Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex, UpCOM:VGT) vừa tổ chức Hội thảo Thị trường để cập nhật tình hình thực tế, xây dựng các kịch bản áp thuế làm cơ sở triển khai chương trình hành động trong thời gian tới.
Thông tin từ hội thảo, khi Mỹ công bố mức thuế đối ứng và lộ trình áp thuế vào ngày 3/4 (theo giờ Việt Nam), nhiều khách hàng đã tạm dừng đơn hàng khiến thị trường và tình hình sản xuất chững lại.
Tuy nhiên, ngay khi thông tin tạm hoãn áp dụng thuế được Tổng thống Donald Trump công bố vào ngày 10/4, các khách hàng đã thúc đẩy tiến độ sản xuất và giao hàng, yêu cầu hoàn tất đơn hàng trong vòng 90 ngày tới.

Chủ tịch HĐQT Vinatex Lê Tiến Trường. Ảnh: Vinatex.
Ngoài ra, các doanh nghiệp trong hệ sinh thái của Vinatex cũng đã chủ động xây dựng các giải pháp ứng phó trong ngắn và dài hạn, tập trung vào đàm phán với khách hàng trên tinh thần chia sẻ hữu nghị, tìm kiếm thị trường xuất khẩu cũng như nguồn cung nguyên phụ liệu mới, tối ưu hóa quản trị sản xuất, đẩy nhanh tốc độ sản xuất các đơn hàng đã ký trong quý II.
Chủ tịch HĐQT Vinatex Lê Tiến Trường nhấn mạnh, thị trường biến động, thuế suất cao không phải là điều mới xảy ra với dệt may Việt Nam và ngành dệt may đã trải qua nhiều sóng gió trong quá khứ nhưng vẫn vững vàng vượt qua, khẳng định được vị trí xuất khẩu thứ hai trên thế giới.
Song hành với hoạt động sản xuất, Công đoàn ngành Dệt May Việt Nam tổ chức phát động Tháng Công nhân năm 2025 (tháng 5) với tinh thần thúc đẩy khí thế đẩy mạnh lao động sản xuất, tối đa hóa sản lượng với với 90 ngày làm việc thần tốc, quyết tâm về đích các đơn hàng của quý II trong 90 ngày (trước 05/7/2025).
Các đơn vị cũng cần kích hoạt cơ chế phối hợp chặt chẽ như giai đoạn Covid-19, bao gồm: phương thức làm việc, phương thức tiếp cận, chia sẻ thông tin trong toàn Tập đoàn.
Trước đó, Chủ tịch HĐQT Vinatex Lê Tiến Trường đã nhận định, mặc dù mức thuế 46% áp dụng cho hàng hóa Việt Nam là mức cao hơn nhiều so với những nhận định, dự báo.
Trước mắt, việc tăng thuế suất có thể gây ra một số tác động làm giảm nhu cầu tại thị trường Mỹ.
“Chính sách thuế của Tổng thống Trump là chính sách thuế linh hoạt có thương thảo, do đó các DN xuất khẩu đều đang kỳ vọng Chính phủ có thể đàm phán với Mỹ để giảm các loại thuế đối ứng mà phía Mỹ áp với Việt Nam. Chúng ta cũng phải tính toán lại cán cân thương mại với Mỹ, với ngành dệt may thì có thể gia tăng sử dụng bông Mỹ để giảm cán cân thương mại , đồng thời đáp ứng yêu cầu nguồn gốc xuất xứ khi là quốc gia xuất siêu vào quốc gia này,” ông Lê Tiến Trường nhấn mạnh.
Trong quý I năm nay, doanh thu hợp nhất toàn Tập đoàn ước đạt 4.417 tỷ đồng, bằng 24,1% kế hoạch năm; lợi nhuận hợp nhất ước đạt 271 tỷ đồng, bằng 29,8% kế hoạch năm.
Vinatex cho biết, hầu hết các đơn vị ngành sợi có đơn hàng đến tháng 5/2025. Tuy nhiên, từ tuần cuối cùng của tháng 2/2025 đến nay, thị trường sợi giảm cả về giá và nhu cầu trong khi giá bông liên tục giảm sâu.
Với ngành may, hiện nhiều doanh nghiệp đã nhận đủ đơn hàng đến hết quý II/2025 và đang giao dịch cho quý III/2025. Trong quý 1, các đơn hàng có xu hướng đẩy nhanh tiến độ giao hàng để hạn chế tác động nếu có của chính sách thuế quan của Mỹ, còn đơn hàng quý II/2025 có xu hướng chững lại vì nghe ngóng các chính sách thuế của chính quyền Tổng thống Trump.