Thẩm phán nghỉ việc mở công ty "bánh tiến vua": Cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy sẽ tạo ra nhiều tỷ phú mới

Admin

Ông từng là Thẩm phán tỉnh Hải Dương trước khi gửi đơn đến Chủ tịch nước xin nghỉ việc để về mở công ty.

Thẩm phán nghỉ việc mở công ty "bánh tiến vua": Cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy sẽ tạo ra nhiều tỷ phú mới- Ảnh 1.

“Người ta cứ nghĩ làm Nhà nước quan hệ rộng, có vị thế… nhưng tôi cũng ở trong bộ máy mấy chục năm nên rất hiểu, chuyện đó chưa chắc đúng”, ông Đào Quang Chuyện (63 tuổi), người từng làm Thẩm phán tỉnh Hải Dương nhưng xin nghỉ để lập công ty sở hữu thương hiệu bánh đậu xanh Rồng Vàng Hoàng Gia danh tiếng, chia sẻ.

Tay trắng lập nghiệp, từ một người ngoại đạo, ông đã tạo nên công ty có doanh thu hàng năm hơn 70 tỷ đồng. Bánh đậu xanh xuất khẩu đi Mỹ, Canada, Nhật Bản…, được Văn phòng Tổng bí thư, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Chính phủ sử dụng để tiếp khách.

“ Tôi tin cuộc cách mạng tinh giản bộ máy này chắc chắn sẽ tạo ra nhiều doanh nhân, tỷ phú mới ”, vị Thẩm phán một thời khẳng định.

SUÝT CHẾT VÌ KHỞI NGHIỆP

Trương Thu Hường: Từng là một công chức rồi trở thành doanh nhân, mỗi công việc đều đã gắn bó mấy chục năm, bây giờ, ở tuổi ngoài 60 nhìn lại, ông nghĩ công việc nào phù hợp với mình hơn?

Ông Đào Quang Chuyện: : (Cười) Gần đây, khi cuộc cách mạng tinh giản biên chế diễn ra trên toàn quốc thì câu chuyện riêng của tôi bỗng nhiên được quan tâm. Có lẽ vì tôi cũng từng là viên chức, cũng trải qua việc chia tách tỉnh, lại chủ động rời khỏi cuộc chơi và giờ đây lại đang là doanh nhân.

Khi nghe tin tức về tôi trên truyền thông, không biết bằng cách nào mà mặc dù tôi đã nghỉ việc mấy chục năm, nhưng nhiều đồng nghiệp cũ vẫn gọi điện hỏi thăm. Đa số họ đều nói: “Ồ, thế ra ông cũng được đấy nhỉ!”.

Tôi cười: “Ngày xưa, các ông chê tôi gàn dở. Bây giờ các ông thua hết! (cười)”.

Khi nghe tin tức về tôi trên truyền thông, mặc dù, tôi đã nghỉ việc mấy chục năm, nhưng các đồng nghiệp cũ và người quen đều gọi điện hỏi thăm, nói: “Ồ, ‘Chuyện Đặc sản’ có quyết định thật đúng !”.

Tôi bảo: “Ngày xưa, các ông chê tôi gàn dở. Bây giờ nói vậy là quá muộn rồi (cười)”.

Hồi mới khởi nghiệp, tôi khổ hơn các bạn tôi. Nhưng bây giờ đồng nghiệp cũ đã về hưu, ai chậm nhất cũng chỉ hết năm nay, còn tôi vẫn lao động hăng say, công việc tiếp tục mở rộng. Các bạn làm việc nhiều năm nên chắc chắn sẽ có tích luỹ, nhưng khi về hưu, ở nhà đi chơi mãi cũng buồn. Đến lúc chán, các ông bạn ngoài 60 tuổi mới đi kiếm việc, trong khi tôi đã tìm thấy từ rất lâu.

Nói thật, cho dù có ở lại làm công chức như đồng nghiệp, tôi cũng không “trụ” nổi… Tôi yêu thích và phù hợp kinh doanh hơn.

Thẩm phán nghỉ việc mở công ty "bánh tiến vua": Cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy sẽ tạo ra nhiều tỷ phú mới- Ảnh 2.

Ông Đào Quang Chuyện tiếp Đại sứ Palestine tại Việt Nam Saadi Salama

Trương Thu Hường: Vậy mà tôi nghe nói, thời điểm mới rời vị trí Thẩm phán, có đến cả tháng trời, ngày nào ông cũng tới cơ quan cũ để hoài niệm…

Ông Đào Quang Chuyện: Đúng thế! Bởi vì tôi đã gắn bó với ngành tư pháp mấy chục năm. Công việc, mọi thứ diễn ra đều đặn, trở thành thói quen khó bỏ. Khi mới nghỉ việc, tôi cảm giác rất hụt hẫng.

Trương Thu Hường: Hụt hẫng chỉ vì mất đi một thói quen, hay bởi vì giai đoạn đầu khi mới bước vào thương trường khốc liệt, mọi thứ quá khó khăn?

Ông Đào Quang Chuyện: Trước khi xin từ chức, tôi đã kinh doanh như một nghề tay trái. Đầu tiên làm kem giặt, thất bại rồi chuyển qua khởi nghiệp với bánh đậu xanh năm 1997, lấy thương hiệu Lâm Hương.

Năm 2001, tôi quyết định đổi tên công ty và lấy tên bánh là Rồng Vàng Hoàng Gia. Bởi trong truyền thuyết, theo lịch sử, bánh đậu xanh Hải Dương là một đặc sản tiến vua. Rồng Vàng, Hoàng Gia đều là biểu tượng nhà vua và hoàng tộc thời xưa. Tôi muốn sản phẩm của mình gắn với câu chuyện lịch sử, tinh hoa xứ sở, để làm vang danh lại loại bánh đã từng một thời vàng son.

Trách nhiệm bảo tồn này không ai giao, nhưng tôi đã tự nhận lấy. Có nghĩa, tôi đã lựa chọn con đường mới với thái độ nghiêm túc, quyết tâm.

Trương Thu Hường: Và sự quyết tâm đã đưa ông đến thành quả mà chúng ta đều nhìn thấy. Nhưng trước khi có được thành tựu, ngoài chuyện nghỉ việc Nhà nước, ông có phải trả giá gì không? Sự đánh đổi lớn nhất mà ông đã trải qua?

Ông Đào Quang Chuyện: Nghỉ việc là chuyện khó khăn, nhưng với tôi đã xưa rồi. Nếu không nhờ hồng phúc tổ tiên, có lẽ tôi không còn cơ hội nói chuyện nữa (cười).

Hồi ấy, Hải Dương không có đơn vị nào chuyên làm thiết kế. Tôi phải lên Hà Nội, làm việc với một công ty ở cạnh hồ Ngọc Khánh. Hôm ấy về rất muộn, tôi đi trên đường 5 cũ, gần tới Hải Dương thì bị một xe máy đi cùng chiều vượt ẩu lao vào gây tai nạn, đẩy tôi cùng xe bay xuống đường 35-40 m. Hậu quả đến giờ, một ngón tay út của tôi vẫn bị khoèo.

Chuyện xảy ra đã lâu, nhưng khi nhắc lại, tôi vẫn nhớ rõ khoảnh khắc đó. Nói thật, vốn quý nhất vẫn là sức khoẻ, tính mạng. Bởi dù vạn sự có chuyển dời, chỉ cần chúng ta có trí tuệ, sức khoẻ thì đều có cơ hội phát triển .

CÔNG THỨC CHƯA TỪNG CÓ ĐƯA LOẠI BÁNH TIẾN VUA VƯƠN RA KHẮP THẾ GIỚI

Trương Thu Hường: Là một người “ngoại đạo”, ông đã bắt đầu làm bánh đậu xanh như thế nào?

Ông Đào Quang Chuyện: Tôi vừa làm vừa tự mày mò, nghiên cứu, sáng tạo và đổi mới. Ngày xưa, bánh đậu xanh được làm từ 3 nguyên liệu: đường mía/ đường phên; đậu xanh và mỡ lợn.

Để làm ra loại bánh hảo hạng, chúng tôi chọn mỡ vai. Đấy là phần mỡ thơm ngon, cho tỷ lệ mỡ cao nhất và được những người làm bánh, kẹo, đặc biệt là bánh nướng rất ưa chuộng. Mỗi ngày, chúng tôi có thể rán từ 3-5 tấn mỡ với 3-5 cái vạc lớn. Loại mỡ này ngon, nhưng giá đắt gấp 1,5-2 lần các loại mỡ rẻ tiền.

Đậu xanh có nhiều loại, chúng tôi chọn loại lòng vàng - tinh hoa của đậu xanh - vì hạt to, mẩy, độ bông xốp tốt, thơm ngon, màu vàng đẹp mắt.

Xưa kia các cụ chỉ có đường phên, đường mía, sau này, chúng tôi chọn đường 5 sao tốt nhất cả nước.

Mặc dù đã lựa chọn những nguyên liệu cao cấp, nhưng bánh làm ra chỉ để được ngắn ngày. Lúc mới khởi nghiệp, thị trường rất nhỏ, muốn bán một thùng bánh cũng khó. Có nhiều lần, tôi phải tự tay đổ bỏ những mẻ bánh vất vả làm ra, lúc ấy trong lòng thấy đắng chát.

Sau này, tôi nghiên cứu, tìm tòi, vẫn từ 3 nguyên liệu cũ để làm bánh tiến vua nhưng chúng tôi đã tạo nên công thức mới chưa từng có.

Về đường, theo cách làm cũ, đường được giã/ nghiền nhỏ. Nhưng tôi nghiệm ra, nếu dùng đường sống, bánh rất nhanh hỏng vì làm vỡ kết cấu của nó, chỉ từ 7-10 ngày không bán được là đổ bỏ. Vậy là chúng tôi cho đường vào cái vạc lớn, đun lên, cô đường đến độ bông xốp nhất định, trở thành một sản phẩm mới rồi đem phối trộn vào bột bánh. Ngoài đường tinh luyện, chúng tôi còn dùng đường glucose dành cho người ăn kiêng. Công thức gia giảm đường cũng theo xu hướng xã hội đang hạn chế đồ ngọt.

Đậu xanh khi chế biến phải rửa sạch, nhất định phải luộc chín nhằm loại bỏ tạp chất, rang trên nhiệt lượng cao nhằm làm cho hạt đậu giãn nở tối đa rồi lại cho ủ trong thùng gỗ 24-36 giờ để tạo cộng hưởng mùi thơm, tách sạch vỏ trước khi nghiền mịn trên dây chuyền khép kín.

Bước tiến tiếp theo đó là chúng tôi dùng dầu thực vật thay cho mỡ lợn. Dầu thực vật có nguồn gốc tự nhiên giúp bánh bảo quản lâu, thơm ngon hơn.

Với cách làm mới, lựa chọn nguyên liệu cao cấp, đảm bảo VSATTP, duy nhất thương hiệu Rồng Vàng Hoàng Gia của chúng tôi hoàn toàn không dùng hoá chất bảo quản nhưng để được 9 tháng. Các nhãn bánh đậu xanh khác chỉ 5-6 tháng, có khi chỉ 2 tháng.

Trương Thu Hường: Lợi thế khác biệt này đã đem đến thành tựu gì tương xứng?

Ông Đào Quang Chuyện: Chúng tôi là công ty duy nhất xuất khẩu bánh đậu xanh ra thế giới, đến Nhật Bản, Mỹ, Canada. Giả dụ bây giờ muốn sang Nhật Bản, nhanh nhất cũng mất 1,5 tháng chưa kể thời gian lưu kho. Nếu gặp chuyện phát sinh, sẽ mất 2-3 tháng mới phân phối đến khách hàng. Nếu bánh chỉ để được 5-6 tháng thì thời gian bán hàng quá ngắn.

Với hạn sử dụng dài, trường hợp xấu nhất phải mất 3 tháng mới tới tay khách hàng, chúng tôi vẫn còn khoảng 5 tháng lưu chuyển hàng hoá vì phải trừ đi một tháng cuối sát hạn thì khách sẽ mua ít.

Ở trong nước, việc bánh có thể bảo quản lâu, dễ dàng trong điều kiện thường là lợi thế to lớn. Hiện nay, chúng tôi đã phủ kín toàn bộ hệ thống siêu thị trên cả nước, toàn bộ sân bay, tất cả điểm du lịch từ Phú Quốc trở ra, các khách sạn/ resort 5 sao, các điểm dừng nghỉ đón khách, phủ rộng các hiệu tạp hoá trên cả nước…

“CHỌN ĐI MỸ, NHẬT BẢN ĐỂ KHẲNG ĐỊNH VỊ THẾ”

Trương Thu Hường : Để đưa chiếc bánh đậu xanh từ quê nhà vượt biên giới đến Nhật Bản và trời Tây, theo ông, thách thức gì là khó vượt qua nhất?

Ông Đào Quang Chuyện: Ban đầu, tôi cứ nghĩ ở Việt Nam làm tốt thì ra nước ngoài cũng thế. Nhưng sai hết vì muốn đi đâu cũng phải đảm bảo tiêu chuẩn của nước nhập khẩu. Sang Nhật Bản, phải mất mấy năm kiên trì đưa mẫu đi test rồi nhận phản hồi, chỉnh sửa, cuối cùng, chúng tôi mới được thị trường Nhật chấp nhận.

Tại Nhật Bản, chúng tôi đã đăng ký bảo hộ thương hiệu. Tôi coi đó là thị trường đột phá, phải làm bài bản ngay từ đầu nên mất nhiều thời gian. Ban đầu, họ muốn chúng tôi thay đổi công thức bánh theo khẩu vị người Nhật. Nhưng chúng tôi muốn giữ nguyên hương vị ở Việt Nam, để những người xa xứ và bạn bè quốc tế được thưởng thức đúng loại bánh đậu xanh thuần Việt. Tôi nói với họ, sản phẩm của chúng tôi đã vào tất cả hệ thống siêu thị, bao gồm Aeon Mall do người Nhật đầu tư, và có mặt ở các địa điểm du lịch. Như vậy, người dân và du khách Nhật đều đã quen thuộc, chấp nhận hương vị bánh đậu xanh theo chuẩn của Việt Nam. Sau khi thuyết phục như vậy, họ đã đồng ý.

Trương Thu Hường: Vì sao ngay từ đầu ông đã chọn Nhật Bản mà không phải Trung Quốc vốn đông dân, gần gũi hơn?

Ông Đào Quang Chuyện: Cách tiến ra thế giới của chúng tôi là giữ vững chất lượng, thương hiệu. Khách đặt ít cũng được, 10 thùng bánh tôi cũng làm, nhưng họ phải đặt cọc và thương hiệu phải là của chúng tôi, không chấp nhận gia công theo đơn đặt hàng…

Tôi muốn giữ thương hiệu cho Việt Nam vì nói thật, ở nước mình bánh kẹo đặc sản không có nhiều. Nhìn đi nhìn lại chỉ có: Bánh đậu xanh; Kẹo lạc; Cu đơ; Mè xửng…. Kẹo lạc chỉ giữ được tối đa 2 tháng. Kẹo cu đơ, bánh mè xửng thì không phải ai cũng ăn được, ví dụ trẻ nhỏ, người già không nhai nổi. Bánh đậu xanh là đặc sản hiếm hoi đáp ứng đầy đủ các tiêu chí: Thường xuyên, liên tục, bảo quản được lâu, có thể làm quà biếu/ tặng, đối tượng nào cũng dùng được…

Trước đây, chúng tôi từng bán hàng tiểu ngạch sang Trung Quốc. Lúc ấy mới khởi nghiệp nên chưa rõ phương hướng, làm hàng chất lượng thấp bán tiểu ngạch thì lợi nhuận thấp, rủi ro nhiều. Cuối cùng, tôi chọn con đường nâng cao chất lượng, chọn thị trường khó để khẳng định thương hiệu.

Thị trường Trung Quốc chính ngạch là một cơ hội hấp dẫn. Nhưng chúng tôi chọn đi Mỹ, Nhật, Canada để chứng minh đủ sức đi khắp thế giới. Tới lúc đó, chúng tôi sẽ quay lại Trung Quốc nhưng với vị thế khác.

Thẩm phán nghỉ việc mở công ty "bánh tiến vua": Cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy sẽ tạo ra nhiều tỷ phú mới- Ảnh 3.

Hiện nay, đơn hàng quốc tế của chúng tôi chưa nhiều, chỉ đạt khoảng 5% doanh thu. Tương lai, chúng tôi sẽ mở rộng dần. Quan trọng, chúng tôi có một kênh xuất khẩu ngay trong nội địa rất hiệu quả. Công ty tôi cung cấp khoảng 700 tấn bánh đậu cho thị trường trong nước. Rất nhiều trong số này phục vụ cho du khách nước ngoài. Tôi nghĩ, nếu như phải vất vả mang bánh sang Nhật, Mỹ để bán thì bán luôn trong nước cho du khách mang về nước họ làm quà tặng cũng là một cách hay.

ĐẠT OCOP 5 SAO CẤP QUỐC GIA, PHỤC VỤ NGUYÊN THỦ

Trương Thu Hường: Ông khởi nghiệp với ý định phục hưng lại loại bánh từng tiến vua một thời. Đến giờ sau gần 30 năm nhìn lại, ông thấy mục tiêu ban đầu của mình đã đạt được hay chưa?

Ông Đào Quang Chuyện: Ngày xưa, đất nước có của ngon vật lạ nào cũng đều mang tiến vua. Bây giờ không còn thể chế phong kiến thì tiến vua sao được (cười). Nhưng bánh của tôi đã được Văn phòng Tổng bí thư, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Chính phủ sử dụng để tiếp khách và làm quà tặng. Gần đây nhất, Văn phòng Tổng bí thư đặt hàng công ty tôi thông qua UBND tỉnh Hải Dương. Qua nhiều lần kiểm nghiệm, sản phẩm của công ty tôi đảm bảo tất cả các yêu cầu đặt ra và thuận lợi cung ứng đến Văn phòng Tổng bí thư.

Lý do là bánh đậu xanh vị truyền thống của chúng tôi đã đạt chứng nhận OCOP 5 sao cấp quốc gia. Tiêu chí của chứng nhận này vô cùng khắt khe. Năm ngoái, trong tổng số 55 sản phẩm toàn quốc thì chỉ có 4 sản phẩm đạt OCOP 5 sao, chúng tôi là 1 trong số đó. Chúng tôi mất gần 3 năm kể từ khi đệ trình đến khi được công nhận. Chính phủ sẽ hỗ trợ vấn đề tiêu thụ sản phẩm, giới thiệu, quảng bá. Thế nên Chính phủ, các cơ quan Nhà nước ưu tiên sử dụng các sản phẩm đạt OCOP 5 sao trong đối nội và đối ngoại.

Thẩm phán nghỉ việc mở công ty "bánh tiến vua": Cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy sẽ tạo ra nhiều tỷ phú mới- Ảnh 4.

Năm 2022-2023, chúng tôi tiếp đón các đoàn Đại sứ quán và Bộ Ngoại giao về tham quan, tìm hiểu đặc sản Hải Dương. 20 vị Đại sứ nước ngoài ở Việt Nam và lãnh đạo Bộ Ngoại giao, các Tham tán thương mại… đã cùng ngồi đóng gói sản phẩm và được thưởng thức luôn chiếc bánh mình làm ra. Họ vừa ăn bánh, vừa thưởng trà trong không gian đậm đà bản sắc văn hoá Việt Nam.

Các vị Đại sứ, Tham tán thương mại đều bất ngờ. Đại sứ Palestine, Trưởng đoàn Ngoại giao tại Việt Nam nói đây là loại bánh có hương vị không thể trộn lẫn. Ông đánh giá rất cao sự sáng tạo của người Việt khi phối trộn các nguyên liệu đơn giản thành một thứ tinh hoa ẩm thực.

“DÙ HẢI DƯƠNG CÓ SÁP NHẬP, THÌ ĐẶC SẢN BÁNH ĐẬU XANH VẪN CÒN NGUYÊN ĐÓ…”

Trương Thu Hường : Tới đây, một số tỉnh của Việt Nam sẽ sáp nhập. Hải Dương nằm trong danh sách 52 tỉnh dự kiến có thay đổi địa giới. Giả dụ Hải Dương sáp nhập với Hải Phòng và cái tên gắn liền với đặc sản bánh đậu xanh không còn nữa, ông nghĩ sao về viễn cảnh này?

Ông Đào Quang Chuyện: Tôi đã nhìn thấy trước cuộc cách mạng này sẽ tác động sâu sắc đến từng người dân, từng doanh nghiệp trên cả nước. Chúng tôi đang đứng trước nhiều vấn đề lớn như chuyển dịch dòng tiền, khách hàng, chuyển dịch đầu tư… và rất nhiều thứ phải cơ cấu lại.

Gần đây, tôi thấy nhiều người nhắc đến tâm tư của hàng trăm nghìn viên chức mất việc. Nhưng công chức, viên chức cũng chỉ là một cấu phần trong toàn thể xã hội. Vấn đề của họ là từng cá nhân. Vấn đề của doanh nghiệp lớn hơn thế. Chẳng hạn như bánh đậu xanh của chúng tôi trước đây phục vụ cho các đơn vị hành chính thì tới đây sẽ phải giảm bớt rất nhiều. Nhưng chúng tôi hoàn toàn không kêu ca mà thấy đây là cơ hội mới để phát triển.

Nếu Hải Dương về chung một nhà với Hải Phòng thì “sân nhà” mở rộng ra tới tận hải đảo. Ngay trong tỉnh đã có sân bay, cảng biển, địa điểm du lịch… thì đó là thuận lợi lớn.

Có người nói nếu tên tỉnh Hải Dương không còn, bánh đậu xanh là đặc sản gắn với địa danh đó bao đời nay sẽ ra sao? Tôi nói luôn: “Ồ, mình có mất cái gì đâu? Mọi người nghĩ đi đâu thế. Vẫn là đặc sản Hải Dương - TP Hải Phòng thôi”.

Thẩm phán nghỉ việc mở công ty "bánh tiến vua": Cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy sẽ tạo ra nhiều tỷ phú mới- Ảnh 5.

Trương Thu Hường: Ông vừa nói công chức mất việc chỉ là chuyện rất nhỏ…

Ông Đào Quang Chuyện: Vì tôi nghĩ công chức, viên chức thời đại mới đều có năng lực nhất định, bối cảnh xã hội lại có vô số cơ hội. Vậy thì đây chính là thời cơ để nước ta có thêm một cộng đồng doanh nghiệp mới. Nếu cứ 10 người rời công chức, ít nhất 3 người làm doanh nghiệp thì bộ máy Nhà nước tinh gọn, mà lực lượng tạo ra của cải vật chất lại đông hơn.

Có một sự khác biệt rất lớn giữa góc nhìn trong và ngoài cuộc. Trong cuộc, nhiều người nghĩ làm Nhà nước quan hệ rất rộng, có vị thế, nhưng tôi cũng ở trong đó mấy chục năm nên biết kỳ thực quan hệ rất hẹp vì ai cũng chỉ tập trung chuyên môn. Bây giờ làm doanh nhân, tôi có quan hệ rộng từ anh lái xe cho đến chủ doanh nghiệp, từ quan chức cấp địa phương cho đến cấp trung ương. Quan hệ không phải để luồn lách mà biết để tìm kiếm cơ hội.

Ở trong bộ máy Nhà nước, nghĩ rằng nghỉ việc là mất trắng bao nhiêu công sức cố gắng, nhưng khi ra ngoài mới thấy, chỉ cần đủ giỏi thì trời cao biển rộng bao la, chúng ta thỏa sức vẫy vùng. Tôi tin sau cuộc cách mạng này, sẽ có nhiều tỷ phú, doanh nhân mới xuất hiện.

Thẩm phán nghỉ việc mở công ty "bánh tiến vua": Cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy sẽ tạo ra nhiều tỷ phú mới- Ảnh 6.