lương vẫn tái diễn.

Phản ánh đến cơ quan chức năng mới đây, cán bộ, y, bác sĩ, người lao động tại một số trung tâm y tế quận, huyện thuộc thành phố (TP) Huế cho biết, họ còn bị nợ tiền lương của năm trước.

Cụ thể, theo phản ánh của cán bộ, y, bác sĩ, người lao động công tác tại Trung tâm Y tế quận Phú Xuân (TP Huế), họ bị nợ lương tháng 12/2024 và chậm nhận tiền truy lĩnh quý IV theo Nghị định 73/2024/NĐ-CP của Chính phủ, cũng như mức lương mới theo quy định trong tháng 1 và 2 của năm 2025.

Người lao động tại các cơ sở y tế ở Huế lại ‘than’ bị nợ lương- Ảnh 1.

Cán bộ, nhân viên y tế, người lao động tại Trung tâm Y tế quận Phú Xuân phản ảnh bị nợ lương tháng 12/2024 và tiền truy lĩnh theo mức mới.

Sau khi thành phố Huế (cũ) tách thành 2 đơn vị hành chính mới cấp quận là Thuận Hóa và Phú Xuân, Trung tâm Y tế quận Phú Xuân được thành lập, với cơ cấu tổ chức gồm 2 phòng chức năng, 15 khoa chuyên môn và 13 trạm y tế. Trụ sở của đơn vị đóng tại Trung tâm Y tế TP Huế (cũ), số 40 Kim Long, phường Kim Long, quận Phú Xuân, TP Huế.

Một cán bộ ở Trung tâm Y tế quận Phú Xuân cho biết, từ ngày 1/7/2024, lương cơ sở được tăng lên 2.340.000 đồng/tháng theo Nghị định 73/2024/NĐ-CP của Chính phủ. Tuy nhiên, họ chậm được chi trả dứt điểm phần lương còn thiếu của tháng 12/2024 và truy lĩnh quý IV theo Nghị định trên, khiến cuộc sống của gia đình gặp rất nhiều khó khăn.

Trước phản ánh và mong mỏi của nhiều cán bộ, y, bác sĩ, người lao động, lãnh đạo Trung tâm Y tế quận Phú Xuân đã có báo cáo tình hình gửi cấp trên để chờ được cấp phần kinh phí thiếu hụt, đồng thời thực hiện các giải pháp tăng nguồn thu qua việc triển khai các dịch vụ, kỹ thuật khám chữa bệnh.

Cũng do tình trạng thiếu lương và các khoản phụ cấp theo lương cuối năm 2024, mới đây, một trường hợp công tác tại Trạm Y tế xã Lâm Đớt (huyện A Lưới, TP Huế) cũng viết đơn kiến nghị gửi cơ quan chức năng, yêu cầu sớm được giải quyết quyền lợi chính đáng của mình, để đảm bảo cuộc sống, yên tâm công tác.

Trước tình hình trên, đại diện lãnh đạo Sở Y tế TP Huế cho biết, theo Nghị định 60 /2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ về quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập, các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Y tế thành phố được xác định về mức độ tự chủ tài chính.

Được biết, từ năm 2022, ngành y tế TP Huế được giao 1.555 vị trí việc làm hưởng lương từ ngân sách, 1.448 vị trí việc làm hưởng lương từ nguồn thu sự nghiệp.

Trước đó, phản ánh tại phiên chất vấn, trả lời chất vấn thuộc kỳ họp thứ 9 HĐND tỉnh Thừa Thiên-Huế (nay là TP Huế) khóa VIII, nhiệm kỳ 2021-2026, diễn ra vào giữa tháng 12/2024, đại biểu đã nêu vấn đề được nhiều người quan tâm về việc viên chức, người lao động làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập do Sở Y tế quản lý chậm được chi trả lương theo mức lương mới, gây ảnh hưởng đến đời sống và tâm lý của đội ngũ này.

Theo giải trình của lãnh đạo Sở Y tế Huế, từ những vấn đề nêu trên, để đảm bảo có nguồn kinh phí , ngày 1/10/2024, từng có văn bản xin bổ sung từ ngân sách nhà nước để chi trả mức lương cơ sở mới với số kinh phí xin cấp 66,7 tỷ đồng.

Đến nay, Sở Y tế TP Huế đã được cấp có thẩm quyền cấp bổ sung kinh phí từ ngân sách Nhà nước (khoảng 66,7 tỷ đồng) để thực hiện chính sách tiền lương theo mức độ tự chủ tài chính của Nghị định số 60.

Tuy nhiên, theo lãnh đạo Sở Y tế Huế, do nhiều yếu tố nên một số đơn vị thu không đủ chi lương, dẫn đến chưa đảm bảo tự chủ để chi trả lương . Sở Y tế TP Huế đã nắm tình hình, tổng hợp danh sách và có văn bản báo cáo cơ quan có thẩm quyền xin cấp bổ sung kinh phí tiền lương còn thiếu cho cán bộ, y, bác sĩ, người lao động của ngành.