Tại cuộc họp với Tổng thống Vladimir Putin ngày 15/7, Bộ trưởng Lao động Anton Kotyakov cảnh báo về tình hình nghiêm trọng của vấn đề. Theo ông, đến năm 2030, Nga cần bổ sung 10,9 triệu người vào lực lượng lao động để bù đắp 10,1 triệu người bước vào tuổi nghỉ hưu và đáp ứng thêm 800.000 việc làm mới.
“Nếu tăng trưởng năng suất không đạt kỳ vọng, chúng ta có thể đối mặt với tình trạng thiếu hụt lao động trầm trọng hơn nữa” ông Kotyakov cảnh báo.
Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh Điện Kremlin tập trung vào vấn đề dân số và y tế. Chính quyền Tổng thống Nga Putin đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm kích thích sinh đẻ, bao gồm trợ cấp tiền mặt, giảm thuế cho các gia đình đông con. Tổng thống Nga coi tăng dân số là vấn đề “sống còn của dân tộc”.
Theo số liệu chính thức, năm 2024, Nga chỉ ghi nhận 1,22 triệu ca sinh, mức thấp nhất kể từ năm 1999. Trong khi đó, số ca tử vong tăng 3,3% lên 1,82 triệu người.
Tính đến năm ngoái, dân số Nga là khoảng 146 triệu người. Theo một báo cáo của Atlantic Council, con số này có thể giảm một nửa vào cuối thế kỷ nếu xu hướng không đảo ngược.
Bên cạnh tỷ lệ sinh thấp, cuộc chiến tại Ukraine càng làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu hụt lao động. Thương vong trên chiến trường cùng làn sóng “chảy máu chất xám” đã lấy đi một lượng lớn người trẻ, có trình độ và nằm trong độ tuổi lao động.
Một số doanh nghiệp đã bắt đầu tuyển dụng cả người về hưu và thanh thiếu niên để lấp đầy chỗ trống. Thiếu hụt lao động đã đẩy lương lên cao, góp phần vào lạm phát và gây áp lực lên nền kinh tế.
Đến cuối năm 2023, kinh tế Nga ghi nhận dấu hiệu “quá nóng”, buộc Ngân hàng Trung ương phải phát đi cảnh báo. Áp lực lạm phát do thiếu lao động và tăng chi tiêu khiến cơ quan này phải duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt cho đến tận giữa năm 2024, trước khi cắt giảm lãi suất lần đầu vào tháng 6.
Tuy nhiên, đà tăng trưởng dường như đang chững lại. Bộ trưởng Kinh tế Maxim Reshetnikov mới đây thừa nhận rằng nền kinh tế Nga đang “trên bờ vực suy thoái”.
Tham khảo: Fortune