Nhận tin giếng bị "ma ám", chuyên gia lập tức phong tỏa: Kho báu trăm năm tìm thấy sau 12 ngày khai quật

Admin

Từ tin báo của người dân, các chuyên gia Trung Quốc đã tìm thấy và khai quật thành công kho báu quý giá hàng trăm năm tuổi.

Những lời đồn đại xung quanh giếng cổ bị "ma ám"

Trên núi Kim Hoa thuộc thành phố Kim Hoa, Chiết Giang có một ngôi chùa cổ tên là Trí Giả, lịch sử ngôi chùa này có thể bắt nguồn từ thời Nam triều Lương Vũ Đế. Chùa Trí Giả tọa lạc tại tỉnh Chiết Giang được xây dựng từ năm 526, mang trong mình bề dày lịch sử gần 1.500 năm.

Thời bấy giờ, Phật giáo thịnh hành, Lương Vũ Đế vì muốn thúc đẩy Phật pháp truyền bá đã cho xây dựng rất nhiều chùa chiền. Cụm từ "Nam triều tứ bách bát thập tự" chính là sản phẩm của thời kỳ này.

Nhận tin giếng bị "ma ám", chuyên gia lập tức phong tỏa: Kho báu trăm năm tìm thấy sau 12 ngày khai quật- Ảnh 1.

Trên núi Kim Hoa thuộc thành phố Kim Hoa, Chiết Giang có một ngôi chùa cổ tên là Trí Giả. (Ảnh: Sohu)

Trong quá trình trùng tu vào năm 2016, một giếng cổ nằm trong khuôn viên chùa đã được phát hiện. 

Vào thời chưa có nước máy, bất kể giàu nghèo, người dân đều phụ thuộc vào nguồn nước ngầm để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt hàng ngày. Nhằm thuận tiện cho việc lấy nước quanh năm, người xưa đã phát minh ra giếng cổ, một công trình tưởng chừng đơn giản nhưng lại hữu dụng và trường tồn theo thời gian. Lịch sử Trung Quốc ghi nhận giếng cổ đã được sử dụng hàng nghìn năm. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của thời đại mới, một số giếng cổ bị bỏ hoang lại thu hút sự quan tâm và bàn luận của mọi người.

Giếng cổ mà chúng ta nói đến đã bị bỏ hoang nhiều năm và bị đất lấp kín, mãi sau này mới được phát hiện lại. Giếng cổ này từ lâu đã được người dân địa phương cho là giếng "ma ám", với những câu chuyện về bóng người thoắt ẩn thoắt hiện xuất hiện quanh khu vực đó.

Nhận tin giếng bị "ma ám", chuyên gia lập tức phong tỏa: Kho báu trăm năm tìm thấy sau 12 ngày khai quật- Ảnh 2.

Trong quá trình trùng tu vào năm 2016, một giếng cổ nằm trong khuôn viên chùa đã được phát hiện. (Ảnh: Sohu)

Thậm chí, có lời đồn đại về kho báu của quân Thái Bình Thiên Quốc được cất giấu dưới đáy giếng. Tương truyền, sau khi thất bại, quân Thái Bình Thiên Quốc đã chôn giấu một lượng lớn châu báu ở đâu đó trong thành phố Kim Hoa (Chiết Giang) để làm quân lương cho việc tái khởi nghĩa sau này. Tuy nhiên, vị trí chính xác của kho báu vẫn là một ẩn số. Khi tin tức về giếng cổ "ma ám" lan truyền, đội khảo cổ đã nhanh chóng có mặt tại hiện trường để tiến hành khảo sát.

Các chuyên gia khảo cổ đã tiến hành khảo sát sơ bộ giếng cổ và phát hiện kích thước của nó rất lớn, đường kính khoảng 2 mét và độ sâu hơn mười hai mét. Một giếng cổ có quy mô như vậy khó có thể do người dân bình thường xây dựng, rất có thể là do chính quyền đầu tư xây dựng. Sau khi được các cơ quan chức năng phê duyệt, đội khảo cổ đã triển khai hành động khai quật tiếp theo. Theo đó, một lượng lớn bùn đất được dọn sạch và một số bí mật dưới đáy giếng cũng dần được hé lộ. Hóa ra, nơi đây thực sự đã được sử dụng như một kho báu ngầm.

Nhận tin giếng bị "ma ám", chuyên gia lập tức phong tỏa: Kho báu trăm năm tìm thấy sau 12 ngày khai quật- Ảnh 3.

Có lời đồn đại về kho báu của quân Thái Bình Thiên Quốc được cất giấu dưới đáy giếng. (Ảnh: Sohu)

Sau khi xác định có sự tồn tại của cổ vật dưới đáy giếng, các chuyên gia khảo cổ đã lập tức phong tỏa khu vực xung quanh. Lực lượng bảo vệ được bố trí túc trực 24/24 để ngăn chặn kẻ xấu trộm cắp. Công tác bơm nước và khai quật được tiến hành khẩn trương. Khi lớp bùn đất dưới đáy giếng được dọn sạch, các chuyên gia khảo cổ đã vô cùng kinh ngạc trước số lượng lớn cổ vật thuộc bốn triều đại từ thời Tống đến thời Thanh.

Trong số hơn trăm cổ vật được tìm thấy, nổi bật nhất là chiếc bình nước bằng sứ xanh thời Tống, được xem là bảo vật quốc gia, có nguồn gốc từ lò nung Long Tuyền.

12 ngày đêm làm việc miệt mài khai quật kho báu

Trong quá trình làm việc, để nhanh chóng hoàn thành công tác khai quật, đảm bảo cổ vật được khai quật an toàn và bàn giao cho nhà nước, hàng chục nhân viên đã làm việc ngày đêm. Xung quanh khu vực khai quật luôn có nhân viên an ninh bảo vệ hiện trường. Trong môi trường áp lực cao, sau 12 ngày làm việc miệt mài, cuối cùng toàn bộ quá trình khai quật đã hoàn tất và mọi người mới thở phào nhẹ nhõm.

Có người cho rằng hành động này có phần khôi hài, bởi vì cổ vật khai quật được đều phải giao nộp cho nhà nước. Tuy nhiên, đối với các nhà khảo cổ học, thành tựu lớn nhất chính là có thể bàn giao quốc bảo an toàn cho nhà nước, dù vất vả đến đâu cũng đáng. Giá trị kinh tế của cổ vật là điều hiển nhiên, cũng khiến một số kẻ bất lương nảy sinh ý đồ xấu, vì vậy việc nhanh chóng hoàn thành công tác khai quật cũng là đạo đức nghề nghiệp của các nhà khảo cổ.

Dù đã tìm thấy nhiều cổ vật giá trị, nhưng các chuyên gia vẫn chưa thể giải thích được lý do tại sao lại có cổ vật của bốn triều đại khác nhau cùng nằm trong một giếng cổ. Liệu có phải dưới đáy giếng thực sự tồn tại kho báu của Thái Bình Thiên Quốc như lời đồn? Câu trả lời vẫn còn là một bí ẩn chưa có lời giải đáp.

Nhận tin giếng bị "ma ám", chuyên gia lập tức phong tỏa: Kho báu trăm năm tìm thấy sau 12 ngày khai quật- Ảnh 4.

Chiếc bình nước bằng sứ xanh thời Tống, được xem là bảo vật quốc gia, có nguồn gốc từ lò nung Long Tuyền. (Ảnh: Sohu)

Cuộc khai quật giếng cổ lần này không chỉ giúp con người nhận thức lại tầm quan trọng của công trình lấy nước thời cổ đại mà còn hé lộ lịch sử văn hóa phong phú ẩn giấu dưới đáy giếng bị bỏ hoang này. Thông qua phát hiện này, con người có thể hiểu thêm về đời sống, tín ngưỡng tôn giáo và trình độ nghệ thuật của xã hội cổ đại. 

Điều này cũng cung cấp cho chúng ta nhiều tư liệu quý giá hơn về quá khứ, làm phong phú thêm những manh mối về lịch sử Trung Quốc. Trong thời đại phát triển của khoa học công nghệ hiện đại, tuy chúng ta được hưởng thụ sự tiện lợi của nước máy, nhưng việc phát hiện ra giếng cổ vẫn là một lời nhắc nhở lịch sử quan trọng, giúp chúng ta trân trọng nguồn nước hơn và thêm kính phục trí tuệ của người xưa.

Nói tóm lại, cuộc khai quật giếng cổ tại chùa Trí Giả trên núi Kim Hoa không chỉ đơn thuần là một cuộc phát hiện cổ vật mà còn là một cuộc khôi phục và nhận thức lại lịch sử. Giếng cổ bị vùi lấp này không chỉ chứng kiến sự biến đổi của thời gian mà còn cung cấp cho chúng ta cơ hội nhìn lại xã hội cổ đại. Hy vọng thông qua những phát hiện khảo cổ như vậy, chúng ta có thể bảo vệ và kế thừa di sản văn hóa tốt hơn, biến chúng thành cầu nối giữa quá khứ và hiện tại, để ánh sáng lịch sử mãi mãi tỏa sáng.