Dấu hiệu và cách xử lý khi ngộ độc rượu ngày Tết

Admin

Nếu người bệnh có dấu hiệu ngộ độc nặng như lú lẫn, mất ý thức, co giật, khó thở,... cần gọi cấp cứu ngay lập tức và đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất.

Sau khi uống rượu nên ăn gì?

Cuối năm luôn là khoảng thời gian đặc biệt để mọi người sum họp, sẻ chia và đón chào năm mới xuân Ất Tỵ 2025. Trong mỗi cuộc vui, tiệc tùng, rượu thường là một phần không thể thiếu, đặc biệt những ngày Tết thì rượu cũng được nhiều người lựa chọn. 

Tuy nhiên, theo BS.Bùi Huy Cận - Bệnh viện Đại học Y Dược Tp.HCM – Cơ sở 3 việc lạm dụng rượu gây nhiều tác hại cho sức khỏe.

BS.Cận cho biết, rượu thực phẩm là đồ uống có cồn được sản xuất từ quá trình lên men tinh bột của ngũ cốc, dịch đường của cây, hoa, củ, quả hoặc được pha chế từ cồn thực phẩm. Thành phần chính của rượu thực phẩm là ethanol (C2H5OH).

Dấu hiệu và cách xử lý khi ngộ độc rượu ngày Tết- Ảnh 1.

Những lưu ý khi khi sử dụng rượu ngày Tết.

Theo BS.Cận, các loại thức uống và thực phẩm sau đây có thể giúp giảm nhẹ các triệu chứng khó chịu sau khi uống rượu, bao gồm:

Nước lọc: Uống nhiều nước giúp pha loãng nồng độ cồn trong máu, bù nước cho cơ thể và tăng cường đào thải độc tố qua đường tiết niệu.

Nước ép trái cây (cam, bưởi, cà chua): Giàu vitamin C và chất chống oxy hóa, giúp cơ thể tỉnh táo và hỗ trợ quá trình chuyển hóa rượu của gan. Lưu ý: Tránh các loại nước ép quá chua (đặc biệt là nước chanh) vì có thể gây kích ứng dạ dày, đặc biệt là khi dạ dày còn chứa cồn.

Trà gừng: Gừng có tác dụng làm ấm cơ thể, tăng cường lưu thông máu và giảm cảm giác buồn nôn. Có thể kết hợp với mật ong để tăng hiệu quả.

Nước đậu xanh/đậu đen: Chứa nhiều chất xơ và chất chống oxy hóa, giúp giải độc và giảm các triệu chứng khó chịu.

Cháo loãng, súp nóng: Cung cấp năng lượng và bổ sung chất điện giải bị mất do tác dụng lợi tiểu của rượu.

Rau xanh và trái cây tươi (chuối, táo, dưa hấu): Cung cấp vitamin và khoáng chất cần thiết cho cơ thể.

Xử trí khi bị ngộ độc

Ngộ độc rượu diễn ra rải rác quanh năm nhưng cao điểm thường bắt đầu từ trước tới sau tết Nguyên Đán, bệnh nhân nhập viện trong nhiều tình trạng khác nhau từ nhẹ đến nặng. Đa số các trường hợp ngộ độc rượu là do uống phải rượu trắng "3 không": Không nhãn mác, không nguồn gốc, không rõ thành phần.

Về các dấu hiệu ngộ độc rượu, BS.Cận cho hay, các mức độ ngộ độc rượu nhẹ thì đỏ mặt, buồn nôn, nôn mửa, chóng mặt, đau đầu. Trung bình thì lú lẫn, nói lắp, mất điều hòa vận động.

Còn nặng có thể co giật, khó thở, hạ thân nhiệt, nhịp tim chậm hoặc không đều, mất ý thức, hôn mê.

Uống rượu ở mức vừa phải được định nghĩa là 1 đơn vị cồn ở nữ và 2 đơn vị cồn ở nam.
1 đơn vị cồn tương đương:
Bia: 355 ml
Rượu vang: 148 ml
Rượu mạnh (40%): 44 ml
Uống rượu nhiều được định nghĩa là nhiều hơn 3 đơn vị cồn trong ngày hoặc hơn 7 đơn vị cồn trong tuần ở nữ và nam trên 65 tuổi, và hơn 4 đơn vị cồn trong ngày hoặc hơn 14 đơn vị cồn trong tuần ở nam từ 65 tuổi trở xuống.

Cách xử lý ngộ độc rượu được bác sĩ chỉ ra: Nếu người uống còn tỉnh nên đặt người bệnh nằm nghiêng để tránh hít phải chất nôn vào phổi, giữ ấm cơ thể. Cho uống nước hoặc dung dịch điện giải (ORS) để bù nước.

Nếu người bệnh có dấu hiệu ngộ độc nặng (lú lẫn, mất ý thức, co giật, khó thở,...) cần gọi cấp cứu ngay lập tức và đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất.

"Hiện nay, không có thuốc giải rượu thực sự được công nhận bởi các cơ quan y tế. Các sản phẩm được bán trên thị trường thường là thực phẩm chức năng với các thành phần như glucose, vitamin, các axit hữu cơ (acid glutamic, acid fumaric, acid succinic,...), giúp hỗ trợ gan chuyển hóa rượu và giảm nhẹ một số triệu chứng", BS.Cận thông tin.

Dấu hiệu và cách xử lý khi ngộ độc rượu ngày Tết- Ảnh 2.

Ngộ độc rượu diễn ra rải rác quanh năm nhưng cao điểm thường bắt đầu từ trước tới sau tết Nguyên Đán.

Vị bác sĩ cũng đưa ra lưu ý quan trọng đối với các thuốc giải rượu đó là các sản phẩm này không có khả năng giải rượu hoàn toàn và không thể ngăn ngừa tác hại của rượu.

Không nên sử dụng acetaminophen (paracetamol) để giảm đau đầu sau khi uống rượu vì có thể gây độc cho gan khi kết hợp với cồn.

Tránh sử dụng ibuprofen vì có thể làm tăng nguy cơ xuất huyết dạ dày, đặc biệt ở người có tiền sử bệnh dạ dày.

Bên cạnh đó, không sử dụng thuốc chống nôn vì có thể cản trở quá trình đào thải độc tố.

"Lạm dụng các sản phẩm này có thể khiến người uống chủ quan và uống nhiều rượu hơn, gây hại cho sức khỏe", BS.Cận thông tin.

BS.Cận cũng cho biết lạm dụng rượu trong thời gian dài có thể gây ra nhiều bệnh lý nghiêm trọng như: Viêm gan, xơ gan, ung thư gan, tăng huyết áp, bệnh cơ tim, đột quỵ, suy giảm trí nhớ, rối loạn tâm thần, tổn thương thần kinh ngoại biên; ung thư miệng, họng, thực quản, gan, đại tràng...

Bác sĩ cũng đưa ra lời khuyên cách tốt nhất để tránh tác hại của rượu là hạn chế hoặc không uống rượu.

Xử phạt kịch khung người lái xe máy uống rượu say nằm ngủ lề đường

Nếu có uống, hãy tuân thủ các nguyên tắc sau: Uống từ từ, không uống quá nhanh, không uống khi đói, uống nhiều nước lọc giữa các lần uống rượu, ăn thức ăn trong khi uống rượu. Không lái xe sau khi uống rượu.

"Rượu có thể gây nhiều tác hại cho sức khỏe nếu lạm dụng. Hiểu rõ về tác hại của rượu, cách xử lý ngộ độc và những lưu ý khi sử dụng các sản phẩm hỗ trợ là rất quan trọng. Hãy uống rượu có trách nhiệm để bảo vệ sức khỏe của bản thân và những người xung quanh", BS.Cận chia sẻ và khuyến cáo khi gặp các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng do rượu, hãy tìm kiếm sự tư vấn y tế kịp thời.

Còn nhớ dịp Tết Nguyên đán 2024, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Thanh Nhàn đã tiếp nhận 2 bệnh nhân trong cùng một gia đình vào viện trong bệnh cảnh tụt huyết áp, rối loạn nhịp thất phức tạp do ngộ độc Aconitin sau uống 100ml rượu ngâm củ ấu tẩu.

Cụ thể, nam bệnh nhân N.V.H. (49 tuổi) có tiền sử tăng huyết áp - đái tháo đường type 2. Bệnh nhân H. có sử dụng rượu ngâm củ ấu tẩu cùng nam bệnh nhân N.H.Q. (68 tuổi). Sau khi uống khoảng 30 phút, cả 2 bệnh nhân đều có biểu hiện tê môi, tê đầu lưỡi, chóng mặt, đau tức nặng ngực và được đưa vào Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Thanh Nhàn.

Khi vào viện, bệnh nhân H. được chẩn đoán bị ngộ độc Aconitin biến chứng rối loạn nhịp thất phức tạp - toan chuyển hóa rất nặng, được xử trí đặt sonde dạ dày, rửa dạ dày. Ngoài ra, bệnh nhân còn được dùng các thuốc vận mạch, chống rối loạn nhịp thất và được lọc máu liên tục.

Theo các bác sĩ Bệnh viện Thanh Nhàn, khi xác định có biểu hiện ngộ độc củ ấu tẩu, bệnh nhân cần được xử trí cơ bản như các trường hợp ngộ độc khác.

Đầu tiên là gây nôn, cho uống than hoạt tính nếu người bệnh còn tỉnh, sau đó nhanh chóng đưa đến cơ sở y tế gần nhất. Tuyệt đối không để người bị ngộ độc ở nhà để tự theo dõi và điều trị vì bệnh nhân có thể tử vong nhanh chóng do suy hô hấp hoặc loạn nhịp tim.

Các chuyên gia y tế khuyến cáo, vì củ ấu tẩu rất độc nên người dân tuyệt đối không tự ý sử dụng. Khi dùng các chế phẩm thuốc có thành phần là củ ấu tẩu phải hết sức thận trọng và theo đúng hướng dẫn của thầy thuốc. Không tự chế biến củ ấu tẩu làm thức ăn. Các loại rượu ngâm ấu tẩu dùng để xoa bóp phải được dán nhãn rõ ràng, cất giữ nơi an toàn, xa tầm tay trẻ em và để tránh nhầm lẫn khi sử dụng.