Liên minh Trump - Netanyahu có dấu hiệu rạn nứt?

Admin

Trong bối cảnh chiến sự Gaza leo thang và vấn đề hạt nhân Iran nóng trở lại, quan hệ giữa hai nhà lãnh đạo đang xuất hiện những rạn nứt khó che giấu.

Những toan tính khác biệt

Cùng là những nhà lãnh đạo cứng rắn và có cá tính mạnh,  Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu từng là cặp đôi quyền lực đầy ăn ý.

Khi ông Trump tiếp đón Thủ tướng Netanyahu tại Nhà Trắng hồi tháng 2, cả hai dường như tỏ ra đồng thuận trên nhiều mặt trận. Ông Trump khi đó tuyên bố liệt lực lượng Houthi do Iran hậu thuẫn ở Yemen là tổ chức khủng bố, đồng thời chia sẻ lập trường cứng rắn với Tehran. Ông thậm chí còn úp mở về khả năng trục xuất người Palestine khỏi Dải Gaza.

"Ông ấy nói ra những điều người khác không dám nói" - ông Netanyahu nói đầy ngưỡng mộ trong Phòng Bầu dục. "Rồi mọi người sẽ ngẫm lại và thừa nhận: "Ông ấy nói đúng".

Tuy nhiên, chỉ hai tháng sau, trong cuộc gặp tiếp theo tại Nhà Trắng, bầu không khí đã hoàn toàn khác. Ông Trump nói liên tục trong hơn nửa giờ về các chủ đề không liên quan đến Israel, còn ông Netanyahu gần như im lặng. Cuộc gặp có phần phơi bày rõ sự bất đồng đang ngày một lớn giữa hai đồng minh lâu năm.

Liên minh Trump - Netanyahu có dấu hiệu rạn nứt?- Ảnh 1.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu được ví như một cặp đôi quyền lực đầy ăn ý. (Ảnh: NYT)

Trở lại chính trường với chuyến công du Trung Đông đầu tiên kể từ khi nhậm chức nhiệm kỳ tổng thống thứ hai, ông Trump khiến đồng minh Israel bất ngờ khi không tán thành đề xuất hành động quân sự chung nhằm phá hủy chương trình hạt nhân của Iran - kế hoạch được ông Netanyahu theo đuổi nhiều năm. Thay vào đó, ông Trump chọn đối thoại với Tehran trong bối cảnh đàm phán hạt nhân Mỹ - Iran đã bước qua vòng thứ tư, khiến ông Netanyahu đưa ra cảnh báo: "Một thỏa thuận tồi còn tệ hơn không có thỏa thuận nào!".

Không dừng lại ở đó, tuần qua, ông Trump còn công bố đạt được thỏa thuận với lực lượng Houthi ở Yemen: Mỹ sẽ ngừng không kích, đổi lại Houthi cam kết không tấn công tàu bè Mỹ trên Biển Đỏ. Nhưng chỉ vài ngày trước đó, một tên lửa Houthi đã tấn công sân bay chính ở Tel Aviv, buộc Israel phải đáp trả.

Phản ứng trên mạng xã hội X, ông Netanyahu tuyên bố: "Israel sẽ tự bảo vệ mình. Nếu có sự tham gia của Mỹ, sẽ càng tốt. Còn nếu không, chúng tôi vẫn sẽ chiến đấu".

Tuy nhiên, phát biểu trên truyền hình Israel, Đại sứ Mỹ tại nước này - ông Mike Huckabee thẳng thừng nói: "Hoa Kỳ không có nghĩa vụ phải xin phép Israel".

Dải Gaza - Mối chia rẽ mới

Dù ông Trump nhìn chung vẫn ủng hộ chiến dịch quân sự của Israel tại Dải Gaza, bao gồm cả việc phong tỏa viện trợ lương thực và thuốc men, nhưng các đặc phái viên của ông lại đang tích cực thúc đẩy một thỏa thuận ngừng bắn. Điều này đi ngược với tuyên bố mở rộng chiến dịch quân sự của ông Netanyahu đầu tuần qua.

Khác với cựu Tổng thống Joe Biden, người từng công khai chỉ trích chiến lược Gaza của Israel, ông Trump vẫn giữ thái độ dè chừng hơn. Song theo các nhà phân tích, quan hệ Trump –Netanyahu, vốn từng được ví như "tri kỷ chính trị", đang trải qua giai đoạn thử thách khốc liệt.

"Ông Trump là người bộc trực, nói thẳng. Ông Netanyahu thì kín tiếng, ít chia sẻ" - ông Eli Groner, cựu Giám đốc Văn phòng Thủ tướng Israel, nhận định.

Cả hai từng nhiều lần ca ngợi mối quan hệ cá nhân thân thiết như một minh chứng cho thành công chính trị. Họ đều là những chính khách đối đầu với các cơ quan quyền lực trong nước, từ tư pháp đến truyền thông. Ông Trump nhiều lần công kích FBI và ngành tư pháp Mỹ, còn ông Netanyahu đang bị xét xử vì cáo buộc tham nhũng và lạm quyền, mà ông cho rằng là "mưu đồ chính trị".

Theo ông John Bolton - cựu Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ ông Trump coi quan hệ với ông Netanyahu là yếu tố then chốt để duy trì sự ủng hộ của cộng đồng Tin Lành bảo thủ, lực lượng hậu thuẫn quan trọng trong nội bộ Đảng Cộng hòa. Tuy nhiên, sau "ánh đèn sân khấu", bất đồng vẫn hiện hữu. Ông Trump từng tỏ ra tức giận khi ông Netanyahu chúc mừng cựu Tổng thống Joe Biden thắng cử năm 2020.

Liên minh Trump - Netanyahu có dấu hiệu rạn nứt?- Ảnh 2.

Một cuộc biểu tình tại Tel Aviv kêu gọi chính phủ Israel chấm dứt chiến tranh và hành động để đảm bảo việc thả các con tin Israel đang bị giam giữ ở Dải Gaza. (Ảnh: AFP/Getty Images)

Ngược lại, ông Netanyahu ngày càng mất niềm tin vào khả năng Trump sẽ thực hiện hành động quân sự với Iran. Một tờ báo thân Netanyahu gần đây viết: "Ông Trump chỉ nói hay, chứ không làm gì cả".

Khác biệt lớn nhất giữa hai nhà lãnh đạo là yếu tố thời gian. Ông Trump muốn đàm phán để kiềm chế Iran mà không cần chiến tranh, trong khi ông Netanyahu thì không còn kiên nhẫn.

Trong chuyến công du Vùng Vịnh đang diễn ra, ông Trump không có kế hoạch dừng chân tại Israel - khác hẳn nhiệm kỳ đầu, khi Israel là điểm đến đầu tiên. =

Chưa rõ ông Trump sẽ xử lý chiến sự Gaza ra sao như ông từng tuyên bố sẽ chấm dứt cuộc chiến Israel - Hamas, giải thoát con tin và "chấm dứt khổ đau của người Palestine" - điều mà Tổng thống Mỹ hy vọng sẽ giúp ông đoạt giải Nobel Hòa bình.

Tuy nhiên, các tuyên bố này ngày càng ít xuất hiện. Ông Trump gần đây không còn phát biểu mạnh miệng về giải pháp cho Gaza như trước, bao gồm cả đề xuất "biến Gaza thành Riviera nếu người Palestine được tái định cư ở nơi khác".

Theo Bộ Y tế Gaza, hơn 50.000 người Palestine đã thiệt mạng kể từ khi xung đột nổ ra ngày 7/10/2023. Israel xác nhận đã thu hồi thi thể của ít nhất 40 con tin, trong khi khoảng 24 người vẫn còn sống.

Một số gia đình con tin được cho là đang âm thầm vận động thông qua nhiều tổ chức quốc tế để ông Trump gây sức ép với Thủ tướng Netanyahu trong chuyến thăm Trung Đông sắp tới. Tuy nhiên, không nhiều người tin rằng ông Netanyahu sẽ nhượng bộ.

Theo NY Times, Reuters