Báo cáo thường niên 2024 của Grab tiết lộ doanh thu của mình tại Việt Nam tăng gấp đôi từ 108 triệu USD năm 2022 lên 228 triệu USD năm 2024.
Các báo cáo trước của Grab không đưa riêng con số doanh thu ở Việt Nam mà sẽ được tính vào mục "các nước Đông Nam Á khác". Hiện tại, Grab đang hoạt động ở 8 nước Đông Nam Á là Campuchia, Indonesia, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.
Báo cáo gần nhất cho thấy tại Việt Nam, Grab đạt doanh thu 108 triệu USD năm 2022, 185 triệu USD năm 2023, và 228 triệu USD năm 2024 (tương đơng khoảng khoảng 5.700 tỷ đồng).
Kết quả này cho thấy doanh số của Grab ở Việt Nam chỉ cao hơn mục "các nước Đông Nam Á khác" và ít hơn các nước dẫn đầu là Malaysia, Indonesia, Singapore, Philippines, và Thái Lan.

Grab cho biết mình đang trực tiếp sở hữu 49% cổ phần tại Công ty TNHH Grab (tức Grab Vietnam) nhưng vẫn kiểm soát được công ty qua một hợp đồng với người nắm giữ số cổ phần còn lại, chính là bà Lý Thụy Bích Huyền đang giữ một vị trí lãnh đạo cấp cao tại Công ty TNHH Grab. Hợp đồng này có điều khoản về Grab được phép mua lại cổ phần đang được bà Huyền nắm giữ và bà Huyền không được phép bán cổ phần của mình khi chưa được Grab cho phép.
Grab cũng nhận định các đối thủ chính của mình tại Việt Nam là AhaMove ở mảng chuyển đồ; và Xanh SM của tỷ phú Phạm Nhật Vượng và Be Group ở mảng chở khách (bằng cả xe máy và ô tô).
Kết quả của Grab đưa ra về Việt Nam không giống các con số từng được Bộ Tài chính nhắc đến là Công ty TNHH Grab có doanh thu tăng từ 1,5 tỷ đồng năm 2014 (Grab gia nhập thị trường Việt Nam) lên 6.384 tỷ đồng năm 2022. Bộ đưa ra con số này tại họp báo thường kỳ Quý II/2023 khi được hỏi về việc Grab chưa phải nộp khoản thuế thu nhập doanh nghiệp.
Năm 2022 cũng năm thứ 2 mà pháp nhân Grab Vietnam báo lãi, đạt 329 tỷ đồng. Năm 2023, dù doanh thu ghi nhận giảm xuống khoảng 4.000 tỷ đồng nhưng lợi nhuận tăng vọt lên khoảng 1.000 tỷ đồng.
