
Đối với những người yêu thích xe máy ở Thụy Điển, Harley-Davidson là thương hiệu hot nhất trên đường. Rượu whisky Jack Daniel's thu hút khách hàng tại các quán rượu Anh. Ở Pháp, quần jeans Levi's cực kỳ thời trang và phong cách.
Nhưng trong bối cảnh cuộc chiến thương mại giữa Tổng thống Mỹ Trump và châu Âu đang diễn ra căng thẳng, nhiều người tiêu dùng châu Âu đang bắt đầu tránh xa các sản phẩm và dịch vụ của Mỹ, theo đánh giá mới của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).
“Mức thuế thương mại mới của Mỹ đối với hàng hóa châu Âu đang khiến người tiêu dùng châu Âu phải cân nhắc kỹ hơn về những gì có trong giỏ hàng của họ”.
Người châu Âu đã bắt đầu tẩy chay đối với nhiều sản phẩm của Mỹ, bao gồm sốt cà chua Heinz và khoai tây chiên Lay's, ngay sau khi ông Trump nhậm chức. Những lời đe dọa của ông Trump về kiểm soát Greenland (Đan Mạch) đã tiếp thêm động lực cho người dân nước này phát động nhiều chiến dịch tẩy chay trên Facebook.
Và ngay cả khi đạt được thỏa thuận thương mại, sự cảnh giác mới của châu Âu đối với đồng minh lâu năm của mình sẽ không dễ dàng được tháo gỡ. Nghiên cứu của ECB phát hiện ra rằng ngay cả khi chỉ áp dụng mức thuế 5% đối với các sản phẩm của Mỹ được bán ở châu Âu, người châu Âu vẫn có xu hướng tránh xa chúng.
ECB cho biết, người tiêu dùng châu Âu đang có xu hướng “tránh xa hoàn toàn các sản phẩm và thương hiệu của Mỹ” bất kể giá cả ra sao. Điều này đúng ngay cả với những hộ gia đình có thể chịu gánh nặng về chi phí sinh hoạt tăng.
“Họ có thể mua được các sản phẩm và dịch vụ đắt tiền hơn của Mỹ nhưng vẫn có ý thức lựa chọn các giải pháp thay thế”, ngân hàng cho biết. “Điều này cho thấy đây có thể không chỉ là phản ứng tạm thời của người tiêu dùng đối với thuế quan tăng, mà còn là tín hiệu về sự thay đổi hành vi người tiêu dùng đối với các sản phẩm và thương hiệu Mỹ”, ECB nhận định.
Ở Đức và Ý, đã có các ứng dụng quét các mặt hàng và quần áo dành cho những người không muốn mua hàng Mỹ. Ứng dụng BrandSnap thậm chí còn gợi ý các lựa chọn thay thế của châu Âu.
Trên trang Facebook “Boycott USA!” do nhóm người Pháp quản trị với 31.000 thành viên, nhiều người cho biết họ đã mua Adidas của Đức thay vì Nike và New Balance của Mỹ. Một số cũng đăng những câu chuyện về việc tránh đi du lịch đến Mỹ.
Nhiều người dân châu Âu cũng thông báo họ đã bắt đầu hủy đăng ký các dịch vụ phát trực tuyến lớn của Mỹ, bao gồm Netflix, Disney+ và Amazon Prime Video.
Một số người tiêu dùng tẩy chay Amazon than phiền trên mạng rằng giao hàng từ các nền tảng thương mại điện tử thay thế ở quốc gia của họ chậm hơn hoặc kém tin cậy hơn, nhưng họ cho biết vẫn sẽ tiếp tục tẩy chay.
Tại châu Âu, doanh số bán xe Tesla tiếp tục giảm mạnh vào tháng 4. Tại Thụy Điển, doanh số giảm 81% so với cùng kỳ năm trước. Ngoài ra, các cuộc biểu tình phản đối quan điểm chính trị của CEO Tesla Elon Musk vẫn tiếp diễn.
McDonald’s cho biết họ đang nhận thấy thái độ tiêu cực ngày càng tăng ở nước ngoài đối với các thương hiệu Mỹ, đặc biệt là ở Bắc Âu và Canada.
Tham khảo: NYT