3 năm sau khi mâu thuẫn Nga - Ukraine nổ ra, nỗ lực loại bỏ dần sự phụ thuộc vào LNG của Nga đã thất bại tại Brussels. Nhiều thông tin cho thấy Uỷ ban châu Âu (EC) sẽ không thể đưa ra đề xuất cấm khí đốt Nga trong một phần của gói trừng phạt thứ 16 sắp tới.
Diễn biến này có thể là khởi đầu cho sự thay đổi lớn hơn đối với năng lượng Nga. EC cũng đã lùi lộ trình loại bỏ dần tất cả các loại nhiên liệu của Nga trong 1 tháng. Một số quốc gia thành viên hiện cũng đang thảo luận về khả năng quay trở lại với khí đốt Nga khi mâu thuẫn với Kyiv kết thúc.
Theo nguồn tin thân cận, tuần trước, một giám đốc điều hành cấp cao của nhà sản xuất LNG lớn nhất Nga, Novatek, đã đến Brussels để thảo luận về các chính sách năng lượng với một số nhóm nghiên và viện chính sách, song chưa có tổ chức nào chấp thuận đề xuất. Hiện chưa rõ liệu Novatek có gặp các quan chức EU hay quốc gia thành viên nào hay không.
Hiện tại, Brussels vẫn chưa có kế hoạch hành động rõ ràng. Trong khi đó, nhóm gồm 10 quốc gia EU, do các nước Bắc Âu và một số nước Đông Âu dẫn đầu, đang ủng hộ lệnh cấm hoàn toàn LNG của Nga. Tuy nhiên, đề xuất này khó có thể nhận được sự nhất trí của 27 quốc gia thành viên.
Quyết định không sử dụng LNG Nga của EC là dấu hiệu cho thấy sự chia rẽ trong quan điểm giữa 27 quốc gia thành viên. 10 nước - bao gồm các quốc gia Bắc Âu và Baltic, không nhập khẩu LNG của Nga, đã kêu gọi Uỷ ban ban hành lệnh cấm vào tháng trước.
Mối lo ngại về an ninh nguồn cung và sự ổn định giá cả giữa các quốc gia thành viên phụ thuộc nhiều hơn vào LNG của Nga - chủ yếu là Pháp, Tây Ban Nha và Bỉ, đã lại “trở thành bóng ma ám ảnh” vào mùa đông năm nay, gây cản trở cho đề xuất trên.
Giá khí đốt trên khắp EU vẫn cao hơn nhiều so với hầu hết các khu vực trên thế giới. Nhiệt độ giảm xuống thấp đã khiến kho dự trữ khí đốt bị rút cạn nhanh hơn so với 2 mùa đông trước. Trong khi đó, lệnh trừng phạt mới của Mỹ nhắm đến các nhà máy LNG nhỏ hơn của Nga cũng khiến thị trường rung chuyển và giá khí đốt cũng ngay lập tức tăng vọt.
Tác động từ vòng trừng phạt của chính quyền Biden trước khi mãn nhiệm có thể đã khiến EU mất dần động lực tự áp các lệnh trừng phạt của riêng khối với Nga.
Hơn nữa, các cuộc thảo luận tại Brussels cũng nhắc đến yếu tố không chắc chắn về tác động của lệnh cấm trung chuyển sắp tới của EU. Bắt đầu từ cuối tháng 3, LNG của Nga có thể sẽ không còn được vận chuyển đến các cảng của EU để xuất khẩu đi nơi khác nữa.
Biện pháp này nhằm hạn chế khả năng vận chuyển khí đốt Nga đến những nơi xa qua các cảng của EU. Tuy nhiên, nếu không có các quy định hạn chế nhập khẩu, các lô hàng từng được xuất khẩu đi nơi khác có thể vẫn được giữ lại và bán vào thị trường EU.
Dữ liệu mới nhất cho thấy điều này có thể thực sự diễn ra vào tháng 3. Doanh số bán LNG giao ngay của Nga liên tục tăng cho đến năm 2025, tăng từ 23% vào năm 2023 lên 33% vào năm 2024. Đáng chú ý là, nếu giá khí đốt giao ngay vẫn ở mức cao, EU sẽ càng nhập khẩu LNG của Nga nhiều hơn sau lệnh cấm trung chuyển trên so với trước đây, các nhà phân tích đã cảnh báo.
Tham khảo HNN