
Ảnh minh hoạ: QUANG ĐỊNH
Tay nội run run, mắt thì nhìn xa xăm. Đó là Huân chương Kháng chiến - cả một đời nội gom góp từ những năm tháng chiến đấu giữa rừng sâu nước độc mà nội luôn xem như báu vật.
Nội tôi là lính trong tổ chế tạo vũ khí, cái nghề "nổ cái là không còn mảnh nào đem về quê chôn". Nội kể, hồi đó đóng chốt ở mé rừng, mấy anh em chỉ có vài cuốn sổ tay kỹ thuật cũ, cộng với chút kiến thức "học lóm" từ ông thầy quân giới cũ, vậy mà cũng tự mày mò làm ra được mìn gài từ lon sữa bò, lựu đạn, đạn dược, cả súng kíp, bom xăng tự chế cho mấy chiến sĩ ngoài chiến tuyến.
Tôi còn nhớ mài mại theo lời nội kể, nội cùng nhiều đồng đội từ miền Nam tập kết ra Bắc để học cách chế tạo, bảo quản và vận chuyển vũ khí - từ tháo lắp đạn cối, thuốc nổ cho tới cách làm ngòi nổ bằng cơ chế chạm nổ thủ công. Sau này, tiểu đội lại hành quân dọc Trường Sơn, trở về miền Nam với vai trò kỹ thuật viên quân giới.
Có lần gặp bom, cả tổ nháo nhào, nội vừa kịp hô "Chạy!" là tiếng nổ đã rền vang trời đất. Cả khu lán bay lên như rơm rạ. Nội thoát chết, nhưng kể từ bữa đó, một bên tai nội không còn nghe được nữa, chỉ toàn tiếng ù ù như sóng biển vỗ hoài không dứt. Vậy mà đau đớn nhất không phải cái tai bị điếc, mà là người đồng đội chạy không kịp xuống hầm trú ẩn.
"Lúc đó mà nội nhanh hơn một chút, hét lớn hơn chút nữa thì có khi cứu được thằng Tư. Xác nó cách hầm có vài bước chân..." - nội dằn vặt hoài. Cái điếc của tai, nội chịu được. Chớ cái áy náy trong lòng, mấy chục năm rồi vẫn không nguôi.
Còn bà tôi,