Tờ South China Morning Post (SCMP) ngày 28/3 đưa tin, Philippines đã cảnh báo Đông Timor rằng nước này có thể không được gia nhập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) vì từ chối dẫn độ một cựu chính trị gia Philippines bị truy nã vì tội giết người.
Đề cập đến động thái của Đông Timor - quốc gia trẻ nhất châu Á muốn gia nhập ASEAN, Bộ trưởng Tư pháp Philippines Jesus Crispin Remulla cho biết động thái này "sẽ không dễ chịu đối với Đông Timor", trích dẫn rằng Philippines là "một trong những quốc gia sáng lập ASEAN".

Thủ tướng Đông Timor Xanana Gusmao (ngoài cùng bên phải) tạo dáng chụp ảnh tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN – Liên Hợp Quốc lần thứ 14 tại Viêng Chăn, Lào, vào năm 2024. Ảnh: Reuters
Đông Timor từ chối dẫn độ
Theo SCMP, vấn đề xoay quanh việc một tòa án tại Đông Timor chấp thuận đơn kháng cáo của Arnolfo Teves Jnr - cựu thành viên Hạ viện Philippines - nhằm ngăn chặn việc dẫn độ ông này về nước. Teves bị cáo buộc sát hại đối thủ chính trị của mình là Roel Degamo - Thống đốc tỉnh Negros Oriental - và 8 người khác vào năm 2023.
Philippines cùng với Singapore, Indonesia, Malaysia và Thái Lan thành lập ASEAN vào năm 1967. Brunei, Việt Nam, Myanmar, Lào và Campuchia đã gia nhập ASEAN những năm sau đó.
Đông Timor được cấp quy chế quan sát viên tại ASEAN sau khi ly khai khỏi Indonesia vào năm 2002. Đến năm 2022, khối này đã đồng ý "về nguyên tắc" kết nạp Đông Timor, cho phép nước này tham gia các cuộc họp cấp cao của khối.
Hôm 25/3, Bộ trưởng Tư pháp Philippines Remulla xác nhận Bộ Ngoại giao nước này đang đàm phán với phía Đông Timor sau khi cựu chính trị gia Teves kháng án thành công bằng cách viện dẫn cáo buộc về sự đàn áp chính trị từ chính quyền của Tổng thống Ferdinand Marcos Jnr.

Cựu thành viên Hạ viện Philippines Arnolfo Teves Jnr. Ảnh: Handout
SCMP đưa tin, cựu chính trị gia Teves phải đối mặt với nhiều cáo buộc về tội danh giết người và cố ý giết người. Ông này đã rời Philippines đến Mỹ với lý do có vấn đề về sức khỏe, chỉ vài ngày trước khi Thống đốc Degamo qua đời vào tháng 2/2023. Ông Teves đã xin tị nạn chính trị tại Đông Timor vào tháng 5/2023 nhưng đã bị từ chối.
Ông Teves đã bị Interpol và cảnh sát Đông Timor bắt giữ vào tháng 3 năm ngoái. Đến tháng 6/2024, Bộ Tư pháp Philippines xác nhận rằng Đông Timor đã đồng ý dẫn độ ông Teves và một tòa án tại Đông Timor đã chấp thuận yêu cầu của Manila về việc trục xuất ông này về Philippines hai lần vào năm ngoái.
Bộ Tư pháp Philippines gọi phán quyết mới nhất của Đông Timor là "hoàn toàn thay đổi 180 độ".
"Chúng tôi thất vọng vì Đông Timor đã không thể hiện đủ sự tin tưởng vào việc thực thi công lý tại Philippines - một thành viên sáng lập của ASEAN, nơi mà họ đang tìm cách gia nhập, và là một trong những quốc gia thành viên ASEAN đầu tiên bày tỏ sự ủng hộ đối với nguyện vọng gia nhập hiệp hội của họ", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines Ma. Teresita Daza cho biết trong một tuyên bố hôm 27/3.
Bà Daza nói thêm rằng trong khi đơn xin gia nhập ASEAN của Đông Timor phụ thuộc vào việc tuân thủ các yêu cầu kỹ thuật để trở thành thành viên chính thức, "nước này cũng phải chứng minh được rằng mình chia sẻ tinh thần tin tưởng và hợp tác mà các quốc gia thành viên ASEAN dành cho nhau, không chỉ trong khuôn khổ ASEAN mà còn trong quan hệ song phương".
Sức mạnh ngoại giao của Philippines
Tổng thống Đông Timor José Ramos-Horta đã hạ thấp mối quan ngại về nỗ lực gia nhập ASEAN của nước này liên quan đến vụ việc của cựu chính trị gia Teves.
Ông Ramos-Horta đã nói với hãng thông tấn nhà nước Tatoli của Đông Timor vào đầu tuần này rằng ông tôn trọng phán quyết mới nhất của tòa án và phán quyết này "không ảnh hưởng đến việc Đông Timor gia nhập ASEAN".

Tổng thống Đông Timor José Ramos-Horta. Ảnh: Văn phòng Tổng thống Đông Timor
Các nhà phân tích cho biết Philippines có thể dùng đến các kênh ngoại giao với các nước láng giềng ASEAN để đảo ngược quyết định của Đông Timor.
Gary Ador Dionisio - Hiệu trưởng Trường Ngoại giao và Quản trị De La Salle thuộc Cao đẳng Saint Benilde (Philippines) - nói với SCMP rằng việc Philippines đăng cai Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN vào năm tới có thể đóng vai trò đòn bẩy buộc Tòa án Tối cao Đông Timor phải đảo ngược phán quyết.
"Vào thời điểm này, tư cách thành viên ASEAN của Đông Timor rất quan trọng để họ mở rộng mối quan hệ ngoại giao cũng như kinh tế với các nước láng giềng, vì tư cách thành viên sẽ mang lại nhiều cơ hội thương mại, an ninh và xây dựng cộng đồng", Dionisio nói.
Chester Cabalza - Chủ tịch của tổ chức tư vấn Hợp tác Phát triển và An ninh Quốc tế có trụ sở tại Manila - cho biết thành công chiến lược của Philippines sẽ phụ thuộc vào sức mạnh ngoại giao của nước này với các quốc gia thành viên ASEAN khác, đặc biệt là Indonesia.
“Xét đến tình hình chính trị, Indonesia thậm chí có thể đứng về phía Philippines và gây sức ép với Đông Timor”, Cabalza nói.
Tuy nhiên, chuyên gia Dionisio cảnh báo rằng cũng có thể có mặt trái khi Manila thể hiện sức mạnh ngoại giao của mình, và điều này phản ánh không tốt về việc nước này không thể bắt giữ một nghi phạm hình sự cấp cao đang trốn tránh công lý.
“Thay vì tìm đến ASEAN trước, chính phủ Philippines nên khai thác hết và tối đa hóa các kênh ngoại giao của họ ở Đông Timor”, Dionisio nói.