Bản ghi nhớ dài 6 trang, được đánh dấu “tuyệt mật” và do các quan chức cấp cao phụ trách cải cách soạn thảo, đề xuất hợp nhất hàng chục cơ quan thành bốn khối chính: Hòa bình và an ninh, nhân đạo, phát triển bền vững và nhân quyền. Trong đó, một phương án là gộp các hoạt động của Chương trình Lương thực Thế giới (WFP), Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Cao ủy Tị nạn (UNHCR) thành một cơ quan nhân đạo duy nhất.
Cuộc cải tổ toàn bộ diễn ra trong bối cảnh Liên hợp quốc bị cắt giảm viện trợ nghiêm trọng từ các nhà tài trợ – đặc biệt là Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump.

Liên hợp quốc xem xét cải tổ quy mô lớn giữa khủng hoảng tài chính.
Tài liệu cũng đề cập đến việc chuyển nhân sự từ các thành phố đắt đỏ như New York hoặc Geneva sang các địa điểm có chi phí thấp hơn nhằm tiết kiệm ngân sách, và xem xét sáp nhập các hoạt động tại Rome.
Một bản ghi nhớ nội bộ khác gửi tới các lãnh đạo cơ quan Liên hợp quốc tuần trước yêu cầu chuẩn bị danh sách những vị trí có thể chuyển khỏi các trung tâm hiện tại trước ngày 16/5.
Ngoài ra, bản ghi nhớ cũng chỉ ra tình trạng “chồng chéo nhiệm vụ”, “sử dụng nguồn lực kém hiệu quả” và “phình to bộ máy lãnh đạo cấp cao” trong nội bộ tổ chức. Một đề xuất cụ thể là sáp nhập UNAIDS (Chương trình phòng chống HIV/AIDS) vào WHO và cắt giảm số lượng phiên dịch viên tại các cuộc họp.
Đặc biệt đáng chú ý là đề xuất hợp nhất Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) – dù không thuộc Liên hợp quốc – với các cơ quan phát triển của Liên hợp quốc.
Dù chưa có quyết định chính thức nào được đưa ra, giới chức coi đây là điểm khởi đầu cho quá trình đánh giá sâu rộng nhằm “tối ưu hiệu quả và giảm chi phí”.
Người phát ngôn của Tổng thư ký António Guterres xác nhận tài liệu là một phần trong nỗ lực hiện thực hóa tầm nhìn cải cách của ông, trong bối cảnh Liên hợp quốc đối mặt với một trong những cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ nhất trong 80 năm tồn tại. Tính đến đầu năm 2025, Mỹ – nhà tài trợ lớn nhất – đã nợ 1,5 tỷ USD ngân sách thường niên và 1,2 tỷ USD cho hoạt động gìn giữ hòa bình.
Từ khi Tổng thống Trump trở lại Nhà Trắng, chính sách “Nước Mỹ trên hết” kéo theo nhiều đợt cắt giảm viện trợ nước ngoài, khiến ngân sách các cơ quan Liên hợp quốc bị thâm hụt nghiêm trọng: Văn phòng nhân đạo Liên hợp quốc bị thiếu 58 triệu USD, UNICEF dự kiến giảm ngân sách 20%, còn Tổ chức Di cư Quốc tế đối mặt với khoản hụt 30%, ảnh hưởng đến khoảng 6.000 việc làm.
Đại sứ Canada Bob Rae, Chủ tịch Hội đồng Kinh tế và Xã hội Liên hợp quốc, cảnh báo: “Tình hình thực sự nghiêm trọng – chúng tôi đang phải cắt khẩu phần tại các trại tị nạn” .
Dù chưa nêu đích danh quốc gia nào, bản ghi nhớ thừa nhận “các biến động địa chính trị và cắt giảm viện trợ quy mô lớn đang đe dọa tính chính danh và hiệu quả của tổ chức”. Một số nhà ngoại giao mô tả nỗ lực cải tổ là “biện pháp chủ động” nhằm tránh những cắt giảm sâu hơn từ phía Mỹ.
Ngày 1/5, hàng trăm nhân viên LHQ tại Geneva xuống đường phản đối nguy cơ mất việc.