Là một phần của siêu dự án quốc gia, sáng kiến này sẽ chứng minh sự phát triển của giàn khoan thông minh siêu sâu 15.000 mét (15 km) đầu tiên của Trung Quốc. Dự án do Viện Hàn lâm Khoa học Địa chất Trung Quốc dẫn đầu với sự hợp tác của nhiều trường đại học, viện nghiên cứu và doanh nghiệp.
Hãng tin Xinhua cho biết: “Dự án Khoa học và Công nghệ Quốc gia Deep Earth là một chiến lược hướng tới tương lai, chạm tới những giới hạn khoa học toàn cầu đồng thời đảm bảo an ninh năng lượng và tài nguyên quốc gia”.
Tại cuộc họp khởi động dự án gần đây ở Bắc Kinh, các tổ chức tham gia được khuyến khích "tận dụng hệ thống nghiên cứu quốc gia tập trung của Trung Quốc" để thúc đẩy đổi mới phối hợp trên khắp chính phủ, ngành công nghiệp, các trường và các viện nghiên cứu.
Theo hãng tin của Trung Quốc, mục tiêu là "tạo ra những đột phá khoa học độc đáo, mang tính bước ngoặt và tiên tiến sớm nhất có thể" và thiết lập chuẩn mực cho các sáng kiến khác về Trái đất.
Đại học Cát Lâm, một trong những đơn vị tham gia dự án, đã nêu ra một số thách thức công nghệ. Chúng bao gồm yêu cầu kiểm soát bùn nhiệt độ cao thông minh, phối hợp tự động các mũi khoan siêu dài với các đơn vị robot và hệ thống dây cáp thông minh có khả năng hoạt động ở độ sâu hơn 10.000 mét.
Hiện tại, giếng khoan sâu nhất của Trung Quốc là 11.000 mét, cũng là giếng sâu thứ hai thế giới. Tổng công ty Dầu khí Quốc gia Trung Quốc đã hoàn thành khoan giếng này vào tháng 3 năm ngoái tại Tân Cương.
Giếng sâu nhất thế giới là giếng Z-44 Chayvo của Nga với độ sâu 15.000 mét, được khoan trên thềm Sakhalin ở miền đông nước này. Cùng với hai giếng khoan sâu khác trong khu vực, các địa điểm này có trữ lượng tổng cộng khoảng 2,3 tỷ thùng dầu và 480 tỷ mét khối khí đốt tự nhiên.
Hiện tại, sâu bên trong Trái đất vẫn là một môi trường đầy bí ẩn và thử thách chờ được khám phá. Ở độ sâu 10.000 mét, nhiệt độ có thể vượt 260 độ C và áp suất có thể trên 1.100 megapascal. Điều này khiến công nghệ khoan và vật liệu gặp nhiều giới hạn, khiến việc khám phá bên trong Trái đất thậm chí còn khó khăn hơn việc khám phá đáy đại dương hoặc vũ trụ.
Các dự án khoan siêu sâu có ý nghĩa quan trọng đối với an ninh năng lượng toàn cầu. Ở Trung Quốc, trữ lượng dầu khí sâu chiếm khoảng 34% tổng nguồn tài nguyên của đất nước. Các mỏ lớn tập trung ở các khu vực như lưu vực Tarim và Tứ Xuyên. Việc khai mở các nguồn tài nguyên này có thể giúp Trung Quốc giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu năng lượng nước ngoài và cải thiện sự độc lập về năng lượng trong dài hạn.
Tham vọng khám phá lòng đất của Trung Quốc không mới. Theo Viện Khoa học Địa chất Trung Quốc, kể từ những năm 1980, nước này đã tham gia vào hoạt động hợp tác địa chất quốc tế, bao gồm cả hợp tác với Mỹ và Pháp để nghiên cứu các khu vực Himalaya và Tây Tạng.
Gần đây hơn, Trung Quốc đã đề xuất dự án CT Trái Đất, nhằm mục đích tạo ra một hệ thống hình ảnh cắt lớp hoàn hảo về vỏ Trái Đất.
Ngoài khoan trên đất liền, Trung Quốc cũng đã có những bước tiến trong thăm dò ngoài khơi. Năm 2023, Trung Quốc này đã công bố tàu khoan đại dương đầu tiên do nước này tự đóng có tên Mengxiang hay Dream, có khả năng đạt độ sâu 11.000 mét. Đây là một trong những tàu khoan tiên tiến nhất thế giới.
Theo SCMP