Vì sao người Lào thích mê món hàng này từ Việt Nam - 2 tháng nhập hơn 100 tấn, trị giá chục tỷ đồng?

Admin

Một nửa lô hàng xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam đang được chuyển đến Lào.

Theo thống kê sơ bộ của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPSA), xuất khẩu ớt của Việt Nam trong tháng 2 đạt 220 tấn với kim ngạch đạt 0,75 triệu USD, giảm 35,3% so với tháng 1. Lào tiếp tục duy trì là thị trường xuất khẩu ớt lớn nhất của Việt Nam trong tháng với 126 tấn, chiếm 57,3%.

Tính đến hết tháng 2/2025, nước ta đã xuất khẩu được 560 tấn ớt, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 1,9 triệu USD, tương đương hơn 48 tỷ USD. So với cùng kỳ năm 2024 lượng xuất khẩu giảm 65,4%, kim ngạch giảm 52,1%.

Các chuyên gia lý giải, nguyên nhân xuất khẩu ớt của Việt Nam giảm trong 2 tháng đầu năm 2025 là vì trùng với kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ. Thời gian tới, hoạt động xuất khẩu ớt được dự báo sẽ khởi sắc trở lại khi bước vào vụ thu hoạch chính.

Lào là thị trường xuất khẩu chính của ớt Việt Nam chiếm 51,1%, đạt 286 tấn. Đối với quốc gia này, hương vị cay là một phần không thể thiếu trong ẩm thực của người Lào. Đại diện một doanh nghiệp xuất khẩu ớt cho biết người dân xứ triệu voi ăn cay rất giỏi và ớt khô là gia vị chính trong các món ăn. Ớt được thu gom bên Việt Nam xuất bán sang Trung Quốc, Lào để họ làm ớt chiên giòn, ớt muối chua, ớt sa tế, ớt hầm, ớt luộc… Sức mua mỗi năm mỗi tăng, lượng khách tìm mua ký hợp đồng lâu dài cũng nhiều hơn.

Theo một số chuyên gia nhận định, do ớt Việt Nam có độ cay cao và có nhiều loại khác nhau như ớt chỉ thiên, ớt hiểm, ớt sừng vàng... đều rất cay nên được thị trường như Trung Quốc, Lào… ưa chuộng.

Trên thế giới, châu Á là khu vực sản xuất ớt lớn nhất khi chiếm đến 80% sản lượng ớt toàn cầu. Các quốc gia trồng ớt chính trên thế giới bao gồm: Ấn Độ, Myanmar, Bangladesh, Pakistan, Thái Lan, Việt Nam, Trung Quốc, Nigeria, Mexico… Trong đó, Ấn Độ là nước sản xuất và xuất khẩu ớt lớn nhất thế giới, tiếp theo là Việt Nam, Trung Quốc và Indonesia.

Việt Nam sở hữu khí hậu nhiệt đới gió mùa, rất phù hợp để canh tác cây ớt quanh năm. Các vùng đất phù sa màu mỡ như Đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên hay miền Đông Nam Bộ là những khu vực lý tưởng để trồng ớt với năng suất cao và chất lượng ổn định. Ngoài ra, chi phí đầu tư ban đầu cho cây ớt không quá cao, giúp nông dân dễ dàng tiếp cận mô hình canh tác mà không cần vốn quá lớn. Chỉ sau 3-4 tháng gieo trồng, người nông dân có thể thu hoạch, tạo điều kiện thuận lợi cho việc quay vòng vốn nhanh chóng.

Thị trường tiêu thụ ớt tại Việt Nam rất lớn do đây là loại gia vị thiết yếu trong hầu hết các món ăn. Không chỉ phục vụ nhu cầu nội địa, ngành trồng ớt Việt Nam còn có tiềm năng lớn trong các thị trường xuất khẩu khác như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và EU đang ngày càng quan tâm đến sản phẩm ớt từ Việt Nam nhờ vào chất lượng ổn định và giá thành hợp lý. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp chế biến thực phẩm cũng có nhu cầu cao đối với nguyên liệu này, đặc biệt là trong ngành sản xuất tương ớt, bột ớt và các sản phẩm gia vị liên quan.