DeepSeek lan đến ‘bát cơm sắt’ của hàng triệu công chức Trung Quốc, rút gọn thủ tục hành chính từ 5 ngày còn vài phút, tỷ lệ chính xác trên 95%: Liệu có trở thành mối đe doạ thất nghiệp?

Admin

Sau khi các công ty công nghệ nhanh chóng áp dụng DeepSeek, chính quyền địa phương khắp Trung Quốc cũng bắt đầu triển khai nền tảng AI nguồn mở để tự động hóa các dịch vụ công.

Ở đất nước tỷ dân, những công việc nhà nước được gọi là "bát cơm sắt" vì ổn định, quyền lợi được đảm bảo. Nhưng hiện tại, Trung Quốc đã bắt đầu triển khai các mô hình DeepSeek để hỗ trợ công việc của chính quyền và giải quyết nhu cầu của người dân, gây lo ngại về việc AI thay thế con người.

Từ Hohhot ở Khu tự trị Nội Mông phía bắc Trung Quốc đến Quảng Châu ở tỉnh Quảng Đông phía nam, các thành phố trên khắp Trung Quốc đang triển khai AI hỗ trợ DeepSeek trong các nền tảng đám mây để tự động hóa quản trị, xử lý từ giấy tờ hành chính đến dịch vụ công.

Vào ngày 16/2, trung tâm công nghệ phía nam Thâm Quyến là một trong những thành phố mới nhất tích hợp DeepSeek. Tại Quận Phúc Điền của thành phố, 70 "công chức" do AI điều khiển hiện đang xử lý 11 hạng mục hành chính.

Được đào tạo cho các nhiệm vụ chuyên biệt và được thiết kế riêng cho từng bộ phận, các hệ thống AI này hiện quản lý 240 quy trình hành chính, bao gồm xử lý tài liệu, dịch vụ dân sự, ứng phó khẩn cấp và thúc đẩy đầu tư.

Ví dụ, khi soạn thảo các hình phạt hành chính, hệ thống sẽ tạo bản thảo trong vòng vài giây sau khi hồ sơ vụ việc được tải lên . Theo báo cáo của quận, việc chuẩn bị tài liệu hiện chỉ mất vài phút thay vì 5 ngày như trước đây. Tỷ lệ chính xác trên 95%, cắt giảm 90% thời gian xác minh.

Thời gian phản hồi của dịch vụ công cũng được cải thiện, với độ chính xác trong phân loại yêu cầu tăng từ 70% lên 95%. Trợ lý đầu tư hỗ trợ AI của quận đã giúp tăng hiệu quả lựa chọn công ty lên 30%.

"Bằng cách kết hợp 120 triệu điểm dữ liệu trong gần một thập kỷ với nền tảng điện toán của chúng tôi, chúng tôi có thể đạt được hiệu quả cao hơn", Gao Zeng, một quan chức của Quận Phúc Điền, cho biết.

Mặc dù AI được gọi là “nhân viên” và đóng vai trò ngày một quan trọng trong lĩnh vực công, các quan chức cho biết AI có mục đích hỗ trợ chứ không phải thay thế người lao động. Phúc Điền yêu cầu mỗi hệ thống AI phải có một giám sát viên phụ trách để ngăn lỗi và đảm bảo các tiêu chuẩn đạo đức.

Các chuyên gia cho biết AI sẽ ngày càng được ứng dụng nhiều trong các dịch vụ của chính phủ nhờ những mô hình giá rẻ như DeepSeek.

Giáo sư kinh tế Wu Yin tại Đại học Tài chính và Kinh tế Tây Nam cho biết: “Các dịch vụ của chính phủ phải cung cấp chất lượng cao nhất với chi phí thấp nhất”. Và DeepSeek đã giúp việc tích hợp AI vào các dịch vụ công dễ dàng hơn.

Theo SixthTone