Chuyên gia lý giải nguyên nhân sét liên tục dội xuống miền Bắc rạng sáng nay

Admin

Chuyên gia đưa ra nhận định về nguyên nhân hiện tượng sét liên tục xuất hiện trong đêm qua và rạng sáng nay tại nhiều tỉnh, thành miền Bắc khi các cơn dông kéo đến.

Đêm qua và sáng nay (25/4), nhiều khu vực ở miền Bắc mưa to đến rất to và dông mạnh kèm sấm sét liên tục dội xuống.

Lượng mưa từ 19h ngày 24/4 đến 8h ngày 25/4 có nơi trên 80mm như: Mỏ Vàng (Yên Bái) 93,6mm, Yên Minh (Hà Giang) 82,6mm, Vĩnh Bảo (TP Hải Phòng) 120,2mm, Tiền Phong (Hải Dương) 116,4mm, Đông Hải (Thái Bình) 156,8mm, Thanh Trì (TP Hà Nội) 93,4mm, Hải Triều (Hưng Yên) 91,8mm…

Sét đánh tập trung chủ yếu ở các tỉnh như Phú Thọ, Tuyên Quang, Yên Bái, Hà Giang, Hải Phòng, Thái Bình, Hà Nội..., khu vực vịnh Bắc Bộ.

Chuyên gia lý giải nguyên nhân sét liên tục dội xuống miền Bắc rạng sáng nay- Ảnh 1.

Bản đồ phân bố mật độ sét cho thấy sét đánh tập trung ở chủ yếu Bắc Bộ, vịnh Bắc Bộ. (Ảnh: Trung tâm Mạng lưới khí tượng thủy văn quốc gia)

Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn quốc cho biết, đây là hiện tượng thời tiết thường xảy ra ở Bắc Bộ vào thời điểm giao mùa từ cuối tháng 3 đến tháng 5.

Lý giải về việc đêm qua và sáng sớm nay, sét liên tục đánh xuống đất và sét trong mây ở trên đất liền, trên biển và khu vực lân cận Việt Nam, ông Khiêm cho hay: "Tác động, ảnh hưởng của khối không khí lạnh yếu gặp khối không khí nóng ẩm tạo ra tính bất ổn định của khí quyển mạnh dến đến hiện tượng mưa dông".

Việt Nam nhiều sấm sét do nằm ở tâm dông châu Á - một trong ba tâm dông trên thế giới. Số ngày dông trung bình của nước ta là 100, số giờ trung bình là 250 mỗi năm. Cả nước mỗi năm hứng chịu tới 2 triệu cú sét.

Không chỉ mưa dông kèm sấm sét, ngày 24/4, nhiều xã ở huyện Mèo Vạc (Hà Giang) còn xuất hiện mưa đá kéo dài 10-20 phút, viên đá to bằng quả trứng, quả mận khiến nhiều nhà dân thủng mái, vườn tược bị tàn phá.

Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia cho biết, trong ngày 25/4, mưa ở Bắc Bộ giảm nhanh, chỉ còn xảy ra ở vài nơi. Chiều và tối cùng ngày, Tây Nguyên và Nam Bộ mưa rào và dông rải rác, cục bộ có nơi mưa to với lượng mưa phổ biến 10-30mm, có nơi trên 60mm. Trong mưa dông người dân cần đề phòng các hiện tượng thời tiết cực đoan như lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.

Từ tháng 5-7, các đợt mưa vừa mưa to khả năng tiếp tục xuất hiện ở Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ.

Trên phạm vi cả nước có thể xảy ra các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như dông, lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh, đặc biệt trong các đợt không khí lạnh vào thời kỳ chuyển mùa, ảnh hưởng tiêu cực đến các hoạt động sản xuất và sức khỏe cộng đồng.

Trong 3 tháng này, bão hoặc áp thấp nhiệt đới khả năng hoạt động trên khu vực Biển Đông và ảnh hưởng đến nước ta ở mức xấp xỉ trung bình nhiều năm (trên Biển Đông: 3,2 cơn, đổ bộ vào đất liền: 1,2 cơn).

Theo báo cáo nhanh của Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố Hà Giang, Nghệ An, Quảng Bình, Huế, Quảng Ngãi, mưa lớn kèm dông, lốc, mưa đá ngày 23-24/4 khiến 1 người ở Nghệ An bị thương.

21 nhà sập (Nghệ An 6, Quảng Ngãi 15); 328 nhà hư hỏng, tốc mái (Hà Giang 80, Nghệ An 129, Quảng Bình 12, Huế 27, Quảng Ngãi 80).