Đề xuất chi 20 tỉ đồng để xây dựng một bộ luật, đại biểu Quốc hội nói "con số to quá"

Admin

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Phương Thủy băn khoăn về đề xuất mức khoán chi cho công tác xây dựng luật.

Chiều 15-5, thảo luận tại tổ Hà Nội về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt, tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật (dự thảo nghị quyết), đại biểu Nguyễn Phương Thủy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội, cho biết các kỳ họp gần đây, chúng ta đều đặt vấn đề về tháo gỡ điểm nghẽn trong thể chế. Quốc hội, Chính phủ cùng các cơ quan đã dành sự ưu tiên, đầu tư lớn cho công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật.

Đề xuất chi 20 tỉ đồng để xây dựng một bộ luật, đại biểu Quốc hội nói "con số to quá"- Ảnh 1.

Đại biểu Nguyễn Phương Thủy tham gia thảo luận tổ chiều 15-5

Nghị quyết 66 của Bộ Chính trị về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới, và sắp tới là nghị quyết này của Quốc hội ban hành, sẽ thể hiện sự quan tâm, động viên rất lớn cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, những người trực tiếp làm công tác xây dựng pháp luật. Dự thảo Nghị quyết cũng đưa ra các cơ chế, chính sách có thể nói là "chưa từng có" để tạo thuận lợi tối đa cho công tác xây dựng và thi hành pháp luật.

Tuy nhiên, đi vào cụ thể dự thảo, Nghị quyết tập trung nhiều vào các cơ chế, chính sách cho công tác xây dựng pháp luật, còn công tác thi hành pháp luật lại mờ nhạt. Theo đại biểu Thủy, dự thảo chưa thể hiện rõ yêu cầu về kiểm soát quyền lực, phòng, chống lãng phí, tiêu cực, lợi ích nhóm trong công tác xây dựng và thi hành pháp luật. Ở dự thảo, nêu khá nhiều các cơ chế, chính sách mang tính hỗ trợ cho công tác xây dựng pháp luật như đầu tư ngân sách, khoán chi, bổ sung thu nhập cho người hoạt động thường xuyên, liên tục trong lĩnh vực này.

"Ngay cả cái khái niệm thế nào là trực tiếp, liên tục cũng còn ý kiến khác nhau. Các quy định để kiểm soát việc này, để tránh lãng phí thì chưa được nhấn mạnh ở trong dự thảo"- đại biểu Thủy cho hay.

Một vấn đề được đại biểu đặc biệt quan tâm là tổng mức chi trong công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, điều ước quốc tế được nêu trong phụ lục hồ sơ dự thảo Nghị quyết của Chính phủ trình.

Trong dự thảo nghị quyết, cho áp dụng cơ chế khoán chi đối với một nhiệm vụ, đặc biệt là trong việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. "Phụ lục kèm theo đã kể tên các loại văn bản và mức khoán được áp dụng, có tỉ lệ phân chia giữa công tác xây dựng, công tác thẩm tra, hoàn thiện văn bản"- đại biểu Thủy nói và cho biết khi tiếp cận văn bản này, bà băn khoăn liệu có "nhầm lẫn" hay "sai" không, nhưng khi Bộ Tư pháp giải trình, thì các con số đó không sai. Cá nhân bà Thủy đánh giá "con số to quá" (mức khoán chi - PV).

Đại biểu Nguyễn Phương Thủy dẫn chứng từ phụ lục, đối với xây dựng một bộ luật mới, bộ luật thay thế bộ luật hiện hành, dự kiến tổng mức chi cho xây dựng văn bản và thẩm tra đến lúc thông qua là 20 tỉ đồng; đối với 1 dự án luật là 18 tỉ đồng; đối với một luật sửa đổi, bổ sung một số điều có nội dung liên quan đến quyền con người, quyền công dân thì mức chi là 9 tỉ đồng.

"Tức là con số thực sự rất lớn"- đại biểu Thủy băn khoăn và cho biết cá nhân bà cũng nằm trong hệ thống công tác xây dựng pháp luật đến nay đã gần 30 năm, kinh nghiệm cho thấy mức chi cho toàn bộ hoạt động một dự án luật như Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Bầu cử chưa đến tiền tỉ đồng, nói gì đến mấy chục tỉ đồng.

Do đó, vị đại biểu đoàn TP Hà Nội đặt vấn đề cơ sở nào để xác định tổng mức chi cho xây dựng luật lớn như vậy. Trong khi đó, đội ngũ cán bộ làm công tác này đã được đầu tư, hưởng lương ngân sách nhà nước, hưởng những chế độ khác có tính chất hỗ trợ, ưu đãi.

Theo như lý giải tại tờ trình, bà Thủy cho biết cơ quan soạn thảo đang so sánh công tác xây dựng pháp luật như những dự án về đầu tư công. Vị đại biểu cho biết cơ quan soạn thảo đã liệt kê các công việc trong quá trình xây dựng pháp luật để thuyết minh cho các mức đề xuất chi nêu trên, nhưng chưa thuyết phục.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội đề nghị xem xét, cân nhắc vấn đề này và có cơ chế giám sát, kiểm soát để đảm bảo chi hiệu quả, phù hợp, tạo ra hiệu quả thiết thực cho văn bản được xây dựng.

Nâng cao chất lượng xây dựng pháp luật, ngoài yếu tố về nguồn lực tài chính, theo bà Thuỷ, còn nhiều yếu tố khác. "Bây giờ chúng ta đưa ra định mức chi cao như thế, nhưng trên thực tế, có những dự án luật, dự thảo Nghị quyết xây dựng trong thời gian ngắn, thì có cần thiết phải chi mức cao như thế không?"- đại biểu Nguyễn Phương Thủy đặt vấn đề.

Nhìn nhận những người làm trong công tác xây dựng pháp luật có nhiều vất vả, các chế độ, chính sách hỗ trợ để họ yên tâm công tác là cần thiết, song đại biểu Thủy cho rằng phải phù hợp, và không riêng trong lĩnh vực này, cán bộ, công chức nói chung đều cần phải được quan tâm bằng các chế độ, chính sách.

Bà Thủy lo ngại nếu tạo ra các chế độ, chính sách quá đặc biệt đối với người làm công tác xây dựng pháp luật, trong khi bỏ quên các nhóm khác, sẽ tạo ra tâm tư cho họ. "Có chế độ là tốt, nhưng chế độ phải phù hợp và chứng tỏ được hiệu quả khi áp dụng"- đại biểu kiến nghị.