Khủng hoảng chip không làm Samsung mất ngôi vua: Sắp thâu tóm công ty robot 3 nghìn tỷ won, quyết không bỏ lỡ thị trường màu mỡ với 8 triệu sản phẩm

Admin

Sau khi trở thành cổ đông lớn nhất của công ty này, Samsung hy vọng có thể củng cố vị thế của mình.

Tỷ phú người Hàn Quốc Jay Y. Lee có kế hoạch mua thêm cổ phần Rainbow Robotics được niêm yết trên Kosdaq với giá hơn 267 tỷ won (khoảng 180 triệu USD). Sau khi trở thành cổ đông lớn nhất của công ty này, Samsung hy vọng có thể củng cố vị thế của mình trong lĩnh vực robot AI đang phát triển.

Rainbow Robotics, có trụ sở tại Daejeon, phía nam Seoul, cho biết Samsung Electronics sẽ tăng cổ phần của mình trong công ty từ 14,7% lên 35%. Thỏa thuận dự kiến hoàn tất vào ngày 17 tháng 2 sau khi chính phủ chấp thuận. Được biết Samsung Electronics lần đầu tiên mua 10,22% cổ phần Rainbow Robotics vào tháng 1 năm 2023 với giá khoảng 59 tỷ won.

Cổ đông lớn nhất hiện tại là Oh Jun-ho, 70 tuổi, một trong những đồng sáng lập Rainbow Robotics, với 17,37% cổ phần. Nếu thỏa thuận diễn ra theo đúng kế hoạch, cổ phần của Oh sẽ giảm xuống còn 7,78%. Vợ con ông cũng đồng sở hữu cổ phần trong công ty có vốn hóa thị trường 3,16 nghìn tỷ won này.

Sau khi thỏa thuận hoàn tất, Rainbow Robotics sẽ trở thành công ty con của Samsung Electronics. Kết quả tài chính của công ty sẽ được hợp nhất vào báo cáo của Samsung Electronics, theo tuyên bố của tập đoàn công nghệ.

“Bằng cách kết hợp công nghệ AI, phần mềm của Samsung Electronics với công nghệ robot của Rainbow Robotics, quá trình phát triển robot hình người tiên tiến thông minh sẽ được thúc đẩy”, Samsung Electronics cho biết.

“Với sự hợp tác này, Samsung có kế hoạch sử dụng robot cộng tác, robot di động hai tay và robot di động tự động của Rainbow Robotics cho các nhiệm vụ tự động hóa sản xuất và hậu cần”, Samsung Electronics nói. “Những con robot này có thể cải thiện đáng kể khả năng làm việc bằng cách học và phân tích dữ liệu tình huống thông qua các thuật toán AI”.

Rainbow Robotics được thành lập vào năm 2011 bởi một nhóm từ Trung tâm nghiên cứu robot hình người Viện khoa học và công nghệ tiên tiến Hàn Quốc - trường đại học khoa học và công nghệ hàng đầu xứ sở kim chi. Nhóm phát triển thành công robot đi bộ hai chân đầu tiên của Hàn Quốc, có tên là Hubo, vào năm 2005.

Samsung không phải công ty duy nhất đầu tư mạnh mẽ vào robot hình người. Các tập đoàn lớn khác cũng đang phát triển doanh nghiệp robot của riêng mình, trong đó, Hyundai Motor của tỷ phú Euisun Chung quyết định xuống tiền mua cổ phần kiểm soát tại Boston Dynamics từ SoftBank Group vào năm 2009, định giá nhà sản xuất robot này ở mức khoảng 1,1 tỷ USD. Gần đây hơn, vào tháng 10, Boston Dynamics cũng công bố quan hệ đối tác với Viện nghiên cứu Toyota để phát triển robot hình người AI.

Về tiềm năng của thị trường, năm 2040 dự kiến có khoảng 8 triệu robot hình người. Đến năm 2050, con số này có thể tăng lên 63 triệu, theo Morgan Stanley. Adam Jonas, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu về ô tô và không gian tại Morgan Stanley nhận xét: “Khi lực lượng lao động ở các nền kinh tế phát triển tiếp tục suy giảm, robot hình người có thể trở thành giải pháp cần thiết cho những ngành vốn đã gặp khó khăn trong việc thu hút đủ lao động để duy trì năng suất”.

Cũng theo Morgan Stanley, mỗi robot hình người có thể tiết kiệm 500.000 đến 1 triệu USD/lao động trong vòng 20 năm. Chi phí chế tạo robot hình người dao động từ 10.000 đến 300.000 USD, tùy thuộc vào cấu hình và mục đích sử dụng.

Việc phát triển robot hình người cần sự tiến bộ liên tục của công nghệ AI tạo sinh, cảm biến và pin. Dù vẫn đang ở giai đoạn đầu, những tiến bộ gần đây đã mang lại động lực đáng kể. Morgan Stanley nhận định: “Robot sẽ tiếp tục hỗ trợ và nâng cao năng suất lao động con người, giải phóng chúng ta khỏi những công việc nhàm chán và nguy hiểm”.

Theo các chuyên gia, trong bối cảnh hoạt động kinh doanh chip ảm đạm, Samsung buộc phải tìm cho mình đường lui để không đánh mất danh xưng tập đoàn công nghệ hàng đầu. Gã khổng lồ đang gặp khó khăn này được cho là sẽ lên kế hoạch tiếp tục thu hẹp quy mô sản xuất tại xưởng đúc. Bộ phận bán dẫn hiện đang tạm thời đóng cửa một số dây chuyền sản xuất nhằm ứng phó với lượng đơn đặt hàng yếu đi từ các công ty công nghệ Mỹ và các công ty không có nhà máy sản xuất tại Trung Quốc.

Các nhà phân tích dự đoán mảng đúc chip của Samsung đã chịu khoản lỗ khoảng 1 nghìn tỷ won trong quý III. Điều này khiến công ty buộc phải thực hiện các biện pháp cắt giảm chi phí bằng cách đóng cửa một số dây chuyền sản xuất.

Động thái làm dấy lên lo ngại về việc liệu khoảng cách về công nghệ giữa Samsung với công ty đúc chip hàng đầu TSMC có đang gia tăng. Lee Jong-hwan, giáo sư kỹ thuật bán dẫn hệ thống tại Đại học Sangmyung, nhận xét rằng trong khi Samsung dường như ưu tiên chip nhớ, bộ phận đúc đã bị gạt sang một bên.

Theo: Forbes, Yohap