Bộ tứ Chaebol muốn tiếp tục đầu tư, “cùng thắng” với VN: Nhiều tỷ USD và các dự án lớn sẽ tấp nập "cập bến"

Admin

Bốn tập đoàn Chaebol hàng đầu Hàn Quốc sẵn sàng chi nhiều tỷ USD để đầu tư vào nhiều lĩnh vực ở Việt Nam, thậm chí xây dựng “cứ điểm” lớn nhất toàn cầu.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam vừa kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Hàn Quốc từ ngày 30/6 - 3/7. Chuyến thăm này được các chính giới và các doanh nghiệp đánh giá cao. Thủ tướng đã có bài phát biểu quan trọng về chính sách tại trường Đại học Quốc gia Seoul, Hàn Quốc, thăm Tổ hợp bán dẫn của công ty Samsung và tiếp Lãnh đạo các tập đoàn lớn của Hàn Quốc, thăm Đại sứ quán, gặp gỡ cộng đồng người Việt Nam tại Hàn Quốc, thăm gia đình đa văn hóa Việt - Hàn.

Chuyến thăm của Thủ tướng Chính phủ đã đạt những kết quả thực chất trong hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư. Hơn một nửa các hoạt động của Thủ tướng trong chuyến thăm Hàn Quốc lần này tập trung vào lĩnh vực kinh tế. Hai bên cũng khẳng định hợp tác kinh tế là một trong những trụ cột quan trọng hàng đầu trong hợp tác giữa hai nước.

Bộ tứ Chaebol muốn tiếp tục đầu tư, “cùng thắng” với VN: Nhiều tỷ USD và các dự án lớn sẽ tấp nập "cập bến"- Ảnh 1.

Tổng thống Hàn Quốc khẳng định sẽ hỗ trợ Việt Nam về bán dẫn và công nghiệp văn hóa.

Tính đến nay, Hàn Quốc tiếp tục là đối tác số 1 về đầu tư trực tiếp, du lịch, số 2 về hợp tác phát triển (ODA) và số 3 về lao động, thương mại của Việt Nam. Trong khi đó, Việt Nam là đối tác thương mại hàng đầu của Hàn Quốc trong ASEAN. Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc coi Việt Nam là địa điểm đầu tư hấp dẫn, an toàn và là lựa chọn hàng đầu.

4 Chaebol mong muốn đầu tư nhiều tỷ USD vào Việt Nam

Bộ tứ Chaebol muốn tiếp tục đầu tư, “cùng thắng” với VN: Nhiều tỷ USD và các dự án lớn sẽ tấp nập "cập bến"- Ảnh 2.

Samsung và LG là 2 trong bốn tập đoàn hàng đầu Hàn Quốc mong muốn đầu tư hàng tỷ USD tại Việt Nam. Ảnh: TTXVN

Tại Hàn Quốc, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã gặp gỡ và tiếp các lãnh đạo của nhiều tập đoàn, doanh nghiệp hàng đầu. Trong đó, có 4 Chaebol hàng đầu bao gồm Samsung, Hyundai, LG và Lotte. Những tập đoàn này đều thông báo kế hoạch tăng vốn, mong muốn được mở rộng đầu tư và hợp tác lâu dài với Việt Nam, sẵn sàng chi nhiều tỷ USD và coi Việt Nam như một "cứ điểm" toàn cầu. Về việc này, Thủ tướng hoan nghênh, ủng hộ và mong muốn các tập đoàn, doanh nghiệp Hàn Quốc tiếp tục mở rộng đầu tư nhưng cần theo hướng kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ.

Chaebol là một từ ghép tiếng Hàn có nghĩa là tài phiệt. Tuy nhiên, chaebol được hiểu là các tập đoàn gia đình được điều khiển bởi số ít đại gia tộc ở Hàn Quốc.

Thứ nhất, Tập đoàn Samsung.

Bộ tứ Chaebol muốn tiếp tục đầu tư, “cùng thắng” với VN: Nhiều tỷ USD và các dự án lớn sẽ tấp nập "cập bến"- Ảnh 3.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp ông Lee Jae Yong, Chủ tịch tập đoàn Samsung, sáng 2/7.

Ông Lee Jae Yong, Chủ tịch Samsung, cho biết, tập đoàn có kế hoạch đầu tư mạnh trong 3 năm tới để nhà máy ở Việt Nam trở thành "cứ điểm sản xuất module hiển thị lớn nhất" của tập đoàn trên toàn cầu. Người đứng đầu tập đoàn nhấn mạnh, với tư cách là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất và nhà xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, Samsung cam kết sẽ luôn đồng hành với Việt Nam trong phát triển bền vững theo đúng tinh thần "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ" mà Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhiều lần nhắc tới.

Đánh giá về quan hệ hợp tác giữa Samsung với Việt Nam đã phát triển rất rực rỡ, Chủ tịch Samsung nhấn mạnh: "Thành công của Việt Nam là thành công của Samsung, sự phát triển của Việt Nam là sự phát triển của Samsung".

Thủ tướng Phạm Minh Chính hoan nghênh những ý định hợp tác của Samsung thời gian tới với các sản phẩm mới, kết quả mới, đặc biệt là tạo đột phá trong hợp tác trên các lĩnh vực kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.

Bộ tứ Chaebol muốn tiếp tục đầu tư, “cùng thắng” với VN: Nhiều tỷ USD và các dự án lớn sẽ tấp nập "cập bến"- Ảnh 4.

Nhân viên Samsung ở Việt Nam bên dây chuyền sản xuất. Ảnh: TTXVN

Thủ tướng mong muốn tập đoàn tiếp tục mở rộng đầu tư, mở rộng thị trường đa dạng hóa chuỗi cung ứng, chuỗi liên kết, và coi Việt Nam là cứ điểm sản xuất chiến lược, nghiên cứu - phát triển và sản xuất các sản phẩm chủ lực ra thị trường quốc tế. Thủ tướng cho biết, Việt Nam đang tiếp tục đàm phán các hiệp định thương mại tự do, mở rộng các thị trường xuất khẩu mới như Trung Đông, Nam Mỹ, châu Phi. Điều này cũng sẽ giúp sản phẩm của Samsung mở rộng thị trường.

Samsung Electronics thành lập năm 1969, là tập đoàn điện tử đa quốc gia của Hàn Quốc chuyên sản xuất, kinh doanh hàng điện tử, thiết bị mạng, bán dẫn, sản xuất chip, điện thoại thông minh… Trong năm 2023, doanh thu của tập đoàn đạt khoảng 210 tỷ USD, với tổng số lao động là 270.000 người.

Tại Việt Nam, Samsung đã đầu tư 22,4 tỷ USD, với số lao động khoảng 90.000 người. Trong năm 2023, Samsung Việt Nam có kim ngạch xuất khẩu đạt 55,7 tỷ USD.

Thứ hai, Tập đoàn Hyundai.

Bộ tứ Chaebol muốn tiếp tục đầu tư, “cùng thắng” với VN: Nhiều tỷ USD và các dự án lớn sẽ tấp nập "cập bến"- Ảnh 5.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp ông Euisun Chung, Chủ tịch điều hành Tập đoàn Hyundai Motor Group, chiều 1/7.

Tại cuộc gặp với Thủ tướng Phạm Minh Chính vào chiều 1/7 tại Seoul, ông Euisun Chung, Chủ tịch điều hành Tập đoàn Hyundai Motor Group, mong muốn đẩy mạnh hoạt động kinh doanh, đồng thời sẵn sàng chuyển giao các công nghệ mới, đầu tư các kỹ thuật mới tại Việt Nam, nhất là trong bối cảnh thị trường xe điện toàn cầu và Việt Nam ngày càng phát triển.

Người đứng đầu Hyundai đánh giá cao điểm mạnh của Việt Nam về nhân lực trẻ chất lượng cao và dự kiến sẽ có những chương trình đào tạo, bồi dưỡng tài năng nghề nghiệp của Việt Nam đối với ngành công nghiệp ô tô.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao hoạt động đầu tư, kinh doanh của Tập đoàn Hyundai Motor Group tại Việt Nam, đồng thời hoan nghênh và khuyến khích Tập đoàn mở rộng đầu tư vào lĩnh vực giao thông xanh, tăng cường chuyển giao công nghệ, tăng tỉ lệ nội địa hóa, hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng, đào tạo ngành nhân lực, tiếp tục phát triển bền vững ở Việt Nam. Ngoài ra, Thủ tướng cũng đề nghị Hyundai quan tâm tham gia các hoạt động an sinh xã hội.

Thứ ba, Tập đoàn LG.

Bộ tứ Chaebol muốn tiếp tục đầu tư, “cùng thắng” với VN: Nhiều tỷ USD và các dự án lớn sẽ tấp nập "cập bến"- Ảnh 6.

Thủ tướng tiếp ông Cheoldong Jeong, Giám đốc điều hành LG Display, sáng 3/7. Ảnh: VGP

Sáng 3/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp ông Cheoldong Jeong, Giám đốc điều hành LG Display. Lãnh đạo tập đoàn khẳng định, Việt Nam là địa điểm sản xuất trọng điểm toàn cầu của LG. Tính đến nay, LG đã giải ngân đầu tư hơn 5 tỷ USD và sẽ đầu tư thêm 3 tỷ USD trong 5 năm tới ở Việt Nam; chân thành cảm ơn sự hỗ trợ tích cực, hiệu quả của phía Việt Nam dành cho LG.

Giám đốc điều hành LG trao đổi với Thủ tướng về kế hoạch tiếp tục đầu tư giai đoạn tới ở Việt Nam. Trong đó, có nhà máy LG Innotek tại Hải Phòng khi hoàn thành sẽ tăng gấp đôi công suất, hình thành tổ hợp sản xuất LG khép kín.

Thủ tướng Phạm Minh Chính hoan nghênh và đánh giá cao hiệu quả đầu tư, kinh doanh của LG tại Việt Nam. Thủ tướng đề nghị, LG nâng cao tỉ lệ nội địa hóa, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng, sản xuất của LG và tích cực tham gia các hoạt động bảo đảm an sinh xã hội, đóng góp ý kiến xây dựng và hoàn thiện chính sách, xây dựng thêm các trung tâm nghiên cứu và phát triển, đồng thời coi Việt Nam là cứ điểm quan trọng trong chiến lược toàn cầu về sản xuất, nghiên cứu - phát triển các sản phẩm chủ lực ra thị trường quốc tế, theo hướng kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ.

LG thành lập năm 1947, là tập đoàn công nghiệp đa quốc gia của Hàn Quốc, hoạt động chính trong lĩnh vực kinh doanh hàng điện tử (thiết bị gia dụng thông minh, linh kiện xe,…), hóa chất (nguyên liệu hóa học, công nghệ sinh học, mỹ phẩm), truyền thông và dịch vụ (dịch vụ di động, nền tảng kinh doanh). Tổng số lao động của LG là 270.000 người (năm 2023). Doanh thu năm 2023 của tập đoàn đạt khoảng 137 tỷ USD.

Trong khi đó. tổng vốn đầu tư đăng ký của LG tại Việt Nam là 8,02 tỷ USD, với doanh thu ước tính năm 2023 là 13,97 tỷ USD. Các dự án của Tập đoàn LG hiện này đều đặt tại Hải Phòng. Ngoài ra, LG đang vận hành trung tâm R&D tại Hà Nội và Đà Nẵng, với hơn 1.000 nhân lực.

Thứ tư, Tập đoàn Lotte.

Bộ tứ Chaebol muốn tiếp tục đầu tư, “cùng thắng” với VN: Nhiều tỷ USD và các dự án lớn sẽ tấp nập "cập bến"- Ảnh 7.

Thủ tướng tiếp ông Shin Dong-bin, Chủ tịch Tập đoàn Lotte, trưa 1/7.

Trưa 1/7, tại cuộc gặp với Thủ tướng Phạm Minh Chính, ông Shin Dong-bin, Chủ tịch Tập đoàn Lotte, bày tỏ tin tưởng Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển mạnh và là điểm nhấn của kinh tế toàn cầu. Hai nước sẽ phát triển quan hệ kinh tế "cùng thắng". Lãnh đạo Tập đoàn Lotte nêu một số đề xuất với 2 dự án Lotte Thủ Thiêm và Lotte Mall Hà Nội, đồng thời bày tỏ mong muốn Lotte có cơ hội đầu tư vào dự án quy mô lớn ở Việt Nam.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao những hoạt động đầu tư kinh doanh của Lotte tại Việt Nam, cho biết Việt Nam hoan nghênh và mong muốn tập đoàn tiếp tục mở rộng đầu tư vào những lĩnh vực có thế mạnh như phát triển đô thị thông minh, góp phần thúc đẩy du lịch. Thủ tướng nhấn mạnh, Chính phủ Việt Nam sẽ cùng đồng hành và hỗ trợ để Tập đoàn Lotte đầu tư và phát triển các dự án quy mô lớn.

Lotte thành lập năm 1967, là tập đoàn đa quốc gia quy mô lớn thứ 5 của Hàn Quốc. Tập đoàn có mặt trên 30 quốc gia tại châu Á, châu Âu và Mỹ. Số lượng lao động năm 2022 tại nước ngoài của Lotte là khoảng 40.000 người. Doanh thu của tập đoàn trong năm 2022 đạt 62,9 tỷ USD.

Chuyến thăm Hàn Quốc của Thủ tướng Phạm Minh Chính đã thúc đẩy các chương trình, dự án hợp tác kinh tế rất cụ thể giữa hai nước. Thủ tướng đề nghị thúc đẩy những khoản vay thông qua Quỹ Xúc tiến phát triển kinh tế (EDPF) trị giá 02 tỷ USD và điều kiện vay không ràng buộc đối với các khoản vay Quỹ Hợp tác phát triển kinh tế (EDCF) trị giá 02 tỷ USD để phát triển hạ tầng chiến lược như xây dựng tuyến đường sắt cao tốc.

Hai nước nhất trí khuyến khích các doanh nghiệp Hàn Quốc mở rộng đầu tư vào Việt Nam, trong các ngành công nghiệp mũi nhọn, công nghiệp tương lai như chuyển đổi số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, chất bán dẫn, năng lượng thân thiện với môi trường, công nghệ sinh học, mạng 5G, đô thị thông minh; đồng thờinhất trí mở rộng giao lưu trong lĩnh vực doanh nghiệp vừa và nhỏ và khởi nghiệp; triển khai các dự án đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực công nghệ cao, chuyển đổi số như trí tuệ nhân tạo (AI). Mặt khác, hai bên nhất trí tăng cường hợp tác cần thiết trong việc thúc đẩy đầu tư của các doanh nghiệp Hàn Quốc nhằm xây dựng chuỗi cung ứng khoáng sản cốt lõi ổn định.

Việt Nam và Hàn Quốc đã nhất trí cùng triển khai các biện pháp cụ thể để sớm hoàn thành mục tiêu nâng kim ngạch thương mại song phương lên 100 tỷ USD vào năm 2025 và hướng tới mục tiêu 150 tỷ USD vào năm 2030 theo hướng cân bằng và bền vững.

(Ảnh: VGP)