Các tàu của Hải quân Hoa Kỳ sẽ được phép đi qua Kênh đào Panama miễn phí, theo lời xác nhận của một quan chức Mỹ sau chuyến thăm của Ngoại trưởng Marco Rubio tới quốc gia Trung Mỹ này vào cuối tuần qua.
Tờ Latin Times cũng dẫn lời Cơ quan quản lý kênh đào Panama cho biết họ sẽ "tối ưu hóa mức độ ưu tiên vận chuyển" của những con tàu như vậy qua tuyến đường thủy này.
Tàu Hải quân Hoa Kỳ (Ảnh: AFP)
Đây được cho là một trong những nhượng bộ mà Tổng thống Jose Raul Mulino đưa ra sau chuyến thăm Panama của Ngoại trưởng Rubio, người đã cảnh báo về "hậu quả" nếu nước này không hành động liên quan đến những gì mà chính quyền Tổng thống Donald Trump mô tả là "ảnh hưởng lớn của Trung Quốc đối với kênh đào". Ông Marco Rubio đã đến Panama hôm 1/2, mở đầu chuyến công du quốc tế đầu tiên của ông với tư cách là tân Ngoại trưởng Mỹ.
Trong khi Tổng thống Trump đe dọa sẽ giành quyền kiểm soát kênh đào từ Cơ quan quản lý kênh đào Panama, Tổng thống Mulino cho biết Ngoại trưởng Rubio "không thực sự đe dọa sẽ chiếm lại kênh đào hoặc sử dụng vũ lực để đạt được mục tiêu".
Chính phủ Panama cũng cho biết họ sẽ không gia hạn biên bản ghi nhớ với Trung Quốc về "Sáng kiến Vành đai và Con đường", dự án của nước này nhằm tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng trên nhiều châu lục.
Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio xuống máy bay tại sân bay quốc tế Panama Pacifico, Panama, ngày 1/2/2025. (Ảnh: AP)
"Chính phủ của tôi sẽ không gia hạn biên bản ghi nhớ từ năm 2017 liên quan đến Sáng kiến Vành đai và Con đường. Chúng tôi sẽ nghiên cứu khả năng hoàn thành sớm hơn nhưng tôi nghĩ cũng phải trong một hoặc hai năm vì việc gia hạn diễn ra ba năm một lần", Tổng thống Mulino nói.
Mặc dù Kênh đào Panama do chính phủ Panama giám sát điều hành, nhưng chính phủ Tổng thống Donald Trump tuyên bố Bắc Kinh gây ảnh hưởng thông qua một công ty có trụ sở tại Hong Kong (Trung Quốc), và công ty này vận hành các cảng ở cả hai đầu tuyến đường thủy.
Kênh đào Panama, với chiều dài 82 km nối liền Đại Tây Dương và Thái Bình Dương, là tuyến đường thủy có tầm quan trọng chiến lược toàn cầu. Được Mỹ xây dựng vào đầu thế kỷ 20 và chuyển giao cho Panama vào năm 1999 theo hiệp ước ký kết năm 1977 dưới thời Tổng thống Jimmy Carter, kênh đào này hiện đang phải đối mặt với nhiều thách thức, trong đó có tình trạng hạn hán kéo dài ảnh hưởng đến hoạt động vận tải.
Trong bài phát biểu nhậm chức hôm 20/1, ông Trump đã thề sẽ lấy lại Kênh đào Panama.
Chính phủ Panama đã đệ đơn khiếu nại lên Liên hợp quốc sau lời đe dọa của ông Trump, ám chỉ đến một điều khoản của Hiến chương Liên hợp quốc cấm bất kỳ thành viên nào "đe dọa hoặc sử dụng vũ lực" chống lại toàn vẹn lãnh thổ hoặc nền độc lập chính trị của nước khác.