Chiến lược 'Trung Quốc+1' giúp một quốc gia châu Á trở thành siêu cường, chấm dứt kỷ nguyên 'Made in China'

Admin

Các công ty đang hối hả thực hiện chiến lược Trung Quốc+1 để giảm sự phụ thuộc vào quốc gia tỷ dân.

Thương hiệu đồ chơi Mỹ Melissa & Doug trong nhiều năm phụ thuộc rất nhiều vào các nhà máy Trung Quốc. Thực tế đó giờ đã lung lay, nhất là sau đại dịch COVID-19, trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị.

Tất cả hối thúc Melissa & Doug chuyển rời một số hoạt động sản xuất sang các nước khác. Điều này lý giải cho sự xuất hiện của giám đốc chuỗi cung ứng tại một nhà máy ở Greater Noida - thành phố cách thủ đô New Delhi của Ấn Độ khoảng 30 dặm về phía đông nam.

Nhà máy thuộc sở hữu của một doanh nghiệp gia đình tên Sunlord. Giám đốc điều hành của Melissa & Doug rất ngạc nhiên khi thấy cơ sở này có thể sản xuất đồ chơi bằng gỗ chất lượng cao với giá thành tương đương đồ chơi Trung Quốc. Cuối năm ngoái, Sunlord đã hoàn thành lô sản phẩm đầu tiên cho Melissa & Doug, một đơn hàng khiêm tốn với khoảng 10.000 sản phẩm và nay đã tăng lên 25.000 sản phẩm mỗi tháng.

Amitabh Kharbanda, giám đốc của Sunlord, cho biết: “Điều họ muốn là 20 đến 30% hoạt động sản xuất diễn ra ở Ấn Độ”.

Trong bối cảnh hiện nay, Ấn Độ nổi lên như một quốc gia tiềm năng về sản xuất. Các thương hiệu đa quốc gia vốn phụ thuộc vào các nhà máy Trung Quốc trong nhiều thập kỷ đang mở rộng sang Ấn Độ vì không muốn quá dựa dẫm vào một nơi. Xu hướng chuyển dịch có thể giúp chuỗi cung ứng toàn cầu trở nên linh hoạt hơn, đồng thời thúc đẩy vận may ở Ấn Độ.

Theo Trung tâm Giám sát Kinh tế Ấn Độ, nước này có hơn 1 tỷ dân nhưng chỉ có 430 triệu việc làm. Hầu hết lao động đều có cuộc sống bấp bênh. Xuất khẩu tăng có thể tạo ra việc làm mới, đặc biệt đối với phụ nữ, những người phần lớn không được tham gia vào đội ngũ làm việc chính thức.

Suốt 10 năm qua, ngay cả khi Ấn Độ tích cực xây dựng cảng và đường cao tốc, cơ sở hạ tầng về cơ bản vẫn còn chắp vá. Ngay cả những người tham gia vào lĩnh vực sản xuất của Ấn Độ cũng thắc mắc về khả năng xử lý tốc độ tăng trưởng đột biến.

Tuy nhiên, theo Kailesh Shah, giám đốc điều hành của All Time Plastics, công ty điều hành một nhà máy sản xuất đồ dùng nhà bếp ở phía bắc Mumbai, các thương hiệu Mỹ “nhìn thấy sức mạnh mà Ấn Độ mang lại”.

Năm ngoái, trong một cuộc khảo sát các công ty Mỹ hoạt động tại Trung Quốc của Phòng Thương mại Mỹ, 40% cho biết họ đang chuyển các khoản đầu tư theo kế hoạch sang các nước khác hoặc có ý định làm như vậy vì căng thẳng địa chính trị. Hầu hết đều đang hướng tới Đông Nam Á.

Ấn Độ chính là đề xuất độc đáo với tư cách là một quốc gia có 1,4 tỷ dân. Với nguồn nguyên liệu dồi dào, từ bông, quặng sắt đến hóa chất, các công ty có tiềm năng phát triển chuỗi cung ứng của riêng mình. Điều này lý giải tại sao nhà bán lẻ Walmart lại tích cực mở rộng theo đuổi các nhà cung cấp ở Ấn Độ, với mục tiêu tăng lượng mua hàng lên 10 tỷ USD mỗi năm vào năm 2027.

Amitabh Kant, một quan chức chính phủ cấp cao, cho biết: “Tôi không thấy các khoản đầu tư trong tương lai của các công ty Mỹ vào Trung Quốc. Tất cả đều đang chuyển hoạt động sản xuất sang Ấn Độ. Đó là một cơ hội lớn để tạo việc làm”.

Chiến lược 'Trung Quốc+1' giúp một quốc gia châu Á trở thành siêu cường, chấm dứt kỷ nguyên 'Made in China'- Ảnh 1.

Các công ty châu Âu cũng có xu hướng tương tự.

Uli Scherraus, giám đốc điều hành của TecPoint, một nhà bán lẻ dao, thớt và phụ kiện nướng của Đức cho biết: “Có quá nhiều sự phụ thuộc vào hàng tiêu dùng Trung Quốc. Mọi người đã nhận ra việc chỉ dựa vào một nhà cung cấp duy nhất sẽ không có lợi”.

Một số các nhà bán lẻ Bắc Mỹ và châu Âu bất ngờ tới Uttar Pradesh để tìm nơi đặt nhà máy. Cuộc sống của người dân lao động theo đó cũng ổn định hơn phần nào.

Chiều hôm ấy, bên trong một nhà máy gia đình có tên Shree Krishna, hàng trăm người đang sử dụng máy móc để biến những cuộn thép cứng thành các sản phẩm dành cho nhà bếp như thớt, máy lắc cocktail, muôi. Người nhúng hóa chất, người khác thì cưa. Không khí náo nhiệt lạ thường.

Samish Jain, người giám sát hoạt động tiếp thị của Shree Krishna cho biết: “Chúng tôi đã quen với việc đó. Đây là một đơn đặt hàng lớn”.

Chia sẻ với The New York Times, Shree Krishna cho biết mình đã sản xuất sản phẩm cho Walmart trong hơn 2 thập kỷ. Những tháng gần đây, đơn hàng bất ngờ tăng đột biến. Gia đình Jain hình dung việc kinh doanh sẽ nhân lên gấp 10 hoặc thậm chí 20 lần trong 5 năm tới.

“Walmart không muốn bỏ tất cả trứng vào giỏ Trung Quốc. Họ coi Ấn Độ là quốc gia duy nhất có thể xử lý được quy mô tương tự”, Jain nói.

Sau nhiều thập kỷ hứa hẹn, thời của Ấn Độ thực sự đã đến. Trái ngược với triển vọng tăng trưởng ảm đạm của Trung Quốc và môi trường hoạt động ngày càng hạn chế, nền kinh tế Ấn Độ đang tăng trưởng hơn 7% mỗi năm. Thị trường chứng khoán cũng đang sôi động, trong khi chính phủ bắt đầu tạo điều kiện cho nhiều hoạt động kinh doanh.

Agamjeet Dang, giám đốc điều hành Executive Access India, một công ty chuyên về tuyển dụng C-Suite, cho biết: “Sự suy thoái ở Trung Quốc đang diễn ra trùng với sự bùng nổ của cải ở Ấn Độ”.

“Ấn Độ có lực lượng lao động lớn, lịch sử sản xuất lâu đời cùng sự hỗ trợ của chính phủ nhằm thúc đẩy công nghiệp và xuất khẩu. Nhiều người đang xem xét xem, liệu Ấn Độ có phải giải pháp thay thế khả thi cho Trung Quốc hay không”, Julie Gerdeman, Giám đốc điều hành rủi ro chuỗi cung ứng nền tảng quản lý Everstream, nói.

Theo các chuyên gia, trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ-Trung, đây có thể được coi là thời điểm vàng để Ấn Độ mở rộng mối quan hệ thương mại với thế giới. Vị thế “công xưởng của thế giới” vẫn đang trở thành đích đến cho các nước Đông Nam Á trong cuộc đua lấp đầy khoảng trống mà họ hy vọng Trung Quốc sớm tạo ra.

Tuy nhiên, theo một doanh nghiệp có trụ sở tại thành phố Osaka, nếu xây dựng cơ sở chế tạo ở nước ngoài, chắc chắn họ sẽ đặt tại Trung Quốc bởi quốc gia này có sự khác biệt về “chất”. Nếu suy nghĩ về mức độ thành thục của các công xưởng chế tạo thì rõ ràng, Trung Quốc không thể bị bỏ qua.

Theo: The New York Times