Bị cáo Nguyễn Cao Trí: 'Để hoàn thành nhiệm vụ thì phải có chuyện đưa quà, biếu xén'

Admin

Liên quan đến tội danh bị quy kết trong cáo trạng, bị cáo Nguyễn Cao Trí nói, hai năm qua ông “đã rất thấm thía”; với vai trò là một doanh nhân, công việc cứ cuốn theo khi phải gồng gánh hàng nghìn nhân sự, để hoàn thành nhiệm vụ thì phải có chuyện đưa “quà", "biếu xén". Vị đại gia này cũng thừa nhận "cách tôi làm để dự án hồi sinh, tiếp tục vận hành là hoàn toàn sai trái”.

Đưa phong bì là 'thông lệ"

Sáng 16/1, sau hơn 1 giờ công bố nội dung cáo trạng, HĐXX bắt đầu xét hỏi các bị cáo trong vụ án “Đưa hối lộ ; Nhận hối lộ; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại Dự án Đại Ninh , tỉnh Lâm Đồng .

Trả lời đầu tiên, bị cáo Nguyễn Cao Trí (cựu Tổng giám đốc Công ty Sài Gòn Đại Ninh, Chủ tịch Công ty Đầu tư và Giáo dục Văn Lang) cho biết, từ năm 2020, Dự án Đại Ninh chưa được cấp sổ đỏ nên muốn thâu tóm. Và để thâu tóm được cần mua lại cổ phần của chủ đầu tư là Công ty Sài Gòn Đại Ninh – thuộc sở hữu của bà Phan Thị Hoa.

Bị cáo Nguyễn Cao Trí: 'Để hoàn thành nhiệm vụ thì phải có chuyện đưa quà, biếu xén'- Ảnh 1.

Bị cáo Nguyễn Cao Trí.

Theo bị cáo, cũng trong năm 2020, Dự án đang bị Thanh tra Chính phủ (TTCP) kiến nghị thu hồi tại kết luận thanh tra số 929, nên thỏa thuận mua lại từ bà Hoa giá 1.700 tỷ đồng.

Sau khi có Kết luận số 1033, hủy bỏ kiến nghị thu hồi của Kết luận 929, bà Hoa yêu cầu tăng giá nên bị cáo Trí thỏa thuận mua bán với giá 5.000 tỷ đồng. Hiện mới thanh toán 1.700 tỷ đồng từ nguồn tiền của Tập đoàn Novaland trả.

"Bị cáo có nghiên cứu Kết luận 929 không?, Chủ tọa hỏi. Bị cáo Trí cho hay, đã “nghiên cứu rất kỹ”, thấy có vấn đề chưa xác đáng. Theo lời vị đại gia này, cả bà Phan Thị Hoa cũng nói Kết luận 929 chỉ “kiến nghị thu hồi” chứ chưa có “quyết định thu hồi”, bà này khẳng định thêm rằng “Không dễ gì lấy được của doanh nghiệp”.

Bị cáo Trí cho biết sau đó hỏi ông Trần Văn Minh , cố Phó tổng TTCP, người trực tiếp ký Kết luận 929 và được trả lời văn bản này “có sơ hở”. Ông Minh cũng hướng dẫn bị cáo gửi đơn đến Văn phòng Chính phủ để kiến nghị.

Bị cáo Nguyễn Cao Trí: 'Để hoàn thành nhiệm vụ thì phải có chuyện đưa quà, biếu xén'- Ảnh 2.

Bị cáo Mai Tiến Dũng tại tòa.

Sau đó, bị cáo Trí hai lần tới Văn phòng Chính phủ, gặp bị cáo Mai Tiến Dũng, cựu Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng chính phủ, nhờ giúp đỡ. Ông Dũng đồng ý, yêu cầu bị cáo Trần Bích Ngọc, Vụ trưởng Vụ I, chuyển đơn của bị cáo Trí.

Từ đây, TTCP lập tổ công tác, xem xét lại dự án Đại Ninh và ra Kết luận 1033, sửa đổi Kết luận 929 từ " kiến nghị thu hồi" dự án Đại Ninh sang "giãn tiến độ, cho tiếp tục thực hiện".

Tại tòa, ông Trí cũng thừa nhận đã đưa hối lộ cho nhiều người như trong cáo trạng quy kết.

Chủ tọa hỏi thêm "quá trình điều tra, bị cáo khai mỗi lần lên họp đều có phong bì, ít nhiều cho lãnh đạo, cán bộ?”. Bị cáo Trí đáp: “Đó là thông lệ, bỏ bì thư cho anh em ăn trưa, ăn tối”.

"Cách tôi làm để dự án hồi sinh là hoàn toàn sai trái”

Tiếp tục khai báo về Dự án Đại Ninh, bị cáo Trí cho hay Novaland đã “quan tâm” đến từ lâu nên sau khi biết ông mua lại, tập đoàn này nhiều lần liên hệ, muốn hợp tác. Nguyễn Cao Trí đồng ý chuyển cho Novaland mảng bất động sản nhà ở, còn bản thân sẽ thực hiện hệ thống nhà hàng, y tế, giáo dục, khách sạn…tại Đại Ninh.

Công ty Lavender của Nguyễn Cao Trí và Công ty Thiên Vương thuộc Novaland sau đó ký hợp đồng bảo mật trị giá 300 tỷ đồng. Nguyên nhân phải ký bảo mật, bị cáo Trí giải thích vì dự án có vướng mắc pháp lý, nhiều doanh nghiệp khác cũng muốn thâu tóm nên Novaland phải ký rồi chuyển 300 tỷ để thể hiện thành ý.

“Novaland đã biết rõ tình trạng pháp lý của dự án?”, Chủ tọa hỏi thêm. Bị cáo Trí trả lời “đúng” nhưng nói rằng, Tập đoàn này vẫn quyết mua với giá 27.000 tỷ đồng, thỏa thuận trả đợt đầu 5.000 tỷ.

Khi Novaland mới trả 2.700 tỷ đồng, đại diện Tập đoàn có nói đang khó khăn, xin tạm dừng. “Lúc đó thị trường khó khăn chung nên mình cũng thông cảm cho người ta”, bị cáo Trí khai.

Theo ông Trí, sau khi nhận 2.700 tỷ từ Novaland, bị cáo chuyển cho bà Phan Thị Hoa 1.700 tỷ đồng; nộp thuế và tiền phạt chậm tiến độ dự án Đại Ninh cho UBND tỉnh Lâm Đồng hết hơn 300 tỷ đồng; còn lại phải trả phần huy động vốn. Do đó, Nguyễn Cao Trí đề nghị tòa không tịch thu xung công 2.700 tỷ đồng như đề nghị của viện kiểm sát nêu trong cáo trạng.

Bị cáo phân tích thêm, bị cáo Trí cho rằng hành vi đưa hối lộ của mình xảy ra năm 2020 nhưng đến năm 2022 số tiền 2.700 tỷ đồng mới xuất hiện nên không liên quan đến nhau. Số tiền doanh nghiệp của ông đã đổ vào dự án Đại Ninh đã vượt quá 2.700 tỷ đồng, chủ yếu đi vay Sacombank với “tiền lãi mỗi năm vài trăm tỷ”.

"Hiện tôi đang rất khó khăn và tôi ở trong tù vẫn phải lo lắng cho hơn 5000 nhân viên”, vị đại gia trình bày.

Liên quan đến tội danh bị quy kết trong cáo trạng, đại gia Nguyễn Cao Trí nói, hai năm qua ông “đã rất thấm thía”. Với vai trò là một doanh nhân, công việc cứ cuốn theo việc phải gồng gánh hàng nghìn nhân sự, để hoàn thành nhiệm vụ thì phải có chuyện đưa “quà", "biếu xén".

Bị cáo Nguyễn Cao Trí: 'Để hoàn thành nhiệm vụ thì phải có chuyện đưa quà, biếu xén'- Ảnh 3.

HĐXX làm thủ tục khai mạc phiên tòa.

Đối với Dự án Đại Ninh, ông Trí cho rằng không chỉ cá nhân ông mà cả nhóm quan chức ngồi trong phiên tòa hôm nay, các quan chức tỉnh Lâm Đồng qua nhiều thế hệ đang rất muốn hoàn thiện, có một khu nhà ở đúng nghĩa để thay đổi cho một đô thị ở Lâm Đồng đã bị “băm nát”.

“Tuy nhiên, cách tôi làm để dự án hồi sinh, tiếp tục vận hành là hoàn toàn sai trái”, ông Trí thừa nhận.