Vì sao nên bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động?

Admin

Nguyên tắc của bảo hiểm thất nghiệp là có đóng, có hưởng; thời gian hưởng phải tương xứng thời gian đóng.

Tại Luật Việc làm 2013 (còn hiệu lực) chỉ quy định thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp tối đa của người lao động là 12 tháng (tương ứng 144 tháng đóng), không quy định về việc bảo lưu hay không bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) sau 144 tháng, dẫn đến phát sinh bất cập trong quá trình thực hiện.

Giải quyết vấn đề này, tại dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) đã bổ sung quy định "thời gian đóng BHTN trên 144 tháng thì không được bảo lưu". Trong các lần tổ chức lấy ý kiến góp ý, đề xuất này nhận được nhiều ý kiến trái chiều.

Tuy nhiên, tại bản dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) mới nhất đã tiếp thu, chỉnh lý từ ý kiến của Quốc hội vẫn còn quy định này.

Vì sao nên bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động?- Ảnh 1.

Người lao động làm thủ tục hưởng bảo hiểm thất nghiệp tại sàn giao dịch việc làm

Cơ quan chủ trì soạn thảo lý giải việc khống chế thời gian hưởng (tối đa 12 tháng, không bảo lưu thời gian đóng BHTN trên 144 tháng) và mức hưởng trợ cấp thất nghiệp tối đa (60% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHTN) là nhằm thúc đẩy người lao động tìm kiếm việc làm, gia nhập lại thị trường lao động thay vì chờ hưởng hết BHTN.

BHTN là loại hình bảo hiểm ngắn hạn, tính chia sẻ rủi ro cao. Theo tính toán, khoảng 40 người đóng BHTN nhưng không hưởng mới đủ chi phí cho 1 người đóng với thời gian tối thiểu để được hưởng BHTN và hưởng đầy đủ các chế độ. 

Theo tổng hợp, số người hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng năm/số người đóng hiện nay khoảng 7-8% (12-13 người đóng thì có 1 người hưởng).

Bên cạnh đó, việc chi trả trợ cấp thất nghiệp nhằm hỗ trợ một phần thu nhập cho người lao động khi gặp rủi ro về việc làm nên cần khống chế thời gian hưởng và mức hưởng trợ cấp thất nghiệp tối đa để góp phần bảo đảm an toàn quỹ BHTN.

Theo báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi), Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng đây là vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm, có ý kiến nên đề nghị Chính phủ, cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục xem xét, nghiên cứu về nội dung này.

Tại hội thảo tham vấn ý kiến về Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) do Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội tổ chức vừa qua, BHXH TP HCM đề xuất nên bảo lưu thời gian đóng BHTN trên 144 tháng cho người lao động.

Theo BHXH TP, việc tham gia các loại hình bảo hiểm như BHXH, BHYT hoặc BHTN đều theo nguyên tắc có đóng, có hưởng. Người lao động tham gia BHTN là để hưởng các chính sách của Nhà nước khi chẳng may mất việc làm theo nguyên tắc đóng càng nhiều thì thời gian hỗ trợ dài; mức đóng càng cao thì mức hưởng BHTN càng cao.

Việc quy định không bảo lưu thời gian đóng BHTN từ tháng 145 trở đi là vi phạm nguyên tắc đóng - hưởng. Do đó, nếu vẫn giữ nguyên quan điểm trên thì phải điều chỉnh quy định theo hướng người lao động dừng đóng BHTN nếu đã đóng đủ 144 tháng.

Ông Nguyễn Văn Thành, Phó Giám đốc BHXH Khu vực V (tỉnh Đồng Nai), cho hay đơn vị cũng đã nhiều lần đề xuất theo hướng thời gian đóng BHTN trên 144 tháng thì được bảo lưu khi hưởng trợ cấp thất nghiệp. Việc bảo lưu nhằm đảm bảo nguyên tắc "có đóng – có hưởng" và thực tiễn người lao động bị thất nghiệp nhiều lần trong độ tuổi lao động, nhất là trong môi trường lao động cạnh tranh ngày càng gay gắt hiện nay… "Mong cơ quan chủ trì soạn thảo dự thảo Luật nghiên cứu, có giải pháp hợp tình - hợp lý nhằm đảm bảo quyền lợi cho người lao động khi bị thất nghiệp" - ông Thành nói.

Ông Phạm Văn Hiền, Phó Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật LĐLĐ TP HCM, cho rằng việc cho người lao động được bảo lưu thời gian đóng BHTN trên 144 tháng sau khi hưởng BHTN tối đa 12 tháng sẽ góp phần thu hút người lao động tích cực tham gia BHTN và tránh biến động lao động trong doanh nghiệp. Bởi thực tế đang diễn ra tình trạng người lao động xin nghỉ việc để hưởng BHTN khi đóng đủ 144 tháng vì cảm thấy thiệt thòi nếu đóng tiếp mà không được hưởng.

Bên cạnh đó, cần có các chính sách đối với người lao động đã đóng BHTN trên 144 tháng nhưng chưa hưởng trợ cấp thất nghiệp lần nào (nghỉ hưu, chết) để đảm bảo việc có đóng - có hưởng nhằm ổn định quan hệ lao động.