Ngày hòa bình của nữ biệt động Sài Gòn

Admin

Chiến tranh đã lùi xa nhưng ký ức về ngày chiến đấu, rồi chứng kiến đất nước thống nhất, hòa bình vẫn hiện rõ mồn một trong trí nhớ của những nữ chiến sĩ biệt động Sài Gòn.

biệt động sài gòn - Ảnh 1.

Bà Nguyễn Thị Bích Nga và bà Nguyễn Thị Phương thời trẻ - Ảnh: NVCC

Ở độ tuổi còn rất trẻ, họ là những nữ chiến sĩ chấp nhận rời xa gia đình để tham gia hoạt động cách mạng, hoạt động trong lực lượng biệt động Sài Gòn. Thời bình, họ trở về làm bà, làm mẹ của người con, cháu và thường tham gia các buổi trò chuyện với những người trẻ về một thời chiến đấu hoa lửa.

Các nữ chiến sĩ ấy là bà Nguyễn Thị Bích Nga, quyền chủ nhiệm câu lạc bộ truyền thống kháng chiến khối vũ trang biệt động Quân khu Sài Gòn - Gia Định, và bà Nguyễn Thị Phương - thư ký đánh máy của tư lệnh Trần Hải Phụng.

Hướng tới kỷ niệm 50 năm

Bộ dụng cụ giải mật thư mà bà Phương đã dùng và giữ lại cho đến giờ - Ảnh: HỒ LAM

Ký ức về thời chiến của bà Phương đầy những cuộc giao tranh ác liệt: "Như khi tải đạn, tải thương từ biên giới qua chiến trường Long An nhiều khi phải giẫm lên cả thi thể đồng đội. Người ngã xuống vì bom đạn bắn liên tục, người thì vẫn tiếp tục tiến về phía trước vì nhiệm vụ", bà kể.

Ngày 30-4-1975 cùng đồng đội đi xuyên cung đường từ Củ Chi hướng về Sài Gòn, chứng kiến nhiều khu vực lần lượt giải phóng cho đến khi vào nội thành, lòng bà Phương vui mừng và nhẹ nhõm phần nào.

Bà thầm nghĩ về gia đình: "Con đã hoàn thành được nhiệm vụ, giữ lời hứa với gia đình là kiên định chiến đấu và bảo toàn được sinh mạng mình".

biệt động sài gòn - Ảnh 4.

Bà Phương khoác tấm vải dù mà bà đã mang theo suốt thời làm tải đạn, tải thương. Bà đã dùng tấm vải này để che chắn và đắp khi vận chuyển vũ khí dọc qua các tuyến đường, con rừng - Ảnh: HỒ LAM

Mấy tháng sau ngày thống nhất, bà quyết đi tìm lại gia đình mình và may mắn gặp được. "Lúc đó tôi và chị ruột gặp lại ba má và mấy đứa em mà mừng mừng tủi tủi. Ba má đưa đi giới thiệu với họ hàng, bởi khi tôi và chị tham gia chiến đấu thì phải bảo toàn mọi thông tin, xem như chúng tôi không có ở trong gia đình", bà Phương xúc động kể lại.

Có nhiều kỷ vật chiến đấu quý giá đã được bà Phương lưu giữ đến hiện tại như tấm vải dù, bộ dụng cụ giải mật thư, máy đánh chữ… Riêng với máy đánh chữ thì bà Phương đã gửi cho Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định để lưu trữ, giới thiệu cho những ai quan tâm và muốn tìm hiểu.

Tin vào lớp trẻ để dựng xây hòa bình

Là những người từng chiến đấu và tiếp tục chứng kiến đất nước đổi thay qua 50 năm kể từ ngày thống nhất, hầu hết những chiến sĩ biệt động Sài Gòn như bà Nga, bà Phương luôn có niềm tin với thế hệ trẻ đi sau mình.

Bà Nga kể gần đây bà nói chuyện với nhiều sinh viên ở các trường đại học và "mừng là các bạn trẻ rất tâm huyết với những giá trị lịch sử, truyền thống".

"Nhiều bạn trẻ còn thực hiện các dự án, chương trình nghệ thuật kịch nói về biệt động Sài Gòn, tôn vinh các giá trị lịch sử. Với sự năng động, sáng tạo, lợi thế trong việc tiếp thu kiến thức, tôi tin thế hệ con cháu của mình sẽ dựng xây một đất nước hòa bình, vững vàng hơn nữa trong kỷ nguyên mới" - bà Nga nói.

Ngày hòa bình của nữ biệt động Sài Gòn - Ảnh 1.Hồi ức của nữ Biệt động Sài Gòn duy nhất đánh vào dinh Độc Lập

Luôn sẵn sàng cống hiến vì Tổ quốc nhưng bà Chính Nghĩa chỉ xem 'đóng góp của mình như một hạt cát nhỏ bé trước biển lớn cha anh'.

Đọc tiếp Về trang Chủ đề