Thông tin mới vụ bắt nguyên Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm liên quan 100 tấn thực phẩm chức năng giả

Admin

Cục An toàn thực phẩm đã cấp 4 Giấy chứng nhận GMP cho 2 công ty, tạo điều kiện cho các đối tượng sản xuất 100 tấn thực phẩm giả.

Hối lộ để giảm số lỗi, khắc phục lỗi qua loa, đối phó

Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03 Bộ Công an) vẫn đang mở rộng điều tra vụ án để làm rõ sai phạm của các tổ chức và cá nhân liên quan đến vụ thu giữ hơn 100 tấn thực phẩm chức năng giả do Nguyễn Năng Mạnh (Giám đốc Công ty MegaPhaco, Chủ tịch HĐQT Công ty MediUSA - trụ sở tại quận Hoàng Mai, Hà Nội) cầm đầu. 

Ngày 13/5, cơ quan CSĐT đã khởi tố 5 người nguyên là cán bộ, lãnh đạo của Cục An toàn thực phẩm (ATTP) Bộ Y tế để điều tra tội "Nhận hối lộ", gồm: nguyên Cục trưởng Nguyễn Thanh Phong, Phó phòng Giám sát ngộ độc Cao Văn Trung; Giám đốc Trung tâm Ứng dụng và đào tạo an toàn thực phẩm Đinh Quang Minh, Phó Giám đốc Nguyễn Thị Minh Hải và chuyên viên 2 Lê Thị Hiên.

Thông tin trên VTV cho hay, Cơ quan CSĐT xác định các đối tượng sản xuất thực phẩm chức năng giả đã chi gần 3,2 tỷ đồng cho các lãnh đạo, cán bộ thuộc Cục An toàn thực phẩm để được ghi giảm số lỗi khi thẩm định, hậu kiểm và nhằm được tạo điều kiện trong việc xin cấp phép công bố sản phẩm cho nhóm 9 công ty sản xuất, mua bán sản phẩm bảo vệ sức khoẻ.

Thông tin mới vụ bắt nguyên Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm liên quan 100 tấn thực phẩm chức năng giả- Ảnh 1.

Các đối tượng (từ trái qua) Nguyễn Thanh Phong; Đinh Quang Minh; Nguyễn Thị Minh Hải; Lê Thị Hiên; Cao Văn Trung - Ảnh: Bộ Công an

Theo đó, để được sản xuất thực phẩm chức năng, doanh nghiệp của Mạnh phải được cấp giấy chứng nhận GMP với thời hạn 3 năm. Muốn được tiêu thụ thực phẩm chức năng trên thị trường, doanh nghiệp này phải được Cục An toàn thực phẩm cấp giấy phép công bố sản phẩm.

Theo Bộ Công an, các cán bộ của Cục An toàn thực phẩm đã có sai phạm trong việc thẩm định, hậu kiểm, cấp 4 giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm đạt yêu cầu thực hành sản xuất tốt (GMP) cho 2 Nhà máy (MediPhar và MediUSA); cấp 207 Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm (cấp phép) cho 207 sản phẩm thực phẩm chức năng của 09 Công ty (gồm: MediPhar, MediUSA, MegaLife, Việt Đức, MegaPharco, Việt Pháp, Liên doanh USA, PharmaCist, VitaPhar).

Cụ thể, trên VTC News có đưa, để nhà máy MediUSA và MediPhar sớm được thẩm định, hậu kiểm, cấp Giấy chứng nhận GMP và đi vào sản xuất, Nguyễn Năng Mạnh và Đỗ Mạnh Hoàng đã chi tiền cho đoàn kiểm tra thẩm định (do Cục An toàn thực phẩm chủ trì) nhằm được ghi giảm số lỗi khi thẩm định, hướng dẫn cách khắc phục, cho thời gian khắc phục lỗi.

Tuy nhiên, trong quá trình khắc phục lỗi, 2 công ty này chỉ thực hiện qua loa, mang tính hình thức, đối phó. Cao Văn Trung cũng chỉ đánh giá báo cáo khắc phục tồn tại của 2 công ty trên hồ sơ và ảnh chụp do 2 công ty gửi, không kiểm tra tính xác thực.

Từ đó, Cục An toàn thực phẩm cấp 4 Giấy chứng nhận GMP cho Công ty MediUSA và Công ty MediPhar, tạo điều kiện cho 2 công ty  sản xuất thực phẩm giả với số lượng lớn.

Thông tin mới vụ bắt nguyên Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm liên quan 100 tấn thực phẩm chức năng giả- Ảnh 2.

Công an xác định có hơn 900 nhãn hiệu thực phẩm chức năng bị làm giả - Ảnh: VTV

Trong phóng sự trên VTV, ông Nguyễn Thanh Phong - nguyên Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế có khai: "Khi đi hậu kiểm về như thế thì anh Cao Văn Trung đưa cho tôi một cái phong bì 50 triệu đồng, nói là doanh nghiệp cảm ơn. Như vậy là trong 4 lần đi cấp chứng nhận GMP và cấp lại cho 2 nhà máy và 1 lần hậu kiểm, anh Cao Văn Trung đưa tổng cộng cho tôi là 250 triệu đồng".

Ngoài ra, nhóm của Mạnh còn chi hơn 2 tỷ đồng cho chuyên viên tiếp nhận hồ sơ công bố sản phẩm tại Cục ATTP nhằm tạo thuận lợi trong việc cấp nhanh 207 Giấy phép công bố sản phẩm cho các công ty thuộc nhóm này.

Do có sự tiếp tay trên mà Nguyễn Năng Mạnh và các đồng phạm đã sản xuất hơn 100 tấn thực phẩm chức năng giả với hơn 900 nhãn hàng bị làm giả.

Sự việc hết sức nghiêm trọng, trách nhiệm thuộc về ai?

Liên quan đến vụ việc trên, trao đổi với phóng viên bên hành lang Quốc hội, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp), Ủy viên Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội, cho rằng đây là trách nhiệm của Cục An toàn thực phẩm và Quản lý Thị trường (Bộ Công Thương).

Bên cạnh đó, theo ông Hòa, các cơ quan bảo vệ pháp luật cũng cần vào cuộc và sử dụng các biện pháp nghiệp vụ để nắm bắt tình hình, phát hiện và xử lý nghiêm đối với các đối tượng bao che, ngó lơ cho các cơ sở sản xuất thuốc giả, thực phẩm chức năng giả, sữa giả...

Còn đại biểu Quốc hội Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai) đánh giá đây là sự việc hết sức nghiêm trọng. Theo ông, nhiều vụ việc như sữa giả, thuốc giả xảy ra trong thời gian qua cho thấy, công tác quản lý còn chưa thực sự hiệu quả. Khi vụ việc xảy ra rồi mới đi kiểm tra, xác minh, cho thấy công tác quản lý về an toàn thực phẩm "có vấn đề". 

Thông tin mới vụ bắt nguyên Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm liên quan 100 tấn thực phẩm chức năng giả- Ảnh 3.

Đại biểu Quốc hội Trịnh Xuân An - Ảnh: Tiền Phong

"Sự phối hợp giữa các lực lượng vẫn còn đang là khâu yếu. Cơ quan công an cũng không thể có đủ lực lượng để quản lý, theo dõi, nên phải có sự phối hợp liên ngành", báo Tiền Phong dẫn lời ông An nhìn nhận.

Qua các vụ việc trên, theo ông An cho thấy vấn đề đạo đức công vụ của đội ngũ làm công tác quản lý. Các hành vi nhận hối lộ, buông lỏng kiểm tra chính là nguyên nhân trực tiếp để xảy ra các vụ việc đáng tiếc như vừa qua.

Trong diễn biến liên quan, trong ngày 14/5, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo thành lập tổ công tác đặc biệt và mở đợt tấn công cao điểm đấu tranh, truy quét, ngăn chặn, đẩy lùi buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, lưu thông hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ xuất xứ, vi phạm bản quyền, vi phạm sở hữu trí tuệ, xuất xứ hàng hóa.

Thủ tướng chỉ ra một trong số các nguyên nhân khiến tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ, xuất xứ hàng hóa vẫn diễn biến phức tạp là do một số cá nhân tham gia công tác phòng chống lại có vi phạm, như lực lượng chức năng vừa khởi tố, bắt tạm giam nguyên Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế)…

Từ đó, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Bộ Công Thương phối hợp các cơ quan liên quan tăng cường hậu kiểm, xử lý nghiêm các vi phạm, nhất là đối với thực phẩm giả, thuốc chữa bệnh giả không rõ nguồn gốc; hoàn thiện các quy định về hậu kiểm, cấp phép hàng hoá, tinh thần là kiểm soát được nhưng phải bảo đảm thông thoáng, tích cực áp dụng chuyển đổi số, xây dựng cơ sở dữ liệu.