Châu Âu công bố thời gian 'cai' khí đốt Nga, nhà cung cấp thay thế là ‘ông trùm’ quen thuộc

Admin

Trước đó châu Âu vẫn ‘chốt đơn’ 17 chuyến hàng LNG từ Nga trong tháng 4.

Theo các quan chức, Ủy ban châu Âu sẽ đặt ra thời hạn đến năm 2027 để các công ty tại châu lục này cắt đứt mọi hợp đồng năng lượng còn lại với Nga và chuyển sang các nguồn cung cấp khác. Kế hoạch này đánh dấu nỗ lực chấm dứt phụ thuộc nhiên liệu từ Nga của châu Âu sau khi xung đột giữa Moscow và Ukraine xảy ra vào đầu năm 2022.

Trong khi dầu mỏ và than đá của Nga phải chịu các lệnh trừng phạt nghiêm ngặt, EU vẫn gặp khó khăn trong việc cấm nhập khẩu khí đốt do vấp phải sự phản đối từ các quốc gia như Hungary và Slovakia với lý do làm như vậy sẽ làm tăng giá năng lượng. Các quan chức cho biết kế hoạch này yêu cầu các công ty chấm dứt mọi hợp đồng khí đốt giao ngay với các nhà cung cấp Nga vào cuối năm nay và chấm dứt mọi hợp đồng dài hạn vào năm 2027.

Các biện pháp này vẫn cần phải được đa số các quốc gia thành viên EU và quốc hội châu Âu chấp thuận để áp đặt lệnh trừng phạt khí đốt. Trong khi đó Hungary và Slovakia đã tuyên bố sẽ chặn mọi động thái trừng phạt. Ba quan chức thuộc Ủy ban cho biết Brussels cũng sẽ thúc đẩy chính quyền tăng cường giám sát các hợp đồng thương mại để theo dõi những người mua nhiên liệu của Nga.

Trước năm 2022, EU nhập khẩu khoảng hơn 20% khí đốt qua đường ống và khoảng 28% lượng dầu thô từ Nga. Sau khi xung đột diễn ra, thị phần của Nga đã giảm xuống còn khoảng 13% lượng khí đốt nhập khẩu (bao gồm cả khí đốt tự nhiên hóa lỏng) và ít hơn 3% lượng dầu nhập khẩu. Tuy nhiên số liệu thống kê cho thấy EU vẫn tăng lượng nhập khẩu LNG từ Nga, với lượng hàng xuất xưởng đạt mức kỷ lục vào năm 2024.

Theo Kpler, có 17 chuyến hàng từ nhà máy Yamal LNG ở Nga đến các điểm đến của EU vào tháng 4. Các tàu đã vận chuyển 1,2 triệu tấn LNG vào khối, với khoảng 59% hàng hóa được giao đến Pháp và 23% đến Bỉ. Phần còn lại được chuyển đến Hà Lan, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha.

Không giống như Hungary và Slovakia, các nước thành viên khác bao gồm Hà Lan và Bỉ đã tuyên bố họ sẽ ủng hộ lệnh trừng phạt khí đốt của Nga bằng cách buộc các công ty cắt giảm hợp đồng với Nga. Các quan chức cũng cho biết thêm rằng EU sẽ mua thêm LNG của Mỹ như một phần của thỏa thuận nhằm giảm thâm hụt thương mại và đảm bảo nguồn cung.

Kế hoạch loại bỏ cũng sẽ bao gồm nhiên liệu hạt nhân và phụ tùng thay thế. Phần Lan, Bulgaria, Cộng hòa Séc, Slovakia và Hungary đều phụ thuộc vào công nghệ hạt nhân của Nga ở các mức độ khác nhau. Tất cả các nước này, ngoại trừ Hungary, đều đã ký hợp đồng với công ty hạt nhân Westinghouse của Mỹ để thay thế các thanh nhiên liệu của Nga, tuy nhiên vẫn có nhiều các bộ phận khó thay thế.

Một quan chức EU cho biết lộ trình này nhằm đảm bảo các quốc gia thành viên sẽ gặp khó khăn nếu họ vẫn cố tình duy trì các hợp đồng với Nga.