
Ngày 2/4, Tổng thống Donald Trump ký lệnh hành pháp công bố các mức thuế quan đối ứng đối với hàng hóa nhập vào Mỹ với mọi quốc gia, trong đó có Việt Nam nằm trong nhóm các nước bị áp mức thuế cao nhất, là và 46%.
Ông Trump cũng cho biết sẽ áp dụng thuế nhập khẩu 10% với toàn bộ hàng nhập khẩu vào Mỹ, từ ngày 5/4. Tức là tất cả quốc gia và vùng lãnh thổ đều phải chịu mức thuế nhập khẩu chung 10% này. Sau đó, kể từ ngày 9/4, các đối tác thương mại lớn nhất của nước này sẽ chịu thuế đối ứng ở mức cao hơn, theo bảng ông Trump đã công bố.

Bàn luận về vấn đề này trong chương trình "Cafe cùng chứng" sáng ngày 3/4 của SSI, ông Phạm Lưu Hưng - Kinh tế trưởng, Giám đốc SSI Reseach, Trưởng ban Đào tạo & Phát triển CTCP Chứng khoán SSI đã phân tích tác động của thuế quan mới này đến Việt Nam cũng như đưa ra đánh giá về một số nhóm ngành.
Theo ông Hưng, danh sách các nước nằm trong danh sách không bất ngờ, việc bất ngờ là con số 46%, cao hơn đáng kể so với các ước tính trước đây (10 - 15%).
Ông Hưng cho rằng chính sách này ảnh hưởng đến gần 60 quốc gia và cả thế giới. Nó có nguy cơ đẩy kinh tế thế giới vào suy thoái, tương tự các giai đoạn suy thoái kinh tế trước đây hay đại dịch Covid-19. Do đó, tác động thực tế lên Việt Nam cần nhìn trong bối cảnh suy thoái này.
Tuy nhiên, theo ông, mức 46% được xem như "mức trần" để bắt đầu đàm phán. Việt Nam đã có nhiều động thái thể hiện thiện chí trong việc xử lý mối quan hệ thương mại giữa hai quốc gia. Do đó, có kỳ vọng rằng qua đàm phán, mức thuế thực tế áp dụng sẽ thấp hơn đáng kể.
Bên cạnh đó, việc rủi ro thuế quan được định hình rõ ràng, dù ở mức xấu, có thể khiến nhà đầu tư nước ngoài (đã bán ròng nhiều) xem xét lại việc đầu tư vào Việt Nam khi "tin xấu nhất đã ra".
Một số ngành có thể chọn làm điểm sáng trong bối cảnh này là ngành Điện. Ông Hưng nhận xét đây là ngành hoàn toàn liên quan đến thị trường trong nước, và theo ông mang tính chất "an toàn" trong bối cảnh này, bởi ngành điện là ngành đi theo tăng trưởng chung của kinh tế Việt Nam.
Đối với ngành Ngân hàng , tăng trưởng tín dụng chủ yếu liên quan đến thị trường nội địa. Đôi khi sự khó khăn từ thị trường xuất khẩu lại làm cho mình quay trở lại với nội địa. Khi kinh tế tăng trưởng, ngay cả những ngành ngày xưa nghĩ là khó nhằn như cơ sở hạ tầng cũng tạo ra cơ hội để ngân hàng cho vay.
Ông Hưng nhận định, các ngành bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi chính sách này là những ngành xuất khẩu nhiều, đặc biệt là xuất khẩu sang Mỹ.
Ví dụ, ngành thủy sản , theo ông Hưng, mức thuế 46% tương đương một mức thuế chống bán phá giá rất cao đối với ngành thủy sản. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng các nhà nhập khẩu Mỹ không có quá nhiều lựa chọn thay thế do các quốc gia khác cũng bị áp thuế. Hàng thủy sản Việt Nam là hàng tiêu dùng, có độ co giãn cầu không quá lớn. Ông nhận định ảnh hưởng đối với ngành là có nhưng có thể ở mức chấp nhận được, và ông cũng cho rằng mức thuế 46% không kéo dài mà chỉ áp dụng ngắn hạn.
Đối với ngành thép, tôn mạ , ông Hưng chia sẻ, xuất khẩu thép của Việt Nam không chiếm tỷ trọng quá lớn trong tổng doanh thu toàn ngành. Và các mặt hàng liên quan đến thép không bị áp thuế đối kháng quá cao và có các cơ chế thuế riêng do đó ngành thép toàn cầu không bị ảnh hưởng quá nhiều.
Lo ngại chính vẫn là dư cung từ Trung Quốc ảnh hưởng giá toàn cầu. Tuy nhiên, Việt Nam đã có các công cụ bảo hộ thị trường nội địa khỏi thép giá rẻ.
Đối với ngành bất động sản khu công nghiệp , ông Hưng cũng nhận định sẽ không có ảnh hưởng lớn. Do quyết định đầu tư FDI là dài hạn, không thay đổi đột ngột theo tin tức thuế quan hàng ngày. Ngành vẫn hưởng lợi từ xu hướng dịch chuyển FDI vào Việt Nam hiện tại. Hạn chế chính có thể là nguồn cung đất sạch.
Đối với ngành vận tải biển, theo ông Hưng, nhà đầu tư kỳ vọng có thể có sự gia tăng nhu cầu tạm thời do các doanh nghiệp "front-loading" (đẩy mạnh xuất khẩu) trước khi thuế có hiệu lực nhưng thời gian còn tương đối ngắn. Tuy nhiên, trong dài hạn, cần chờ phụ thuộc vào kết quả đàm phán cuối cùng và tác động lên thương mại toàn cầu. Theo ông đây cũng là cơ hội để cho hệ thống thương mại toàn cầu tái cấu trúc.
Ông đánh giá những thay đổi liên quan đến thuế có thể ảnh hưởng tương đối tiêu cực đến ngành trong ngắn hạn, có thể bắt đầu từ quý 2, quý 3.
Đối với ngành cao su (liên quan đến săm lốp ô tô), ông Hưng cho rằng, các nhà sản xuất ô tô Mỹ cũng bị ảnh hưởng do phải nhập khẩu linh kiện và đang có phản ứng. Có khả năng chính sách thuế của Mỹ sẽ được điều chỉnh để phân biệt giữa xe nguyên chiếc và linh kiện, nhằm hỗ trợ sản xuất trong nước hiệu quả hơn. Theo ông, ảnh hưởng về sau này sẽ không nhiều do chính sách có thể sẽ được nới lỏng hơn cho các nhà cung cấp linh kiện.
Đối với ngành công nghệ , cụ thể là cổ phiếu FPT, ông Hưng cho rằng ảnh hưởng trực tiếp từ thuế thì không có, vì thuế chủ yếu đánh vào hàng hóa, trong khi FPT cung cấp dịch vụ.
Tuy nhiên, nếu thuế quan gây suy thoái kinh tế, đặc biệt nền kinh tế Mỹ đang xấu sẵn, ngân sách chi cho công nghệ sẽ giảm, ảnh hưởng đến tăng trưởng của FPT. Bên cạnh đó, xu hướng định giá cổ phiếu công nghệ toàn cầu giảm cũng gây áp lực lên cổ phiếu FPT. Yếu tố tích cực là FPT vẫn hưởng lợi từ xu hướng chuyển đổi số mạnh mẽ trong nước.