
Nhiều doanh nghiệp đang chọn lên sàn Việt, bớt cảnh “nương nhờ” bán hàng ở sàn ngoại - Ảnh: AI
Mục tiêu không chỉ tạo sàn B2B (doanh nghiệp tới doanh nghiệp), giảm sự lệ thuộc mà còn tạo nền tảng giúp hàng hóa Việt chủ động vươn ra thị trường toàn cầu, nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh thương mại ngày càng khốc liệt.
Muốn thoát cảnh "đường ai nấy đi"
Chị Hoàng Lan, chủ xưởng đồ gỗ tại Bình Dương, từng kỳ vọng hội chợ và triển lãm sẽ mở ra cơ hội kết nối với đối tác quốc tế như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc...
Nhưng sau những cái bắt tay và danh thiếp trao đổi, mọi thứ thường rơi vào im lặng. "Hội chợ kết thúc 5-6 ngày, việc liên lạc gần như bất khả thi vì thiếu kênh kết nối lâu dài" - chị chia sẻ.
Đồng tình, ông Hứa Phú Doãn, chủ tịch Hiệp hội Thiết bị y tế TP.HCM, cho rằng tình trạng "đường ai nấy đi" sau hội chợ không hiếm. Doanh nghiệp muốn vươn ra quốc tế nhưng thiếu kênh giao thương liên tục, trong khi chi phí bỏ ra không nhỏ.
Trước đây, để xuất khẩu, doanh nghiệp Việt thường chọn cách hợp tác với các sàn quốc tế như Alibaba hay Amazon, chấp nhận chi phí cao, rủi ro bảo mật dữ liệu và sự phụ thuộc vào chính sách biến động của nền tảng ngoại.
"Chúng ta cần một sân chơi thuần Việt, không chỉ để trưng bày sản phẩm mà còn kết nối bền vững" - ông Lê Trung Dũng, đại diện Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công Thương), nhấn mạnh.
Điểm sáng mới từ sàn B2B nội địa
Theo tìm hiểu, trong khi Alibaba thu 1.000 - 5.000 USD/năm/gian hàng, hoa hồng 5 - 8% và chi phí logistics quốc tế 5 - 20 USD/kg thì một sàn của Việt Nam chi phí rẻ hơn hẳn.
Arobid hiện miễn phí gian hàng giai đoạn đầu, phí giao dịch 2 - 5%, logistics nội địa chỉ 0,5 - 2 USD/kg. Tất nhiên, sàn ngoại vẫn vượt trội về mạng lưới khách hàng toàn cầu, dù đi kèm rủi ro bảo mật và phụ thuộc chính sách.
Theo các doanh nghiệp xuất khẩu, Arobid.com là một start-up Việt Nam nổi lên như một điểm sáng trong bối cảnh này. Ông Trần Văn Chín, chủ tịch Công ty công nghệ Arobid, cho biết sàn này kết nối trực tiếp "ngàn nhà bán - vạn nhà mua", tích hợp AI hỗ trợ giao thương và xúc tiến thương mại xuyên biên giới.
Hệ sinh thái của Arobid còn có TradeXpo (triển lãm số) và Goods for Good (quyên góp thiện nguyện), giúp doanh nghiệp thực hiện trách nhiệm xã hội minh bạch.
Ông Trần Phú Lữ, giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư TP.HCM (ITPC), cho hay đã hợp tác với Arobid, tạo sân chơi mới cho các doanh nghiệp nhỏ chưa đủ sức vươn ra toàn cầu để tiếp cận bạn hàng quốc tế.
Ông nhìn nhận Arobid không chỉ là sàn TMĐT B2B mà còn là trục kết nối giữa doanh nghiệp Việt với các tập đoàn đa quốc gia, nhà phân phối và nhà nhập khẩu quốc tế.
Chỉ cần một gian hàng trên sàn, nhà mua hàng quốc tế có thể dễ dàng tiếp cận năng lực và sản phẩm của doanh nghiệp Việt. Do đó, ITPC đặt mục tiêu đưa 10.000 doanh nghiệp lên sàn, xây dựng cơ sở dữ liệu số hóa mạnh mẽ để quảng bá thương hiệu Việt.
Không chỉ Arobid, nhiều doanh nghiệp Việt Nam khác cũng đang đẩy mạnh phát triển các sàn TMĐT B2B.
Ông Nguyễn Hoài Chung, CEO của Phaata - sàn giao dịch logistics quốc tế đầu tiên tại Việt Nam, đang giải quyết "nỗi đau" cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu trong việc khó tìm kiếm đối tác, tối ưu chi phí vận chuyển với báo giá chi tiết dựa trên công nghệ 4.0.
Theo ông Chung, trước đây chủ hàng chỉ có thể lựa chọn đối tác logistics dựa trên số ít đối tác mà mình biết, trong khi những công ty logistics này lại chưa phải là công ty logistics phù hợp, bị chào giá cước cao, không chuyên tuyến, dịch vụ kém...
Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến chi phí vận chuyển cao và nhiều rủi ro phát sinh đi kèm trong quá trình sử dụng dịch vụ. Để có được thông tin giá cước đầy đủ của thị trường là rất khó vì chủ hàng phải mất rất nhiều thời gian và công sức để tìm kiếm và tổng hợp.
"Cả thị trường ở trên sàn thì sao? Doanh nghiệp có thể "đi chợ" logistics, dễ dàng tìm kiếm, so sánh và lựa chọn được công ty logistics phù hợp nhất một cách nhanh chóng và thuận tiện bằng cú click chuột", ông Chung nói và cho rằng điều này giúp tiết kiệm được chi phí, tăng năng lực cạnh tranh.
Ông Nguyễn Hà Đức Minh, CEO Lava Digital Group, nhận định sàn B2B giúp doanh nghiệp nắm rõ hàng hóa tồn ở kênh nào, số lượng bao nhiêu, từ đó tối ưu quyết định kinh doanh. Hơn nữa, việc tự động hóa quy trình đặt hàng qua sàn sẽ tinh giảm bộ máy phân phối truyền thống.
Hợp tác nội địa trước khi vươn xa
Tuy vậy, tạo sàn B2B nội địa thành công không đơn giản. Telio đóng cửa cuối 2024 do cạn vốn, dù doanh thu đạt 2,5 - 3 triệu USD/tháng. Ông Bùi Sỹ Phong, nhà sáng lập, cho biết chi phí vận hành cao và biên lợi nhuận thấp khiến công ty không trụ nổi.
Trước đó, Kilo cũng ngừng hoạt động sau 3 năm vì lý do tương tự. Những thất bại này cho thấy sàn B2B nội địa cần nguồn vốn bền vững và chiến lược tối ưu hóa chi phí.
Tránh những vết xe đổ, ông Phan Đình Tuệ, chủ tịch Bamboo Airways kiêm đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA), đề xuất doanh nghiệp hợp tác nội địa, thử nghiệm mô hình B2B trước khi mở rộng quốc tế.
Các chuyên gia nhấn mạnh để sàn B2B nội địa phát triển, doanh nghiệp cần đầu tư công nghệ, nâng cao kỹ năng số và xây dựng chiến lược dài hạn. Đồng thời, cần kế hoạch marketing, chăm sóc khách hàng và mở rộng tập khách hàng từ truyền thống sang trực tuyến, liên tục cập nhật công nghệ để theo kịp tốc độ đổi mới.
Tận dụng lợi thế của người đi sau
Ông Nguyễn Nguyên Phương, phó giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, đánh giá sàn B2B sẽ là "sân chơi mới" cho doanh nghiệp, đặc biệt là các đơn vị chưa kết nối được với thị trường quốc tế. "Trực tuyến sẽ giúp doanh nghiệp không bỏ lỡ cơ hội, vượt qua hạn chế của các phương thức truyền thống" - ông khẳng định.
Tại Hội chợ hàng Việt Nam tiêu biểu xuất khẩu 2025 (HCM City Export 2025) vừa qua, nhiều doanh nghiệp đã bàn bạc và tìm cách hợp tác xây dựng sàn B2B nội địa do chính doanh nghiệp Việt làm chủ công nghệ.
Ông Nguyễn Văn Dũng, phó chủ tịch UBND TP.HCM, nhận định thế giới đã có nhiều sàn TMĐT B2B từ lâu, đi sau cũng là lợi thế nếu biết nắm bắt đúng cách.
