Các nhà máy đang được tự động hóa trên khắp Trung Quốc với tốc độ chóng mặt. Chỉ nhờ các kỹ sư và thợ điện chăm sóc đội quân robot, cuộc cách mạng này đã giúp đất nước tỷ dân giảm đáng kể chi phí sản xuất, đồng thời cải thiện chất lượng.
Ngay từ năm 2015, Quảng Đông, một tỉnh công nghiệp lớn ở phía đông nam Trung Quốc, đã thông qua kế hoạch trị giá 950 tỷ nhân dân tệ (123 tỷ euro) để “thay thế con người bằng robot”. Đến đầu năm 2023, chính phủ cũng tiếp tục công bố “Kế hoạch hành động Robot+” nhằm phát triển tự động hóa trong hầu hết các lĩnh vực kinh tế, từ công nghiệp đến nông nghiệp, y tế.
Theo The New York Times, số lượng các nhà máy tự động hóa ở Trung Quốc hiện nhiều hơn so với Mỹ, Đức hoặc Nhật Bản. Theo Liên đoàn Robot quốc tế, Trung Quốc có nhiều robot nhà máy trên mỗi 10.000 công nhân hơn bất kỳ quốc gia nào, ngoại trừ Hàn Quốc hoặc Singapore.
Chiến dịch tự động hóa của Trung Quốc nhận được khoản đầu tư lớn từ chính phủ. Khi robot thay thế công nhân, tự động hóa sẽ đưa Trung Quốc tiếp tục thống trị sản xuất hàng loạt ngay cả khi lực lượng lao động của nước này già đi và không còn muốn đảm nhận các công việc trong ngành công nghiệp nữa.
“Robot hình người có tiềm năng to lớn, với thị trường toàn cầu dự kiến đạt hàng nghìn tỷ USD trong dài hạn” , Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc (MIIT) cho biết trong một báo cáo năm 2024. “Khi công nghệ tiến bộ và ứng dụng mở rộng nhanh chóng, robot hình người sẽ trở thành động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế”.
He Liang, nhà sáng lập kiêm giám đốc điều hành của Yunmu Intelligent Manufacturing, một trong những nhà sản xuất robot hình người hàng đầu của Trung Quốc, cho biết Trung Quốc đang nỗ lực biến robot thành một lĩnh vực kinh doanh hoàn toàn mới.
“Kỳ vọng đối với robot hình người là tạo ra một ngành công nghiệp ô tô điện khác”, ông nói. “Vì vậy, theo quan điểm này, đây là một chiến lược quốc gia”.

Xưởng sản xuất của Elon Li tại Quảng Châu, trung tâm thương mại của Đông Nam Trung Quốc, có 11 công nhân cắt và hàn kim loại để sản xuất lò nướng và thiết bị nướng giá rẻ. Hiện ông đang chuẩn bị chi 40.000 USD cho một công ty Trung Quốc để mua cánh tay robot có gắn camera. Thiết bị này sử dụng trí tuệ nhân tạo để quan sát cách công nhân hàn, sau đó sao chép hành động và lặp lại.
Chỉ bốn 4 trước, hệ thống tương tự chỉ có sẵn từ các công ty robot nước ngoài và có giá gần 140.000 USD.
“Trước đây, tôi chưa bao giờ nghĩ đến việc đầu tư vào tự động hóa”, ông Li nói, đồng thời nói thêm rằng một nhân viên “chỉ có thể làm việc 8 giờ một ngày, trong khi một cỗ máy có thể làm việc 24 giờ”.
Các công ty lớn hơn đặt cược nhiều vào tự động hóa.
Tại Ninh Ba, một nhà máy lớn của Zeekr, nhà sản xuất ô tô điện của Trung Quốc, 4 năm trước đã có 500 con robot. Hiện tại, số lượng đã tăng lên 820.
“Nhiều thương hiệu xe điện cởi mở hơn với chuỗi cung ứng nội địa. Một số đang thử nghiệm robot Trung Quốc dù còn một số hạn chế. Riêng BYD đã mua 20.000 robot năm 2022, trong đó có 1.000 cobot từ hãng Aubo”, Wang Feili, chuyên gia máy công cụ tại UBS Securities, cho biết.
Thực tế, các nhà máy của Trung Quốc vẫn sử dụng rất nhiều công nhân. Ngay cả với hệ thống tự động hóa, họ vẫn cần kiểm tra chất lượng và lắp đặt một số bộ phận đòi hỏi sự khéo léo của con người, chẳng hạn như dây điện. Tuy nhiên, một số bước sau quá trình kiểm soát chất lượng sẽ được tự động hóa với sự trợ giúp của trí tuệ nhân tạo.
Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc (MIIT) công bố hướng dẫn dài hạn, nêu rõ: "Robot hình người dự kiến sẽ trở thành sáng kiến đột phá tiếp theo, sau máy tính, điện thoại thông minh và xe năng lượng mới, làm thay đổi sâu sắc sản xuất và lối sống của con người đồng thời định hình lại bối cảnh công nghiệp toàn cầu".
Theo báo cáo Nghiên cứu ngành công nghiệp robot hình người được công bố tại Hội nghị AI thế giới năm ngoái, giá trị thị trường robot hình người của Trung Quốc dự kiến tăng gần gấp đôi từ 2,76 tỷ nhân dân tệ (3,79 tỷ USD) vào năm 2024 lên 5,3 tỷ nhân dân tệ (7,28 tỷ USD) trong năm nay, sau đó tăng vọt lên 75 tỷ nhân dân tệ (10,3 tỷ USD) vào năm 2029, chiếm gần 30% thị trường toàn cầu.

Gần cuối dây chuyền lắp ráp của Zeekr, hàng chục camera có độ phân giải cao sẽ chụp ảnh từng chiếc ô tô. Máy tính sẽ so sánh hình ảnh với cơ sở dữ liệu mở rộng về những chiếc ô tô được lắp ráp chính xác và cảnh báo nhân viên nếu phát hiện ra sự khác biệt. Nhiệm vụ này chỉ mất vài giây để hoàn thành.
Pinky Wu, một công nhân của Zeekr cho biết: “Hầu hết công việc của đồng nghiệp chúng tôi đều liên quan đến việc ngồi trước màn hình máy tính”.
Zeekr và các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc khác đang sử dụng trí tuệ nhân tạo để thiết kế ô tô và các tính năng của chúng đang trở nên hiệu quả hơn. Carrie Li, một nhà thiết kế làm việc tại tòa nhà văn phòng mới của Zeekr ở Thượng Hải, sử dụng A.I. để phân tích bề mặt nội thất ô tô.
“Tôi có nhiều thời gian rảnh hơn để mở mang đầu óc và tự mình khám phá xem những xu hướng nào nên được đưa vào nội thất ô tô”, cô Li cho biết.
Các nhà máy ô tô ở Mỹ cũng được ứng dụng tự động hóa, nhưng phần lớn thiết bị đều đến từ Trung Quốc. Hầu hết các nhà máy lắp ráp ô tô trên thế giới được xây dựng trong 20 năm qua đều ở Trung Quốc và ngành công nghiệp tự động hóa đã phát triển xung quanh mắt xích quan trọng này.
Các công ty Trung Quốc cũng thâu tóm nhiều nhà cung cấp robot tiên tiến ở nước ngoài, chẳng hạn như Kuka của Đức, sau đó chuyển phần lớn hoạt động về nước. Sự tiến bộ nhanh chóng của Trung Quốc trong lĩnh vực này đã được thúc đẩy.

Trong một chương trình thúc đẩy tự động hóa, chính quyền thành phố Bắc Kinh đã tổ chức một cuộc chạy bán marathon vào thứ Bảy cho 12.000 người và 20 robot hình người. Chỉ có 6 con robot hoàn thành cuộc đua và con chạy nhanh nhất trong số chúng mất gần gấp ba lần thời gian so với những người chạy nhanh nhất. Tuy nhiên, sự kiện dù gì cũng đã thu hút một sự chú ý lớn tới robot.
Tháng trước, Thủ tướng Lý Cường, thừa nhận các kế hoạch của đất nước trong năm nay sẽ bao gồm nỗ lực phát triển mạnh mẽ robot thông minh. Cơ quan lập kế hoạch kinh tế hàng đầu của đất nước cũng công bố một quỹ đầu tư mạo hiểm quốc gia trị giá 137 tỷ USD cho robot, trí tuệ nhân tạo và các công nghệ tiên tiến khác.
Cùng lúc đó, các trường đại học của Trung Quốc đang đào tạo khoảng 350.000 kỹ sư cơ khí tốt nghiệp mỗi năm. Để so sánh, các trường đại học của Mỹ chỉ đào tạo khoảng 45.000 kỹ sư cơ khí mỗi năm.
Geng Yuanjie, 27 tuổi, lái xe nâng tại nhà máy Zeekr. Anh cho biết nhà máy Volkswagen nơi anh từng làm việc không có nhiều robot như hiện tại.
“Tôi có thể cảm nhận được xu hướng tự động hóa”, Geng nói và thừa nhận trình độ học vấn trung học của mình có thể không đủ điều kiện tham gia các lớp học lập trình robot. Anh lo rằng một ngày nào đó mình có thể mất việc.
“Không chỉ riêng tôi lo lắng, mọi người cũng vậy”, Geng nói.
Theo: The New York Times, WSJ