Vụ mì chính, hạt nêm, dầu ăn giả: Điểm tên các sản phẩm Công ty Famimoto tự công bố

Admin

Từ năm 2019 đến năm 2024, Công ty TNHH Famimoto Việt Nam đã nộp hồ sơ tự công bố nhiều sản phẩm như mì chính (bột ngọt), dầu ăn, hạt nêm, bột canh.

Famimoto - Ảnh 1.

Sản phẩm Hạt nêm Hưng Vượng được Công ty Famimoto nộp hồ sơ tự công bố sản phẩm từ năm 2019 - Ảnh: Công an tỉnh Phú Thọ

Liên quan vụ mì chính, dầu ăn, hạt nêm, bột canh giả, Cơ quan cảnh sát điều tra Vụ sản xuất mì chính, hạt nêm, dầu ăn giả: Tạm giữ khẩn cấp giám đốc Công ty Famimoto Việt NamCận cảnh xưởng sản xuất mì chính, dầu ăn, hạt nêm giả của Công ty Famimoto Việt Nam

Ban đầu Công ty Famimoto lấy tên là Công ty TNHH Sản xuất và thương mại thực phẩm Gia đình, địa chỉ ở đội 12, xã Trưng Vương, TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Giám đốc, người đại diện pháp luật là ông Nguyễn Văn Hưng (sinh năm 1980).

Ngành nghề kinh doanh chính là sản xuất thực phẩm khác chưa phân vào đâu; các ngành nghề kinh doanh khác được đăng ký như chế biến, bảo quản thủy sản và các sản phẩm từ thủy sản; chế biến và bảo quản rau quả; sản xuất tinh bột và các sản phẩm từ tinh bột; sản xuất món ăn, thức ăn chế biến sẵn...

Tới năm 2022, Công ty TNHH Sản xuất và thương mại thực phẩm Gia đình đổi tên thành Công ty TNHH Famimoto Việt Nam.

Famimoto - Ảnh 2.
Famimoto - Ảnh 3.
Famimoto - Ảnh 4.
Famimoto - Ảnh 5.

Một số sản phẩm của Công ty Famimoto tại thời điểm cơ quan công an khám xét - Ảnh: Công an tỉnh Phú Thọ

Tìm hiểu của Tuổi Trẻ Online cho thấy từ năm 2019 đến hết năm 2024, Công ty TNHH Sản xuất và thương mại thực phẩm Gia đình, sau là Công ty TNHH Famimoto Việt Nam, đã nộp hồ sơ tự công bố nhiều sản phẩm thực phẩm mì chính, dầu ăn, hạt nêm, đường, muối, bột canh... tại Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Phú Thọ. Cụ thể:

- Năm 2019: Hạt nêm Gia đình "S"; Hạt nêm Hưng Vượng; Phụ gia thực phẩm: Bột ngọt (Mì chính) Famimoto.

- Năm 2020: Hạt nêm bếp Hồng Việt; Đường kính vàng Việt Nam; Đường kính trắng Việt Nam.

- Năm 2021: Bột canh cao cấp Hà Nội, nhãn hiệu Family; Hạt nêm KOOKIES; Dầu hướng dương ROYAL TASTE; Mì chính - bột ngọt EPPEN; Mì chính - Bột ngọt FuFeng; Dầu hướng dương Premica; Mì chính - Bột ngọt OG + Brand.

- Năm 2022: Bột ngọt (Mì chính) - Monosodium Glutamate Famimoto; Mì chính (bột ngọt) - Monosodium Glutmate Famimoto+; Dầu ăn thượng hạng Royal.

- Năm 2023: Muối sạch; Hạt muối; Dầu ăn thượng hạng Boat Brand; Bột ngọt (mì chính) Boad Brand.

- Năm 2024: Dầu thực vật Fami Gold; dầu đậu nành - Boat Brand, Hạt nêm Boat Brand, Bột canh Hà Châu Liên Doanh, Bột canh i-ốt Hà Châu Liên Doanh.

Theo quy định tại nghị định 15/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm, ngay sau khi tự công bố sản phẩm, tổ chức, cá nhân được quyền sản xuất, kinh doanh sản phẩm và chịu trách nhiệm hoàn toàn về an toàn của sản phẩm đó.

Theo Công an tỉnh Phú Thọ, bước đầu Nguyễn Văn Hưng khai nhận mì chính và dầu ăn nguyên liệu mua của Công ty TNHH thương mại Quang Thanh (ở Hà Nội), sau đó sang chia, đóng gói cho vào hai loại bao bì mang nhãn hiệu "Bột ngọt Boat Brand - thương hiệu xuất xứ Singapore", và "Bột ngọt Famimoto - nhãn hiệu bột ngọt hàng đầu Việt Nam, công nghệ Nhật Bản".

Với mặt hàng dầu ăn, sau khi mua về, công ty sang chiết, rót vào chai thành hai loại là "Dầu ăn thượng hạng Boat Brand - thương hiệu xuất xứ Singapore" và "Dầu thực vật Fami Gold - sản xuất từ 100% nguyên liệu nhập khẩu Singapore".

Về nguyên liệu để sản xuất "Bột canh cao cấp Hà Nội" và "Hạt nêm Bếp Hồng Việt", Công ty mua nguyên liệu từ nhiều đơn vị khác nhau, sau đó phối trộn với tỉ lệ nhất định… rồi đóng gói.

Từ dữ liệu hồ sơ tự công bố sản phẩm của công ty và thông tin của cơ quan công an về lời khai ban đầu của Nguyễn Văn Hưng, có thể sản phẩm Hạt nêm Bếp Hồng Việt, Bột ngọt (mì chính) Famimoto được sản xuất từ năm 2019; Bột canh cao cấp Hà Nội sản xuất từ năm 2021; Dầu ăn thượng hạng Boat Brand; Bột ngọt (mì chính) Boad Brand sản xuất từ năm 2023; Dầu thực vật Fami Gold sản xuất từ năm 2024.

Dầu ăn, mì chính, hạt nêm giả đưa vào bếp ăn tập thể

Theo Công an tỉnh Phú Thọ, quá trình khám xét xưởng sản xuất và nhà kho Công ty Famimoto, cơ quan công an đã phát hiện, tạm giữ hơn 71.000 lít dầu ăn, khoảng 40 tấn mì chính, 22 tấn hạt nêm, 9 tấn bột canh giả và gần 84 tấn phụ gia các loại.

Bước đầu xác định Công ty Famimoto đã tiêu thụ ra thị trường 144 tấn dầu ăn, 118 tấn bột canh, 363 tấn hạt nêm giả.

Ngoài ra cơ quan công an còn làm rõ hơn 1.220 tấn mì chính có dấu hiệu vi phạm về chỉ dẫn tem mác.

Các sản phẩm hàng giả trên đã được Công ty Famimoto Việt Nam bán cho các bếp ăn tập thể, bếp ăn tại các khu công nghiệp, thị trường tiêu thụ chính là Hà Nội và hơn 10 tỉnh phía Bắc.

Vụ mì chính, hạt nêm, dầu ăn giả: Điểm tên các sản phẩm Công ty Famimoto tự công bố - Ảnh 2.Rà soát, thu hồi sản phẩm mì chính giả của Famimoto Việt Nam

Ngày 27-4, Cục An toàn thực phẩm đề nghị rà soát, thu hồi sản phẩm mì chính giả của Công ty TNHH Famimoto Việt Nam.

Đọc tiếp Về trang Chủ đề