Dự báo mới về diễn biến của giá dầu thô thế giới

Admin

Chính sách đối ngoại cứng rắn của Mỹ tại các điểm nóng xung đột có thể khiến thị trường dầu thô thế giới thắt chặt hơn trong năm 2025.

Trao đổi với Báo Người Lao Động, ông Nguyễn Đức Dũng, Phó Tổng giám đốc Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), nhấn mạnh điều này.

Dự báo mới về diễn biến của giá dầu thô thế giới- Ảnh 1.

Ông Nguyễn Đức Dũng - Phó Tổng giám đốc Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)

Sáng nay 4-2, trên các trang giao dịch giá dầu thô thế giới như TradingEconomics và Oilprice, giá dầu thô thế giới các loại bắt đầu xu hướng suy giảm sau phiên bật tăng ngày đầu tuần.

Cụ thể, giá dầu WTI giao dịch quanh mức 72,4 USD/thùng, giảm 0,08 USD/thùng theo ngày; giá dầu Brent giao dịch quanh mức 75,58 USD/thùng, giảm 0,09 USD/thùng so với ngày hôm qua. Giá dầu thô WTI giảm 0,11% theo ngày, trong khi giá dầu Brent giảm 0,12%.

Theo đại diện MXV, trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2025 được dự báo đứng ở mức 2,8% tương đương với năm ngoái và doanh số xe điện trong tháng 12-2024 tăng 25,6% so với cùng kỳ năm 2023, giá dầu thế giới trong năm nay tiếp tục chịu áp lực lớn từ triển vọng tiêu thụ ảm đạm.

Nếu không có những bước ngoặt lớn thay đổi chính sách kinh tế, thương mại của các cường quốc hay xung đột địa chính trị lan rộng bất ngờ thì giá dầu thế giới sẽ ổn định trong khoảng 65 - 80 USD/thùng.

Mặc dù giá dầu sẽ được hỗ trợ ngắn hạn từ căng thẳng địa chính trị giữa Nga và Ukraine, nhưng rủi ro gián đoạn nguồn cung khó đẩy được giá vượt mốc 100 USD/thùng như thời điểm tháng 3-2022 khi xung đột giữa hai nước nổ ra.

Nguyên nhân do thị trường dự kiến sẽ dư thừa khoảng 1 triệu thùng dầu trong năm nay và một số thành viên OPEC+ có thể kết thúc cắt giảm sản lượng vào đầu quý II-2025.

Ngoài ra, thỏa thuận chấm dứt cuộc chiến tại Gaza giữa Israel và Hamas đang dần đạt được tiếng nói chung. Vì vậy, giá dầu năm nay sẽ ít được nâng đỡ nhờ căng thẳng địa chính trị tại Trung Đông.

Đặc biệt, năm 2025 đánh dấu sự trở lại Nhà Trắng của ông Donald Trump, kèm theo những thay đổi trong chính sách thuế quan và đối ngoại.

 "Tôi cho rằng, với vai trò là nền kinh tế lớn nhất thế giới, những quyết định của Chính phủ Mỹ có tầm ảnh hưởng lớn tới cân bằng cung - cầu và xu hướng giá dầu" - ông Dũng nói.

Theo Phó Tổng giám đốc MXV, thông thường giá xăng dầu trong nước sẽ diễn biến đồng pha với giá thế giới.

Vì vậy, những diễn biến trên thị trường dầu thô toàn cầu như chính sách chính trị, kinh tế, thương mại, năng lượng; yếu tố cung - cầu sẽ tác động lên giá mặt hàng này trong năm nay.

Đại diện MXV đánh giá biến động địa chính trị và quyết định chính sách của Tổng thống Mỹ ông Donald Trump sẽ là hai yếu tố then chốt tác động lên diễn biến mặt hàng này trong năm 2025.

"Chính sách đối ngoại cứng rắn của Mỹ tại các điểm nóng xung đột có thể khiến thị trường dầu thô thế giới thắt chặt hơn trong năm 2025" – ông Dũng nhấn mạnh.

Ở kỳ điều hành đầu tiên sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, ngày 1-2 (mùng 4 Tết), Liên Bộ Công Thương - Tài chính quyết định giảm giá xăng dầu trong nước, trong đó dầu diesel giảm tới 948 đồng/lít.

Theo cơ quan điều hành, giá xăng dầu trong nước chịu tác động từ thị trường thế giới. Các yếu tố gồm: Dự trữ dầu thô của Mỹ tăng lên, chính sách thuế của Mỹ do Tổng thống Mỹ đưa ra đối với một số quốc gia, cuộc họp sắp tới của OPEC+ về kế hoạch tăng nguồn cung; xung đột quân sự giữa Nga với Ukraine vẫn tiếp diễn…

Các yếu tố nêu trên khiến giá xăng dầu thế giới trong những ngày vừa qua có diễn biến tăng, giảm tùy từng mặt hàng, nhưng xu hướng chung là giảm.