Sau Trung Quốc và Ấn Độ, thêm một bạn hàng 'làm khó' dầu Nga: Chỉ mua dầu tuân thủ giá trần, từng tiết kiệm được 2 tỷ USD nhờ dầu giá rẻ

Admin

Quốc gia này đã từng trở thành bạn hàng thân thiết nhất trong thời gian Nga mới bị trừng phạt.

Sau Trung Quốc và Ấn Độ, thêm một bạn hàng 'làm khó' dầu Nga: Chỉ mua dầu tuân thủ giá trần, từng tiết kiệm được 2 tỷ USD nhờ dầu giá rẻ- Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Kể từ khi EU ban hành lệnh cấm nhập khẩu dầu thô của Nga, Thổ Nhĩ Kỳ là nước mua nhiều nhất các sản phẩm dầu của Nga trong năm 2023, tiếp theo là Trung Quốc - nước đã mua 12% sản phẩm dầu xuất khẩu của Nga. Theo ước tính, Thổ Nhĩ Kỳ tiết kiệm được khoảng 2 tỷ USD trong năm 2023 từ việc mua dầu của Nga.

Tuy nhiên giờ đây, tình thế đã thay đổi khi Mỹ áp dụng những biện pháp mạnh tay với dầu Nga. Công ty lọc dầu lớn nhất Thổ Nhĩ Kỳ - Turkiye Petrol Rafinerileri vừa đưa ra tuyên bố sẽ ngừng mua bất kỳ loại dầu và sản phẩm nào từ Nga không tuân thủ mức giá trần của G7 kể từ ngày 27 tháng 2.

Turkiye Petrol Rafinerileri (hay còn gọi là Tupras) đã trở thành khách hàng mới nhất của dầu mỏ Nga mong muốn tránh vi phạm lệnh trừng phạt mới nhất của Mỹ đối với hoạt động thương mại và xuất khẩu dầu mỏ của Nga.

Vào ngày 10 tháng 1, Mỹ đã áp đặt lệnh trừng phạt nghiêm khắc nhất từ trước đến nay đối với ngành dầu mỏ của Nga, nhắm vào hai công ty dầu mỏ lớn của Nga là Gazprom Neft và Surgutneftegas, cũng như 183 tàu, hàng chục thương nhân dầu mỏ, nhà cung cấp dịch vụ mỏ dầu, công ty bảo hiểm và quan chức năng lượng.

Nhiều tàu bao gồm cả tàu chở dầu chuyên dụng và các loại khác tham gia vào vận chuyển dầu của Nga từ các mỏ dầu ở Bắc Cực, Viễn Đông Thái Bình Dương cũng như các cụm sản xuất đến châu Á hiện đã bị trừng phạt.

Cơ chế giá trần do G7 và EU đặt ra nói rằng các chuyến hàng dầu thô của Nga đến các nước thứ ba có thể sử dụng bảo hiểm và tài chính của phương Tây nếu hàng hóa được bán ở mức giá trần 60 USD/thùng hoặc thấp hơn. Biện pháp này có hiệu lực vào cuối năm 2022 khi EU áp đặt lệnh cấm vận đối với việc nhập khẩu dầu thô của Nga.

Tupras của Thổ Nhĩ Kỳ hiện trở thành khách hàng mới nhất sẽ tuân thủ các giao dịch có mức giá trần, sau khi Trung Quốc và Ấn Độ - những nước mua dầu lớn nhất của Nga - đã tránh xa các giao dịch với bất kỳ thực thể nào nằm trong danh sách đen của Mỹ.

Các quan chức Ấn Độ cho biết Ấn Độ sẽ tiếp tục mua dầu của Nga nếu giá bán dưới mức trần 60 USD/thùng và được giao bằng các tàu chở dầu không bị trừng phạt và không có sự tham gia của bất kỳ công ty hoặc cá nhân nào bị trừng phạt.

Các nhà máy lọc dầu của Ấn Độ sắp xếp và tái cấu trúc các nhà buôn dầu, công ty bảo hiểm và chủ tàu mà họ hợp tác nhằm tiếp tục nhận được dầu giá rẻ từ Nga mà không có nguy cơ vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ, các giám đốc điều hành cho biết.

Theo Oilprice