EU gặp khó về đất hiếm

Admin

Châu Âu đang nỗ lực cạnh tranh với Trung Quốc trong lĩnh vực sản xuất đất hiếm nhưng phải đối mặt nhiều thách thức.

Theo Đạo luật Nguyên liệu thô quan trọng (CRMA) có hiệu lực vào tháng 5, Liên minh châu Âu (EU) đã đặt ra các mục tiêu đầy tham vọng vào năm 2030 đối với việc sản xuất khoáng sản cần thiết cho tiến trình chuyển đổi xanh. 

Khối này xem đất hiếm là một trong những khoáng chất quan trọng nhất do chúng được sử dụng trong nam châm vĩnh cửu cung cấp năng lượng cho động cơ trong xe điện và tua-bin gió.

Các bao chứa hợp chất đất hiếm trong nhà máy chế biến đất hiếm tại La Rochelle - Pháp Ảnh: REUTERS

Các bao chứa hợp chất đất hiếm trong nhà máy chế biến đất hiếm tại La Rochelle - Pháp Ảnh: REUTERS

Nhu cầu về đất hiếm của EU được dự báo tăng gấp 6 lần trong thập kỷ tính đến năm 2030 và gấp 7 lần vào năm 2050. Tuy nhiên, EU nhiều khả năng khó đạt được hầu hết mục tiêu về đất hiếm trong CRMA, dẫn đến những ảnh hưởng đối với mục tiêu "phát thải carbon bằng 0" của EU. 

Thêm vào đó, khối này có thể phụ thuộc nhiều hơn nữa vào Trung Quốc về đất hiếm. Trung Quốc hiện chiếm tới 98% lượng nam châm vĩnh cửu làm từ đất hiếm nhập khẩu của EU. Nước này hiện còn thống trị thị trường đất hiếm thế giới do chi phí sản xuất thấp hơn phương Tây và có sự hỗ trợ của chính phủ.

Dựa trên phân tích của Reuters, sản lượng khai thác đất hiếm từ các mỏ của EU vào năm 2030 sẽ rất ít. Việc tăng sản lượng đất hiếm còn gặp những trở ngại như sự phản đối của công chúng đối với các mỏ mới, sự hỗ trợ dè dặt của ngành công nghiệp châu Âu vốn được hưởng lợi từ hàng nhập khẩu giá rẻ của Trung Quốc, nguồn vốn hạn chế, nhu cầu không chắc chắn khi tăng trưởng của doanh số xe điện chững lại... 

Phát ngôn viên Ủy ban châu Âu cho biết không thể xác nhận thông tin của Reuters nhưng nói thêm EU sẽ nỗ lực hết sức để thúc đẩy các dự án giúp đạt những mục tiêu đề ra trong CRMA.