
Nhà văn Nguyễn Phan Quế Mai
Đã có nhiều lần, mẹ mang theo đứa con của mình trong bụng nhảy xuống hầm trú ẩn cá nhân để tránh bom.
Mẹ kể về những lần mẹ phải đưa học sinh của mình đi sơ tán trên núi cao, vừa tránh bom vừa giảng bài.
Mẹ kể về những năm dài đằng đẵng khi mẹ mong ngóng người anh ruột của mình - bác Hải - người đi bộ đội vào Nam, tham gia chiến trận.
Mẹ kể về hạnh phúc vô biên của ngày 30-4-1975, khi nhận được tin chiến tranh kết thúc.
Những hố bom và khát khao hòa bình
Tôi đã nhìn thấy những mong mỏi về một hòa bình vĩnh cửu không chỉ ở Việt Nam mà trên trái đất qua những câu chuyện mẹ kể. Hòa bình ấy sẽ đảm bảo được rằng không có người mẹ nào trên địa cầu bị mất con bởi chiến tranh.
Tôi cũng nhìn thấy những mong mỏi về hòa bình vĩnh cửu từ ánh mắt của những người bà, người mẹ, người vợ, người chị ở làng Khương Dụ của tôi.
Trong những năm tháng tuổi thơ, tôi đã lặng nhìn những người phụ nữ ấy ngày ngày đứng trước ngõ chờ những người đàn ông của gia đình trở về từ cuộc chiến.
Họ cứ đợi chờ, ngày qua ngày, tháng qua tháng, năm qua năm. Tôi nhìn thấy đau thương của chiến tranh trong dải khăn tang của gia đình có người thân vĩnh viễn không về, trong những thân thể không lành lặn của các cựu chiến binh.
Năm 1978, cô gái nhỏ 6 tuổi là tôi đã lên tàu cùng cha mẹ đi từ Bắc vào Nam, để tạo lập một cuộc sống mới ở vùng cực nam của Tổ quốc - Bạc Liêu. Hằn vào tâm trí tôi là những hố bom khổng lồ vẫn nằm đó giữa những cánh đồng lúa xanh rì.
Khi đi qua cầu Hiền Lương, chiếc cầu đã chia cắt Việt Nam thành hai nửa trong suốt 20 năm của cuộc chiến, nhiều người lớn xung quanh tôi bật khóc. Ở những giọt nước mắt của họ, tôi nhìn thấy ước vọng hòa bình, rằng Việt Nam sẽ không bao giờ chịu cảnh đầu rơi máu đổ bởi chiến tranh.
Tôi đã khát khao hòa bình trên cánh đồng lúa của gia đình tôi ở Bạc Liêu. Cánh đồng đó nằm trên một con đê mà cha tôi đã tự tay khai hoang, cùng mẹ tôi và các anh tôi. Cánh đồng ấy từng là trường tập bắn của quân đội Việt Nam cộng hòa. Khi khai hoang, vỡ đất để trồng lúa, trồng đậu, chúng tôi đã phải đào lên hàng ngàn vỏ đạn.
Chạm vào những vỏ đạn và cả những viên đạn chưa nổ, tôi rùng mình như chạm vào cái chết. Và tôi thầm ước rằng một ngày nào đó trên trái đất này, tất cả mọi người sẽ buông súng xuống và trò chuyện với nhau. Và tình yêu, sự thấu hiểu sẽ hóa giải bạo lực.
Hành trình kể những câu chuyện hòa bình
Trong ký ức những ngày đầu ở Bạc Liêu của tôi là hình ảnh một người phụ nữ bán khoai, một mình với đôi quang gánh trĩu nặng, cô độc đi. Dường như bà đã đi từ một nơi rất xa để có thể đến được con đường chạy qua trước nhà tôi.
Chân bà đi đôi dép lê đã rách, khô nẻ cùng bụi đất. Mẹ tôi luôn mua của bà, bởi mẹ biết bà có hai người con trai ra chiến trận chưa trở về. Bà chưa nhận được giấy báo tử và cứ mãi ngóng trông. Năm tháng trôi qua, khi sự chờ đợi hao kiệt, bà đã tự chọn cho mình một sự kết thúc. Một ngày, trên đường đi học, tôi nhìn thấy thi thể bà trên cây.
Bà đã đem theo sự chờ đợi sang thế giới bên kia. Tôi đã đứng đó, lặng nhìn đôi chân khô nẻ của bà. Và tôi tưởng tượng bà đã đi suốt cuộc đời mình để tìm kiếm hòa bình. Tôi đã mang nỗi đau của bà vào trong những trang viết của tôi.
Hai tiểu thuyết đầu tay của tôi, The Mountains Sing (Sơn Ca) và Dust Child (tựa đề tiếng Việt dự kiến: Bí mật dưới tán cây bồ đề), nói về những mất mát của những người phụ nữ khi phải đi qua chiến tranh, dù người thân của họ phải chiến đấu cho bất cứ phe nào.

Sách của Nguyễn Phan Quế Mai đã được dịch ra nhiều thứ tiếng
Hai quyển sách The Mountains Sing và Dust Child chính là khởi đầu của tôi trong hành trình phác thảo nên những câu chuyện về hòa bình. Trong The Mountains Sing, Hương, một cô bé 12 tuổi, phải sống sót sau những đợt bom Mỹ giội xuống Hà Nội vào năm 1972. Cô mong mỏi nhìn thấy hòa bình bởi cả cha mẹ đã phải rời xa gia đình, tham gia chiến tranh.
Cô tự nhủ: "Hòa Bình là hai từ thiêng liêng trên đôi cánh những con chim bồ câu được vẽ trên bức tường lớp học của tôi. Hòa Bình mang màu xanh trong giấc mơ của tôi - màu xanh của đoàn tụ khi cha mẹ tôi được trở về nhà. Hòa Bình là điều gì đó đơn giản, vô hình, nhưng lại có giá trị nhất đối với chúng tôi".
Tôi đã chọn người kể chuyện về hòa bình là một cô bé 12 tuổi bởi khi còn nhỏ, con người ta còn có tâm hồn rộng mở. Hương từng căm ghét những người Mỹ bởi những con người đó đã từng giội bom xuống Khâm Thiên nơi gia đình cô ở.
Nhưng rồi khi đọc những quyển sách của người Mỹ, cô nhận ra người Mỹ hay người Việt cũng đều yêu thương gia đình, đều trân trọng những giờ phút bình yên.
Và cô tự nhủ: "Tôi ước rằng mọi người trên trái đất này lắng nghe những câu chuyện của nhau, đọc sách của nhau và nhìn thấy ánh sáng của các nền văn hóa khác. Nếu mọi người đều làm như vậy, sẽ không có chiến tranh trên trái đất này".
Trong quyển sách Dust Child, tôi có những nhân vật phải đi qua sự tàn khốc của chiến tranh để nhận ra giá trị của hòa bình.
Trong đó nhân vật Dan Ashland là cựu phi công trực thăng, người đã tham gia thảm sát những đứa trẻ vô tội trong chiến tranh ở Việt Nam. Khi trở lại Việt Nam 47 năm sau, vào năm 2016, ông vô cùng đau khổ và đã tìm được ánh sáng của sự tha thứ trong những người Việt Nam yêu hòa bình và giàu lòng vị tha.
Trong hành trình ra mắt hai quyển sách trên, tôi đã nhận được hàng trăm lá thư của độc giả - những người là các cựu binh, những nạn nhân chiến tranh. Họ đã chia sẻ với tôi những hình ảnh và câu chuyện trải nghiệm của họ và gia đình. Họ đã cho tôi thấy rằng: tôi không đơn độc trong hành trình kể những câu chuyện của hòa bình.
Trong quá trình kể những câu chuyện hòa bình đó, tôi không thể không nhắc đến những người mẹ, người chị, người bà. Có lẽ những người phụ nữ là những người chịu thiệt thòi, đau khổ nhất bởi chiến tranh.
Tôi đã chạm tay vào nỗi đau khổ đó trong tiếng thét thất thanh của một người phụ nữ lần đầu tiên tôi đến Quảng Trị. Ngày hôm đó, tôi đang ngồi nghỉ chân tại quán trà bên đường cùng với những người bạn Úc - những người da trắng, tóc vàng, khi tiếng thét ấy làm chúng tôi giật thót mình.
Ngước lên, tôi nhìn thấy người phụ nữ không quần áo, trần truồng, chạy về phía chúng tôi, gào lên với những người bạn nước ngoài của tôi rằng họ phải trả người thân lại cho bà. Những người dân làng sau đó đã kéo bà đi, rồi người bán trà nói với chúng tôi rằng, người phụ nữ đã mất cả chồng và con trong trận bom Mỹ giội xuống Quảng Trị.
Cú sốc quá lớn khiến bà hóa điên, suốt ngày đi tìm chồng tìm con. Nước mắt của người phụ nữ đã thấm vào những trang viết của tôi, và tôi ước ao gì có thể quay ngược lại thời gian, để có thể làm gì đó giúp xoa dịu nỗi đau của bà.
Tháng 4 này, kỷ niệm 50 năm kết thúc chiến tranh, tập thơ The Color of Peace (Màu hòa bình), tập thơ tôi trực tiếp viết bằng tiếng Anh, ra mắt ở Mỹ. Tập thơ có bài thơ "Quảng Trị" với những câu thơ như tiếng khóc của người phụ nữ vẫn vẳng lại từ nhiều năm về trước: "Người mẹ chạy về phía chúng tôi/ Tên hai đứa con tràn hai hốc mắt/ Mẹ gào lên "Con tôi ở đâu?"/ Người mẹ chạy về phía chúng tôi/ Tên chồng mẹ lõm sâu lồng ngực/ Mẹ gào lên "Trả chồng cho tôi!".
Tập thơ Màu hòa bình còn mang câu chuyện của bạn tôi, anh Trung, tới bạn đọc quốc tế. Tôi từng chứng kiến bạn mình lặng lẽ thắp hương trước di ảnh của cha. Di ảnh ấy chụp một chàng trai còn rất trẻ: cha của Trung đã hy sinh trong chiến tranh mà chưa biết được mặt con trai. Trong nhiều thập kỷ, Trung đã lặn lội khắp nơi để tìm mộ của cha.
Bao chuyến đi xuyên qua rừng núi, bao nỗ lực đều vô vọng. Mẹ của Trung ngày một già đi, và có ước ao duy nhất trước ngày bà nhắm mắt xuôi tay: tìm được hài cốt của chồng. Câu chuyện của Trung đã khiến tôi phải viết bài thơ Hai nẻo trời và đất, xuất hiện trong tập Màu hòa bình:
HAI NẺO TRỜI VÀ ĐẤT
Trắng trời những ngôi mộ vô danh
Trắng đất những người con đi tìm mộ bố
Mưa tả tơi xuống họ
Những đứa con chưa biết mặt cha
Những người cha không thể trở về nhà
Tiếng gọi "con" còn chôn sâu trong ngực
Tiếng gọi "cha" hơn 30 năm thao thức
Đêm nay tôi nghe tiếng chân cha và con từ hai nẻo trời và đất
Những bước chân rần rật
Lần tìm về nhau
Những bước chân cạn máu
Lạc nhau qua triệu dặm đường
Lạc nhau qua nghìn thế kỷ
Mỗi bàn chân tôi đặt trên đất nước đang đặt lên bao nhiêu thân thể lạnh khói hương trong lòng đất?
Dẫm lên bao nhiêu biển nước mắt của những người con chưa tìm được mộ cha mình?
Màu trắng của