Tỷ lệ nợ thẻ tín dụng quá hạn tăng mạnh
Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) chi nhánh New York vừa công bố dữ liệu cho thấy, tỷ lệ nợ thẻ tín dụng quá hạn nghiêm trọng (quá hạn ít nhất 90 ngày) đã tăng lên 11% trong quý IV/2024.
Đáng chú ý, theo Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) chi nhánh New York, con số này đã tăng 4% trong 2 năm qua và trở lại mức cao nhất trong 13 năm qua, thời điểm tỷ lệ thất nghiệp cao gấp đôi so với hiện tại. Tỷ lệ nợ quá hạn đối với các khoản vay mua ô tô cũng tăng lên mức cao nhất trong 4 năm, đạt 5%.
Thực tế cho thấy, trước cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007 - 2009, tỷ lệ nợ quá hạn từng là một cảnh báo sớm về tình trạng tài chính tồi tệ của người tiêu dùng. Song, tình trạng không thanh toán nợ hiện tại phản ánh sự phân hóa trong tài chính của các hộ gia đình Mỹ, không chỉ giữa những người vay, mà còn giữa các tổ chức cho vay, một phần là do lãi suất tăng.
Bên cạnh đó, lãi suất trung bình của thẻ tín dụng đã tăng từ dưới 15% vào năm 2021 lên hơn 21% hiện tại - đây là mức cao nhất trong lịch sử hiện đại. Trong khi chủ sở hữu nhà hưởng lợi nhờ các khoản thế chấp dài hạn, người vay thẻ tín dụng phải đối mặt với tác động gần như ngay lập tức.
Người trẻ tuổi gặp khó khăn trầm trọng về tài chính
Tình trạng nợ quá hạn hiện nay tập trung ở một nhóm người vay có đặc điểm chung về tuổi tác, địa điểm sinh sống và lịch sử tín dụng. Phần lớn những người gặp khó khăn là người trẻ tuổi. Khoảng 11% người vay trong độ tuổi 18-29 và 9% người vay trong độ tuổi 30-39 đã rơi vào tình trạng quá hạn nghiêm trọng trong quý cuối năm ngoái, so với chỉ 5% ở độ tuổi 60.
Bên cạnh đó, khảo sát cho thấy, những người gặp khó khăn về nợ thường sinh sống ở những khu vực nghèo nhất của Mỹ.
Các nhà nghiên cứu Juan Sánchez và Mataska Mori thuộc Fed chi nhánh St Louis cho biết, tỷ lệ người có nợ thẻ tín dụng quá hạn ít nhất 30 ngày ở 10% khu dân cư nghèo nhất đã tăng gần 7%, lên 18% từ giữa năm 2021 đến cuối năm ngoái. Trong khi đó, tỷ lệ này ở 10% khu dân cư giàu nhất chỉ tăng dưới 2%, lên 6%. Khoảng cách giữa hai nhóm này hiện lớn nhất trong ít nhất 25 năm qua.
Mặc dù tình hình là như vậy, các chuyên gia cho rằng tình hình tài chính của phần lớn các hộ gia đình Mỹ vẫn ở trong tình trạng tương đối ổn định.
Thống kê cho thấy, tỷ lệ dư nợ trên thu nhập khả dụng cá nhân chỉ ở mức khoảng 6%, tương đương với mức trung bình trong 15 năm qua và thấp hơn nhiều so với mức 8% trong giai đoạn "vay mượn dễ dàng" đầu những năm 2000.
Các tổ chức cho vay đối mặt nhiều thách thức
Ở một diễn biến khác, các tổ chức cho vay ở Mỹ cũng đang đối mặt với những thách thức khác nhau. Các ngân hàng nhỏ báo cáo tỷ lệ nợ quá hạn cao hơn gấp đôi so với 100 ngân hàng lớn nhất.
Công ty tư vấn Javelin Strategy & Research cho biết, trước áp lực cạnh tranh, các ngân hàng nhỏ đã tích cực cho vay những khách hàng có điểm tín dụng thấp từ trước đại dịch Covid-19. Do đó, họ phải đối mặt với tỷ lệ xóa nợ cao hơn. Trong khi đó, những ngân hàng nhỏ thường thiếu nguồn lực để theo dõi chặt chẽ điểm tín dụng của khách hàng và giải quyết nhanh chóng các khoản nợ quá hạn.
Theo quy luật, khi nợ xấu gia tăng, các ngân hàng cuối cùng cũng bắt đầu thắt chặt tiêu chuẩn cho vay. Ngày càng có nhiều thẻ tín dụng được phát hành cho những người vay có điểm tín dụng tốt, trong khi tỷ lệ phát hành cho người vay có rủi ro cao hơn giảm xuống.
Công ty xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings dự báo, tỷ lệ nợ quá hạn sẽ ngừng tăng trong năm nay, điều này sẽ giúp giảm bớt sức ép cho các ngân hàng. Song, khi lãi suất còn ở mức cao, những người vay đang gặp khó khăn sẽ tiếp tục đối mặt với một tương lai đầy thách thức.../.