Mới nhất, chuỗi "Tiệm trà tháng Tư", điểm check-in quen thuộc của giới trẻ TP HCM vài năm gần đây, bất ngờ thông báo đóng cửa sau ngày 25-12, khép lại hành trình 5 năm của thương hiệu tại chi nhánh trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa (quận 3).
Trước đó, fanpage thương hiệu này thông báo đã đóng cửa 2 chi nhánh ở Nhiêu Tứ (quận Phú Nhuận) và Hồng Lĩnh (quận 10).
Trên fanpage có 53.000 lượt theo dõi, nhiều người bày tỏ tiếc nuối về điểm check-in được đầu tư chỉnh chu nhưng góp ý chủ quán nên đầu tư vào thức uống ngon hơn.
Trước đó, vào tháng 11, thương hiệu cà phê Monkey in Black tuổi đời 10 năm, gắn bó với thanh xuân của nhiều người và tên tuổi chuyên gia khởi nghiệp Trần Thanh Tùng (Tùng BT) cũng tuyên bố đóng chi nhánh cuối cùng trên đường Sư Vạn Hạnh (quận 10).
Tùng BT cho biết anh chưa có ý định mở thương hiệu cà phê mới hoặc thương hiệu F&B nào tiếp theo bởi lĩnh vực này quá khó và biên lợi nhuận mỏng so với các lĩnh vực khác mà anh đang hoạt động.
Vào tháng 8 vừa qua, iPOS.vn – doanh nghiệp chuyên cung cấp giải pháp quản lý chuyên biệt dành riêng cho ngành F&B công bố báo cáo ngành F&B Việt Nam 6 tháng đầu năm 2024 với thông tin gây chú: có ít nhất 30.000 cửa hàng trên toàn quốc đã đóng cửa trong khi số lượng mở mới hạn chế. TP HCM là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất với số lượng cửa hàng bị giảm gần 6%, trong tại Hà Nội vẫn tăng trưởng nhẹ 0,1%.
Chính iPOS.vn là doanh nghiệp "phụ trợ" cho F&B cũng gặp ảnh hưởng và có thông tin doanh nghiệp này nợ tiền BHXH và đóng cửa một số chi nhánh.
Theo thông tin từ BHXH TP Hà Nội, cập nhật đến ngày 5-12, iPOS.vn nợ 2 tháng tiền BHXH với tổng số tiền gần 1,5 tỉ đồng.
Trao đổi với Báo Người Lao Động, iPOS.vn xác nhận thông tin và cho biết doanh nghiệp vừa hoàn tất đóng BHXH đến tháng 12.
iPOS.vn cho biết cũng gặp khó khăn nhất định khi 30.000 điểm F&B đóng cửa nên phải đóng cửa một số văn phòng hoạt động không hiệu quả như tại Nam Định, An Giang.
Ông Trương Văn Trực, Phó Tổng Giám đốc iPOS.vn, thông tin việc đóng cửa các văn phòng nằm trong chiến lược tối ưu chi phí để vượt qua giai đoạn khó khăn nhất của ngành F&B. Tuy vậy, nhân sự ở các văn phòng đóng cửa vẫn được giữ lại theo nguyện vọng, và có phúc lợi tương đương với các nhân sự khác trên toàn quốc. Việc này nhằm đảm bảo quyền lợi cho các thương hiệu F&B đang sử dụng giải pháp của iPOS.vn tại khu vực đó không bị ảnh hưởng.
Ông Trực cũng cho biết đã có kế hoạch mở lại các văn phòng ở các địa phương trong năm 2025, khi nền kinh tế có phần ổn định.
Các quán đóng cửa do đâu?
Ông Đỗ Duy Thanh, Giám đốc Công ty Tư vấn FnB Director và Horeca Business School, cho rằng ngành F&B đang trải qua một giai đoạn đầy thử thách nhưng đồng thời cũng mang đến nhiều cơ hội để tái cấu trúc và phát triển.
Dữ liệu từ công ty tư vấn FnB Director cho thấy các cửa hàng đóng cửa trong năm nay rơi vào 3 nhóm nguyên nhân chính.
Trong số đó, 52% cửa hàng chỉ hoạt động dưới 1 năm trước khi phải ngừng kinh doanh. Đây là nhóm thường thiếu kế hoạch kinh doanh đầy đủ và năng lực vận hành yếu kém. Một tỷ lệ đáng kể khác, 35%, là các cửa hàng từ 2-3 năm tuổi, chủ yếu gặp khó khăn trong việc kiểm soát chi phí và duy trì khách hàng lâu dài.
Đặc biệt, 13% cửa hàng trên 4 năm tuổi đóng cửa do không thể gia hạn hợp đồng thuê mặt bằng hoặc mô hình kinh doanh đã lỗi thời, khi vòng đời trung bình của một số mô hình thường chỉ kéo dài từ 3-5 năm.