Goldman Sachs: Thuế năng lượng 10% của Mỹ có thể gây thiệt hại 10 tỷ USD mỗi năm

Admin

Goldman Sachs vừa cho biết, mức thuế dầu thô 10% được đề xuất của Mỹ có thể khiến các nhà sản xuất nước ngoài thiệt hại 10 tỷ USD mỗi năm,

Nguyên nhân là do dầu thô nặng của Canada và Mỹ Latinh vẫn phụ thuộc vào các nhà máy lọc dầu của Mỹ do hạn chế về năng lực chế biến và người mua thay thế.

Các nhà phân tích và những người tham gia thị trường cho biết, các mức thuế quan mới mà Tổng thống Mỹ Donald Trump áp đặt lên dầu nhập khẩu từ Canada và Mexico sẽ tạo lợi thế cạnh tranh cho các nhà máy lọc dầu châu Âu và châu Á so với các đối thủ ở Mỹ.

Tổng thống Mỹ Donald Trump có kế hoạch áp thuế 25% đối với dầu thô của Mexico và 10% đối với dầu thô của Canada bắt đầu từ tháng 3 tới, chậm hơn so với đề xuất ban đầu của ông.

Bất chấp điều này, Goldman dự kiến Mỹ vẫn sẽ là điểm đến chính của dầu thô nặng vì năng lực lọc dầu tiên tiến và chi phí thấp tiếp tục khiến các nhà lọc dầu của Mỹ trở thành người mua cạnh tranh nhất.

Goldman ước tính, giá dầu nhẹ sẽ cần tăng 50 cent/thùng để khiến dầu thô trung bình từ Trung Đông hấp dẫn hơn đối với các nhà lọc dầu châu Á, vì các nhà lọc dầu Bờ Vịnh Mỹ ưu tiên dầu thô nhẹ trong nước hơn dầu thô trung bình nhập khẩu.

Trong khi đó, ngân hàng đầu tư ước tính người tiêu dùng Mỹ sẽ phải chịu chi phí thuế quan hàng năm là 22 tỷ USD, trong khi chính phủ sẽ tạo ra 20 tỷ USD doanh thu.

Goldman cho biết, các nhà lọc dầu và thương nhân có thể thu được lợi nhuận 12 tỷ USD bằng cách liên kết dầu thô nhẹ của Mỹ và dầu thô nặng nước ngoài đang được giảm giá với các thị trường ven biển cao cấp.

Công ty môi giới lưu ý rằng Canada - quốc gia xuất khẩu dầu hàng đầu sang Mỹ, có khả năng sẽ tiếp tục chứng kiến 3,8 triệu thùng dầu mỗi ngày xuất khẩu qua đường ống tiếp tục được duy trì, với giá giảm để bù đắp cho tác động của thuế quan.

Tương tự như vậy, 1,2 triệu thùng dầu thô nặng nhập khẩu bằng đường biển mỗi ngày từ Canada và các nước Mỹ Latinh bao gồm Mexico và Venezuela sẽ được giảm giá để bù đắp cho khoản thuế, đảm bảo dòng dầu tiếp tục chảy vào Mỹ.

Trong khi thuế quan có thể định hình lại dòng chảy thương mại, Goldman nhấn mạnh rằng, các nhà sản xuất Canada, với tư cách là "người bán bị bắt giữ" với số lượng người mua thay thế hạn chế, sẽ buộc phải chịu phần lớn gánh nặng thuế quan thông qua việc giảm giá để duy trì khả năng cạnh tranh trên thị trường Mỹ.

Theo Oilprice sáng ngày 22/2, giá dầu WTI ở mốc 71,01 USD/thùng, giảm 2,03% (tương đương giảm 1,47 USD/thùng). Tương tự, giá dầu Brent ở mốc 75,09 USD/thùng, giảm 1,82% (tương đương giảm 1,39 USD/thùng).

Giá dầu giảm 2% vào hôm 21/2, nhưng vẫn đang trên đà tăng trong tuần do tình trạng gián đoạn nguồn cung ở Nga, trong khi sự không chắc chắn đang bao trùm lên một thỏa thuận hòa bình tiềm năng ở Ukraine.

Các nhà phân tích đang kỳ vọng Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đồng minh (OPEC+) sẽ một lần nữa trì hoãn việc cắt giảm sản lượng trong bối cảnh giá dầu thô vẫn ở mức dưới 80 USD/thùng.

Các nhà phân tích của JPMorgan cũng dự kiến, thời tiết lạnh giá ở Mỹ và hoạt động công nghiệp tăng cao sau kỳ nghỉ lễ ở Trung Quốc sẽ thúc đẩy nguồn cầu tăng cao hơn trong tuần tới.