Lễ hội Khai hạ - Cầu an tại lăng Lê Văn Duyệt, mong vạn vật phát triển thái hòa
Sáng 4-2, lễ hội Khai hạ - Cầu an diễn ra tại lăng Lê Văn Duyệt, gồm nhiều nghi lễ trang trọng như: khai hạ, khai bút, khai ấn, dâng hương... với ý nghĩa bày tỏ lòng tôn kính bậc tiền nhân có công khai hoang mở đất, cầu vạn vật phát triển thái hòa.
Bí thư Quận ủy quận Bình Thạnh Vũ Ngọc Tuất thực hiện nghi lễ khai bút
Đến dự lễ hội có Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ; Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TP.HCM Trần Kim Yến; Phó chủ tịch UBND TP.HCM Trần Thị Diệu Thúy cùng đại diện các sở, ban ngành TP.HCM, UBND 20 quận huyện và TP Thủ Đức.
Ngoài ra còn có lãnh đạo, nguyên lãnh đạo các ban ngành, hậu duệ gia tộc Đức Tả quân Lê Văn Duyệt…
Trong bài chia sẻ trước các phần nghi lễ, ông Lê Văn Ngọc - trưởng ban quản lý lăng Lê Văn Duyệt - cho biết:
"Theo tục lệ xa xưa, ngày mùng 7 là ngày lễ hạ nêu.
Đức Tả quân Lê Văn Duyệt đã chọn ngày này làm ngày Khai hạ, duyệt binh đầu năm, cũng là ngày khai sơn, khai bút, khai ấn để cầu cho mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an.
Lễ hội gồm nhiều nội dung phong phú, gắn liền với các dấu ấn của nền văn minh Việt cổ, cũng là hoạt động văn hóa, tín ngưỡng không thể thiếu của đồng bào, đặc biệt mang ý nghĩa tôn kính các vị tiền nhân, tưởng nhớ những người đã có công khai hoang lập đất, cầu mong cho vạn vật phát triển thuận lợi, mùa màng tươi tốt, cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Qua nhiều năm tháng, lễ hội Khai hạ đã đi sâu vào tâm thức cộng đồng và được bảo tồn, gìn giữ, thu hút đông đảo người dân địa phương và du khách về tham dự mỗi mùa lễ hội".
Ngoài các phần nghi lễ trang trọng, nghiêm túc như: mời trầu, rượu và tặng lộc; khai bút; khai ấn; dâng hương… thì còn có phần hội bao gồm nhiều hoạt động thú vị như: triển lãm ảnh nghệ thuật - kiến trúc; viết thư pháp; múa lân; quan họ Bắc Ninh; dân ca; đờn ca tài tử; hát bội; xin chữ đầu năm…
Phát động thêm Tết trồng cây
Trao đổi với báo chí, trưởng ban quý tế lăng Đức Tả quân
Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ dâng hương
Tại sự kiện, Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường TP.HCM đã trao tặng hai cây xanh để trồng lưu niệm tại di tích lịch sử quốc gia Lăng Đức Tả quân Lê Văn Duyệt, đồng thời trao tặng 1.500 cây cho các đoàn viên, thanh niên.
Đã gần ba năm kể từ khi Lễ hội Khai hạ - Cầu an tại lăng Lê Văn Duyệt được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, ông Trần Văn Sung nói điều này là động lực để ban tổ chức phát triển, lan tỏa những nét đẹp văn hóa truyền thống đến với người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ.
"Bên cạnh việc tổ chức, quản lý, trách nhiệm của chúng tôi còn là trao truyền lại những giá trị tốt đẹp cho thế hệ trẻ. Tôi cho rằng nếu người trẻ còn muốn tìm hiểu về những điều này thì có nghĩa là văn hóa truyền thống vẫn chưa mất đi".