Nhận định trên được ông Nguyễn Nguyên Phương, phó giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, đưa ra tại "Hội nghị triển khai chương trình Hợp tác
Nếu không kiểm soát tốt, chuyện giá đỗ ngâm chất cấm không chỉ dừng lại ở Bách Hóa Xanh
Câu chuyện giá đỗ ngâm chất cấm sẽ không chỉ dừng lại ở Bách Hóa Xanh, mà có thể xảy ra ở nhiều nơi nữa nếu như chúng ta không kiểm soát tốt, không cùng nhau bắt tay kiểm soát, nhất là khi nhà cung cấp vì lợi nhuận mà cố ý làm sai.
Tham gia chương trình "Tick xanh trách nhiệm", việc sản xuất nông sản sạch, an toàn hiện nay là điều kiện tiên quyết để các nhà cung cấp vào được hệ thống bán lẻ - Ảnh: N.TRÍ
Đánh giá cao chương trình này của TP.HCM, ông Nguyễn Ngọc Phúc, phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, đề nghị các sở, ngành thuộc các tỉnh Tây Nguyên quan tâm hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn tham gia "Tick xanh trách nhiệm" để tìm kiếm cơ hội thị trường bền vững dành cho các sản phẩm chất lượng cao của từng địa phương.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Tuấn Hà cho rằng đây là chương trình thể hiện sự tâm huyết và trách nhiệm của người tiêu dùng của TP.HCM và lời nhắc nhở đến người tiêu dùng.
"Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ chương trình này và tạo điều kiện cho các sở ngành tham gia. Trách nhiệm thì phải trung thực. Nếu chúng ta không tham gia thì sẽ dần dần bị loại khỏi cuộc chơi", ông Hà nói.
Nhà cung cấp trăn trở, siêu thị cam kết tăng kiểm soát
Chia sẻ tại chương trình, ông Lê Văn Vương, giám đốc Công ty Vương Thành Công (Đắk Lắk), băn khoăn về khái niệm "Tick xanh trách nhiệm" trong chương trình kiểm soát chất lượng hàng hóa của TP.HCM. Ngoài ra ông đặt vấn đề về việc các doanh nghiệp được cấp tick xanh được hưởng lợi gì khi đưa hàng vào 8 hệ thống phân phối trong chương trình.
Trăn trở, bức xúc về việc vẫn chưa đưa được hàng vào siêu thị trong nước dù sản phẩm rau được sản xuất theo tiêu chuẩn Global GAP đã xuất khẩu đi thị trường khó tính, ông Trần Huy Đường, chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Langbiang Farm (Lâm Đồng), cho rằng đang thua trên sân nhà vì không cạnh tranh được với các loại rau giá rẻ.
"Tôi mong muốn có một sân chơi công bằng hơn cho doanh nghiệp làm ăn nghiêm túc. Chúng ta cần xem rau củ quả là sản phẩm hàng hóa thì mới kiểm soát được chất lượng, nghĩa là theo quy định phải có bao bì, nhãn mác, xuất xứ", ông Đường nói.
Góc độ siêu thị, bà Võ Thị Bích Thủy - quyền quản lý ngành hàng cao cấp thực phẩm tươi sống phòng kinh doanh Saigon Co.op - thông tin đơn vị đã tham gia "Tick xanh trách nhiệm" từ ngày đầu và cam kết tăng cường vận động các nhà cung cấp tham gia để tăng việc kiểm soát.
"Một siêu thị thì khó có thể kiểm soát xuể được, mà chúng ta phải bắt tay nhau, chuyển từ đối thủ sang đồng hành để cùng kiểm soát hàng hóa, mang đến cho người dân những bữa ăn an toàn", bà Thủy nhấn mạnh.
Trong khi đó, đại diện Bách Hóa Xanh cho hay đang gặp nhiều khó khăn trong việc quản lý chất lượng bởi đã tuân thủ mọi thứ, chỉn chu mọi thứ nhưng hàng lên kệ cũng có những sơ suất. Do đó việc tham gia chương trình này là cơ hội, chìa khóa để đơn vị tăng kiểm soát.
Đại diện Kingfoodmart khẳng định kế hoạch 2025 sẽ gửi đến tất cả nhà cung cấp của đơn vị về chương trình và vận động tham gia, ưu tiên nhập hàng của những đơn vị tham gia chương trình "Tick xanh trách nhiệm" để hướng đến 100% nhà cung cấp của Kingfoodmart tham gia chương trình.