Hồ nước mang tên "Biển Aral" từng nằm trên biên giới giữa hai quốc gia Trung Á Kazakhstan và Uzbekistan, và là vùng nước nội địa lớn thứ tư trên hành tinh, được cung cấp nguồn nước bởi các con sông Amu Darya và Syr Darya. Vào những năm 1960, khi cả hai quốc gia đều là một phần của Liên Xô, chính phủ hai bên đã quyết định chuyển hướng hai con sông cung cấp nước cho Biển Aral để có nguồn nước tưới cho các dự án nông nghiệp mới, chủ yếu phục vụ việc trồng bông ở Uzbekistan.
Nhưng khi việc tưới tiêu giúp những bông hoa nở trên sa mạc, thì nó lại gây ra hậu quả thảm khốc: nước bị ô nhiễm bởi phân bón và thuốc trừ sâu. Theo Đài quan sát Trái đất của NASA, các loài cá phong phú trong vùng nước đã bị giết chết bởi độ mặn của nước, và hai thập kỷ sau, nó đã tách thành hai hồ khác nhau khi nước tiếp tục bị chuyển hướng. Đến những năm 2010, các khu vực rộng lớn đã hoàn toàn khô cạn.

Phần lớn Biển Aral bị khô cạn hoàn toàn. (Ảnh: Getty Images)
Sự phá hủy nhanh chóng đối với nguồn nước và hệ sinh thái đã gây ra thảm họa cho ngành đánh bắt cá tại khu vực này, đồng thời để lại một sa mạc nhân tạo khổng lồ, hiện được gọi là Sa mạc Aralkum. Cho đến ngày nay, người ta vẫn có thể nhìn thấy những con tàu vận chuyển bị bỏ hoang, những di tích rỉ sét của một ngành công nghiệp đánh bắt cá từng rất nhộn nhịp.
Các nhà nghiên cứu cho biết vùng đất hoang mạc được tạo ra còn gây ra những tác động về sức khỏe cho cộng đồng cư dân trong khu vực.

Hình vệ tinh của Biển Aral năm 1989 và năm 2024. (Ảnh: NASA)
Trong một báo cáo, các chuyên gia tại Viện nghiên cứu tầng đối lưu Leibniz (TROPOS) và Đại học Freie Universität Berlin đã viết: "Bụi không chỉ gây nguy hiểm cho người dân mà còn ảnh hưởng đến chất lượng không khí ở thủ đô Tajikistan và Turkmenistan".
Trong ảnh vệ tinh mới do Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) công bố hôm 4/4, hồ Aral Nhỏ phía bắc (nằm phía trên hồ Aral Lớn) bị băng bao phủ. Phần phía tây của hồ Aral Lớn chỉ còn là một dải nhỏ hẹp, trong khi phần phía đông gần như đã biến mất, để lại một vùng đất mặn khô cằn. Vùng đất này chính là sa mạc Aralkum - sa mạc trẻ nhất Trái Đất.
Mặc dù Nam Aral được cho là đã khô cạn phần lớn vào thời điểm này, nhưng việc Kazakhstan xây dựng một con đập đã khiến mực nước ở Bắc Aral phục hồi đáng kể, theo Đài quan sát Trái đất.