Muốn mở lại đường ống để tiếp tục nhận khí đốt Nga, EU phải đối mặt với ‘lầm tưởng’ suốt hàng thập kỷ: Năng lượng của Moscow chưa bao giờ có giá rẻ

Admin

Trong bối cảnh các quan chức EU cân nhắc khả năng tái khởi động đường ống nhập khẩu khí đốt Nga để thoả thuận với Ukraine, họ đang đối mặt với một thực tế: Khí đốt của Nga chưa từng và sẽ không có giá rẻ.

Trong nhiều thập kỷ, các chính trị gia và giám đốc điều hành ngành năng lượng của châu Âu đều “gán mác” cho khí đốt Nga là giá rẻ so với các nguồn cung thay thế, chẳng hạn như khí đốt của Na Uy. Tuy nhiên, đây là quan điểm dễ gây hiểu lầm.

Châu Âu là thị trường trọng điểm đối với năng lượng của Nga trong hầu hết 6 thập kỷ qua. Trong giai đoạn này, sự phụ thuộc của châu Âu vào khí đốt Nga liên tục tăng lên. 2 bên đã xây dựng một mạng lưới đường ống phức tạp, giúp củng cố mối quan hệ chính trị và kinh tế giữa các khu vực.

Nhập khẩu khí đốt của Nga qua đường ống chiếm khoảng 1/3 nhu cầu khí đốt của châu Âu vào năm 2021. Tuy nhiên, nguồn cung sụt giảm nhanh chóng sau khi mâu thuẫn Nga - Ukraine xảy ra vào tháng 2/2022.

Theo hãng nghiên cứu Bruegel, nhập khẩu khí đốt Nga của châu Âu đã giảm xuống còn 18% trong tổng khối lượng nhập khẩu vào năm 2024, trong khi năm 2021 là 42%. Con số này tiếp tục giảm sau khi thoả thuận trung chuyển khí đốt qua Ukraine kết thúc vào đầu năm nay.

Tình trạng gián đoạn nguồn cung đã khiến giá năng lượng ở EU tăng vọt, khiến nhiều doanh nghiệp chật vật để duy trì khả năng cạnh tranh. Tổng lượng tiêu thụ khí đốt đã giảm 20% trong khối từ năm 2021 đến 2023, buộc các chính phủ phải hỗ trợ tài chính.

EU đã đối mặt với cuộc khủng hoảng này bằng cách nhập khẩu thêm khí đốt từ Na Uy và LNG từ nước ngoài, đặc biệt là Mỹ. Nhờ đó, giá khí đốt trở về mức thấp hơn vào giữa năm 2023.

Những sự kiện này cho thấy nguồn cung khí đốt dồi dào từ Nga đã giúp EU điều chỉnh giá khí đốt. Tuy nhiên, điều này lại không có nghĩa là khí đốt của Nga từ trước đến nay đều rẻ.

Quan điểm cho rằng khí đốt Nga rẻ hơn so với các nguồn cung khác có từ thời Chiến tranh Lạnh. Tây Đức đã khí một thoả thuận mới với Liên Xô vào năm 1970 để mua khí đốt tự nhiên và đổi lấy nguồn cung ống thép, được gọi là thoả thuận “ống thép đổi khí đốt”. Thoả thuận này còn được gọi là “thoả thuận của thế kỷ” vì giúp hạ giá năng lượng ở Đức. Ý và Pháp cũng đạt được thoả thuận tương tự vào những năm 1980.

Tuy nhiên, ngay cả trong thời kỳ Liên Xô, giá khí đốt xuất khẩu vào châu Âu được giao dịch dựa theo giá tại thị trường Hà Lan chứ không phải giá thấp như khi mua vào.

Sau khi Liên Xô sụp đổ, Gazprom và các đối tác ở EU đã sử dụng các hợp đồng cung cấp hiện đại hơn, sử dụng cơ chế định giá tham chiếu dựa trên giá khí đốt ở châu Âu, giống như giá dầu thô Brent. Trong những thập kỷ sau đó, giá khí đốt Nga còn cao hơn giá trên thị trường giao ngay của châu Âu, đôi khi do sự cạnh tranh ngày càng lớn ở nước ngoài và xu hướng năng lượng tái tạo.

Đến năm 2010, các bên mua ở châu Âu đã đàm phán lại các điều khoản cho hợp đồng dài hạn, một phần là do lo ngại về giá cả. Các hợp đồng mới được giao dịch dựa theo giá tham chiếu của châu Âu như TFF của Hà Lan. Ngược lại, người mua đồng ý với một hệ thống yêu cầu thanh toán cho Gazprom để cung cấp ngay cả khi họ không cần.

Nhờ nguồn cung lớn từ Nga, các nguồn thay thế khác có nhu cầu ít hơn, điều này giúp ổn định giá chung. Với khối lượng lớn khí đốt qua đường ống mà Gazprom cung cấp cho châu Âu, Nga có lợi thế là chi phí vận chuyển thấp hơn so với các nguồn cung khác như LNG.

Tuy nhiên, sau đó khí đốt Nga lại được định giá bằng các cơ chế tương tự như các nguồn cung cạnh tranh khác.

Theo Mike Fulwood, chuyên của Viện Nghiên cứu Năng lượng Oxford, dù châu Âu, đặc biệt là Đức, có thể đã phụ thuộc quá nhiều vào khí đốt Nga nhưng xét đến khối lượng nhập khẩu thì giá không hề rẻ.

Mặc dù Liên minh châu Âu không đưa ra lệnh cấm mua khí đốt qua đường ống của Nga, nhưng khu vực này khó có thể sớm nối lại hoạt động nhập khẩu ở quy mô gần với mức trước năm 2022. Nguyên nhân là do có sự phản đối mạnh mẽ từ các thành viên chủ chốt của EU.

Song, việc tái khởi động nhập khẩu khí đốt Nga qua đường ống thì giá khí đốt ở khối này vẫn khó hạ nhiệt, vì thị trường khí đốt toàn cầu đã thay đổi đáng kể từ năm 2022.

Châu Âu cần phải định giá khí đốt bán buôn ở mức cho phép cạnh tranh với các thị trường khác về nguồn cung LNG. Vì vậy, dù khí đốt của Nga có giá rẻ đến đâu, thì giá bán vào thị trường châu Âu cũng không thể thấp hơn giá nhập khẩu LNG.

Tham khảo Reuters