Tìm mô hình fintech cho trung tâm tài chính

Admin

Ông Đức Trần, Giám đốc Quỹ Đầu tư IDG Capital Vietnam Blockchain, cũng cho rằng khi triển khai mô hình sandbox cho fintech - có thể vừa làm vừa điều chỉnh

Các chính sách cho mô hình kinh doanh ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực tài chính hướng đến trung tâm tài chính quốc tế cần đột phá nhưng phải quản trị được rủi ro.

Chiều 17-1, Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM (HIDS) đã tổ chức hội thảo tham vấn chuyên gia về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (sandbox) đối với mô hình kinh doanh ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực tài chính (fintech) hướng đến phát triển trung tâm tài chính (TTTC) quốc tế tại TP HCM.

Đột phá nhưng phải kiểm soát được rủi ro

TS Trương Minh Huy Vũ, Viện trưởng HIDS, cho biết TP HCM đang trong quá trình xây dựng các quy định để dự kiến trình Quốc hội nghị quyết với tất cả chính sách mong muốn để xây dựng TP HCM và Đà Nẵng trở thành TTTC. "Tinh thần là chính sách đột phá để phát triển nhưng phải quản trị được rủi ro. Đồng thời, nên có ranh nhất định khi triển khai TTTC chứ không phải áp dụng cho toàn bộ TP HCM, khu vực thí điểm dự kiến có thể là khu Thủ Thiêm và quận 1" - ông Vũ nêu.

Theo các chuyên gia, chủ trương trong quá trình xây dựng TTTC quốc tế là nhà nước có cơ chế, chính sách khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để thu hút nguồn vốn, công nghệ, phương thức quản lý hiện đại. Khuyến khích phát triển kết cấu hạ tầng và hình thành môi trường sống văn minh, chất lượng cao tại TTTC quốc tế. Có cơ chế, chính sách khuyến khích lựa chọn, thu hút, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển của trung tâm này.

Tại dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc xây dựng TTTC khu vực và quốc tế ở Việt Nam đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư lấy ý kiến, có nêu rõ liên quan đến sandbox cho fintech Ủy ban quản lý, điều hành TTTC có thẩm quyền cấp phép, quản lý, đánh giá tác động và quản trị rủi ro đối với thử nghiệm sandbox trong hoạt động fintech, bao gồm cả sàn giao dịch đối với tài sản mã hóa. Các giao dịch bằng tài sản mã hóa trong TTTC dự kiến sẽ được thực hiện từ ngày 1-7-2026…

TS Ngô Minh Hải, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - Tài chính TP HCM (UEF), nhận định cần cơ chế để các doanh nghiệp (DN) fintech Việt Nam có thể sáng tạo, thử nghiệm những mô hình mới rồi dần dần điều chỉnh cho phù hợp thực tế. Có thể áp dụng một số cơ chế là khuyến khích DN Việt Nam hợp tác với những đối tác nước ngoài thật sự mạnh; fintech Việt làm chủ công nghệ để thương lượng sòng phẳng với nước ngoài…

Chuyên gia góp ý cần thí điểm trung tâm tài chính ở khu vực Thủ Thiêm, TP Thủ Đức, TP HCM. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Chuyên gia góp ý cần thí điểm trung tâm tài chính ở khu vực Thủ Thiêm, TP Thủ Đức, TP HCM. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Ông Đức Trần, Giám đốc Quỹ Đầu tư IDG Capital Vietnam Blockchain, cũng cho rằng khi triển khai mô hình sandbox cho fintech - có thể vừa làm vừa điều chỉnh. Nhiều năm trước, thị trường tài chính Việt Nam đã từng có một số trường hợp áp dụng cơ chế thử nghiệm mô hình thanh toán, mô hình hợp tác giữa DN trong nước và nước ngoài tạo thành liên minh thanh toán và đều thành công.

"Trong quá trình thử nghiệm cơ chế cho fintech ở TTTC quốc tế TP HCM cần phải độc lập với hệ thống tài chính, ngân hàng (NH), bảo hiểm ở hiện tại (trong khu vực nhất định của TTTC). Cơ chế thử nghiệm này có cho phép chuyển đổi VNĐ với các loại ngoại tệ hay tiền số khác không? Nếu là thử nghiệm trong TTTC quốc tế, có kết nối được với các sàn quốc tế khác hay chỉ áp dụng ở Việt Nam? Cần hệ sinh thái rõ ràng cả về pháp lý và môi trường để có thể triển khai" - ông Đức Trần đặt vấn đề.

Bao quát các dịch vụ kinh doanh

Trước đó, tại Hội thảo Phát triển TTTC quốc tế tại Việt Nam tổ chức ở TP Đà Nẵng, PGS-TS Nguyễn Phúc Hiền, Trường Đại học Ngoại thương, cho rằng TTTC quốc tế thu hút sự có mặt của nhiều công ty đa quốc gia, bao gồm định chế tài chính lớn, các NH thương mại, công ty bảo hiểm và hoạt động của thị trường chứng khoán… Phát triển TTTC quốc tế sẽ giúp địa phương tăng các giao dịch quốc tế, giảm chi phí giao dịch, giảm rủi ro và dễ dàng tiếp cận nguồn vốn lớn trên thị trường tài chính quốc tế, thu hút các công ty đa quốc gia, qua đó thúc đẩy đầu tư và tăng trưởng kinh tế.

Bên cạnh đó, TTTC quốc tế sẽ thu hút một lượng lớn lao động chất lượng cao, tạo điều kiện để các trường đại học đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao về chuyên môn và giỏi ngoại ngữ. Tuy nhiên, PGS-TS Nguyễn Phúc Hiền khuyến cáo cùng với những lợi ích mà TTTC quốc tế mang lại thì quốc gia có các TTTC lớn cũng gánh chịu những thách thức, rủi ro về các cuộc khủng hoảng kinh tế và tài chính. Bất kỳ cú sốc bên trong hay bên ngoài nào cũng đều có thể ảnh hưởng đến TTTC và đến quốc gia hoặc vùng.

Trong khi đó, GS Michael Mainelli, nguyên Thị trưởng Khu Tài chính London (Anh), cho rằng tầm nhìn cho TTTC cần đổi mới và lấy khách hàng làm trung tâm để tạo ra một môi trường pháp lý và quy định cho phép sự đổi mới bền vững, cân bằng giữa chi phí và bảo vệ quy định. Cùng với đó, cần tăng tính thông minh với khả năng hiểu và quản lý các phương pháp công nghệ tài chính ngày càng phức tạp, nhằm mở ra thị trường mới và cung cấp các dịch vụ cải tiến.

"Cần bao quát các dịch vụ kinh doanh và môi trường quy định công bằng, mở cửa cho mọi người và hỗ trợ những người muốn khởi nghiệp trên thị trường. Xây dựng TTTC mang lại chất lượng sống tốt để thu hút được những người có năng lực cao" - ông Michael Mainelli cho biết.

Đóng góp ý kiến về TTTC, TS Vũ Nhữ Thăng, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, đề xuất cần áp dụng ngay phương pháp giám sát dựa trên rủi ro. Cụ thể, cơ quan giám sát tài chính sẽ tập trung vào việc đánh giá và phân loại các tổ chức tài chính dựa trên mức độ rủi ro, thay vì áp dụng một phương pháp giám sát đồng nhất.

Theo đó, các tổ chức tài chính sẽ được phân loại theo mức độ rủi ro để ưu tiên giám sát. Điều này cho phép tối ưu hóa nguồn lực giám sát, đồng thời giảm bớt gánh nặng tuân thủ đối với các tổ chức có rủi ro thấp... 

Cần chính sách đặc thù cho ngành ngân hàng

Chia sẻ tại hội nghị triển khai hoạt động ngành NH ở TP HCM mới đây, Phó Thống đốc NH Nhà nước Phạm Tiến Dũng đề nghị khi triển khai TTTC quốc tế ở TP HCM cần làm rõ nội hàm của các hoạt động dịch vụ NH trong mô hình này là gì? Những dịch vụ, sản phẩm nào được ưu đãi, giữ nguyên hoặc có hạn chế? NH Nhà nước và các tổ chức tín dụng sẽ đồng hành tham gia trong quá trình xây dựng đúng như lộ trình của Ban Chỉ đạo triển khai TTTC quốc tế. "Bởi TTTC không thể thiếu NH nhưng hoạt động thế nào, các chi nhánh của NH có được ưu đãi không, có khác biệt với phần còn lại bên ngoài TTTC? Đề nghị TP HCM chỉ đạo các sở, ban, ngành cùng nghiên cứu chính sách đặc thù cho ngành NH trong quá trình triển khai mô hình TTTC quốc tế" - Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng nói.